Chuyện Hà Dũng: Bất ngờ 45 dòng tâm huyết

04/11/2011 06:00
(GDVN) - Bức thư không chỉ và không hẳn là nói về Hà Dũng, mà chủ yếu là về các doanh nhân nói chung...
LTS - Khi đăng tải bài viết về nhạc sĩ - doanh nhân Hà Dũng, BBT Văn hóa hiểu rằng sẽ có đôi chút "băn khoăn", "khó hiểu" của độc giả, nhất là những ai theo dõi tình hình thua lỗ, nợ nần, nợ lương của hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines. Nhưng cuộc sống vốn không đơn giản và bản thân mỗi con người đều có những chiều kích không dễ hiểu hết về tính cách, tâm hồn. Những điều bài viết nêu ra, hẳn nhiên, cũng chỉ là một phần rất nhỏ về một con người xét riêng trên khía cạnh tâm hồn, cách ứng xử giữa bạn bè với nhau.

Có lẽ cũng vì vậy mà, thật sự tình cờ và bất ngờ, Tòa soạn nhận được bức thư của một độc giả muốn giấu tên (ký tên: Xa và Gần), tâm sự về suy nghĩ của mình đối với chuyện của Hà Dũng. Thật ra, đọc hết 45 dòng viết (trên file word gửi tòa soạn), độc giả có lẽ sẽ cảm nhận thấy đó không chỉ và không hẳn là nói về Hà Dũng, mà chủ yếu là về các doanh nhân nói chung. Nhà bác học Việt Lê Quý Đôn từng đúc kết từ kinh nghiệm tiền nhân rằng: "Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng". Đất nước ta đang tiến lên giàu mạnh, hẳn điều đúc kết của người xưa vẫn còn rất nhiều giá trị...

Chính vì lẽ đó, BBT quyết định đăng tải bức thư này đặng mong độc giả có thêm một chút thông tin, góc nhìn, để cùng suy ngẫm và chia sẻ. Trân trọng!

Doanh nhân - nhạc sĩ Hà Dũng.
Doanh nhân - nhạc sĩ Hà Dũng.
Cảm nghĩ về bài viết "Hà Dũng và cuộc gọi từ người nhận 100.000 USD" (đọc bài)

Tôi rất ngưỡng mộ anh Hà Dũng khi đọc bài viết "Hà Dũng và cuộc gọi từ người nhận 100.000 USD". Từ lâu, tôi hay theo dõi những bài viết có liên quan đến anh, đến hãng hàng không Indochina của anh.

Thật sự thì tôi không biết nhiều về anh Hà Dũng ngoài những thông tin trên báo chí. Tôi chưa từng có dịp gặp anh, cũng chẳng có gì liên quan đến anh nhưng những nghĩa cử được các báo đưa tin làm cho tôi thấy cảm mến. Tôi cảm nhận anh là một người rất đặc biệt.

Cuộc sống vốn chẳng cho ai điều gì trọn vẹn cả. Mỗi chúng ta, trong khả năng của mình, trong hoàn cảnh của mình, hãy cố gắng làm tốt vai trò của mình trong sự im lặng và khiêm nhường.

Tôi đọc vài bài có những ý kiến của một số độc giả. Một số bạn lấy việc hãng hàng không của Hà Dũng làm ăn thua lỗ và nợ nần để đem ra dè bỉu, miệt thị. Tôi thực sự thấy buồn khi đọc những dòng đó. Tôi chỉ là chủ một doanh nghiệp rất nhỏ nhưng tôi cảm nhận được sự khốc liệt của thương trường. Những doanh nhân khi bỏ vốn ra làm ăn, họ luôn mang trong mình một hay nhiều khát vọng: để làm ra lợi nhuận, để tạo ra giá trị cho cuộc sống, để khẳng định mình, để sẻ chia cơ hội với mọi người... Và trong hành trình đi thực hiện cái khát vọng đó, không phải ai cũng thành công, không phải ai cũng may mắn.

Có rất nhiều biến cố trên thương trường mà chẳng ai lường trước được. Giả sử nếu không có tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 vừa qua, tôi nghĩ chưa hẳn hãng hàng không Indochina đã gặp khó khăn như thế.
 
Khi đọc thông tin hãng hàng không của anh Hà Dũng gặp khó khăn, tôi đã rất muốn gửi đến anh một lời chia sẻ, rằng hãy cố gắng lên, rằng "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường", rằng "Ngày mai lúa sẽ lên đòng. Lại xanh như đã từng chưa mất mùa". Không có những doanh nhân dám xông pha, dám chấp nhận đánh đổi sự giàu có yên ổn của mình lấy một khát vọng lớn hơn, thì chúng ta làm sao có những hãng hàng không tư nhân để người dân có thêm lựa chọn đi những chuyến bay có giá rẻ hơn?

Khi ai đó thất bại, chúng ta hãy nhìn họ bằng đôi mắt khoan dung, nhân hậu. Hãy gửi cho họ những lời động viên, chia sẻ, và biết đâu trong những lời động viên ấm áp đó họ lại có thể đứng lên và vững vàng bước tới. Thay vì dè bỉu, chê bai, xỉa sói họ, chúng ta hãy động viên, hãy chia sẻ, hoặc ít ra thì cũng nên im lặng như một cách ủng hộ âm thầm.

Xét về một khía cạnh nào đó, các doanh nhân chính là những người đã tạo ra việc làm cho xã hội, đóng thuế cho nhà nước để góp phần chăm lo cho người nghèo hơn, góp tay làm những việc chung của xã hội. Chúng ta hãy trân trọng họ. Còn việc "được - mất" trên thương trường thì là chuyện rất bình thường của làm ăn, đừng vì thế mà coi họ là những người xấu. Hãy đặt mình vào vị trí của họ...

Hãy dùng sức mạnh của lòng khoan dung, sự tử tế để động viên, chia sẻ với các doanh nhân, như cái cách anh Hà Dũng đã làm với những người khác.

Tôi cũng xin gửi đến anh Hà Dũng một lời thăm hỏi, chúc anh bình an, mạnh khỏe và sẽ vượt qua khó khăn để có thể tiếp tục giấc mơ bay của mình.
 
TP Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2011
Xa và Gần