Vì sao 2 cô giáo ở Hải Phòng không được trả phụ cấp đứng lớp?

31/07/2019 07:23
LÃ TIẾN
(GDVN) - Tham gia giảng dạy tại Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật, công nghệ Hải Phòng nhưng cô giáo Thái, Minh lại không nhận được tiền phụ cấp đứng lớp.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kiến nghị của 2 cô giáo Đặng Thị Minh và Phạm Huyền Thái, giáo viên khoa Tin học, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật công nghệ Hải Phòng.

Theo trình bày của 2 cô giáo, cuối năm 2018, ông Bùi Trần Việt, Hiệu trưởng nhà trường thông báo: Từ năm 2019 sẽ không trả tiền phụ cấp đứng lớp cho giáo viên giảng dạy vì nhà trường không có học sinh.

Khi nào có học sinh, giáo viên tham gia giảng dạy, nhà trường sẽ chi chế độ phụ cấp đứng lớp cho giáo viên.

Do đó, từ tháng 1/2019, cô Minh và cô Thái không nhận được tiền phụ cấp đứng lớp.

Theo cô giáo Phạm Huyền Thái, đầu năm 2019, với mong muốn nhà trường có lớp có học viên để trường thực hiện hoạt động dạy và học, 2 cô đã tuyển sinh được một lớp Tin học văn phòng ngắn hạn.

Hai cô giáo Thái, Minh kiến nghị nhà trường không chi trả tiền phụ cấp đứng lớp mặc dù các cô đã tham gia giảng dạy (Ảnh: CTV)
Hai cô giáo Thái, Minh kiến nghị nhà trường không chi trả tiền phụ cấp đứng lớp mặc dù các cô đã tham gia giảng dạy (Ảnh: CTV)

Tháng 3/2019, ông Bùi Trần Việt, Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định mở lớp sơ cấp tin học văn phòng K1.

“Được nhà trường đồng ý, từ ngày 18/3/2019, chúng tôi nhận nhiệm vụ giảng dạy lớp này.

Nhưng đến nay, chúng tôi chưa nhận được tiền phụ cấp đứng lớp theo như thông báo của ông hiệu trưởng”, cô giáo Thái bức xúc.

Đến ngày 8/5/2019, cô Thái và cô Minh đã làm đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu trả lời lý do tại sao họ chưa nhận được tiền phụ cấp đứng lớp mà ngân sách Nhà nước chi trả.

Hai cô giáo đề nghị nhà trường trả chế độ phụ cấp đứng lớp và sớm giải quyết vì theo chủ trương của thành phố Hải Phòng, trường đang chuẩn bị làm thủ tục giải thể.

Cô giáo Thái cho biết: “Sau khi chúng tôi có đơn kiến nghị, ông Bùi Trần Việt có nói rằng để đến cuối năm xem xét.

Theo quy định, tiền phụ cấp đứng lớp của giáo viên được trả kèm theo lương hàng tháng chứ không phải chờ đến cuối năm mới được xem xét như lời ông Việt nói.

Sau khi chúng tôi gửi đơn tới các cơ quan chức năng, đầu tháng 7/2019, nhà trường tổ chức cuộc họp giải quyết vụ việc.

Tại cuộc họp, hiệu trưởng nhà trường đưa ra cách giải quyết là không trả phụ cấp đứng lớp theo quy định, mà thanh toán theo số tiết thực dạy của giáo viên.

Chúng tôi nhận thấy cách giải quyết như vậy chưa hợp lý, chưa thỏa đáng và chưa đúng với quy định của nhà nước”.   

Ban giám hiệu nhà trường có được phép dạy thêm?
Ban giám hiệu nhà trường có được phép dạy thêm?

Theo ông Bùi Trần Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật công nghệ Hải Phòng, từ đầu năm 2018 đến nay, nhà trường không có học sinh.

Đến tháng 3/2019, 2 cô giáo Minh và Thái, thuộc Khoa Tin học tuyển sinh được 2 học viên.

Nhà trường đồng ý mở lớp, để 2 cô cùng dạy tin học ngắn hạn trong 60 buổi với 300 tiết học.

Tuy nhiên, quá trình học, lớp không bảo đảm giờ học. Do đó, vào các ngày 11 và 19/4/2019, Ban giám hiệu trường làm việc với Khoa Công nghệ thông tin, và 2 cô giáo về việc này.

Ngày 22/4/2019, nhà trường quyết định dừng lớp tin học nói trên, trả lại học viên tiền học phí. Khi lớp học kết thúc, mỗi cô dạy được 50 tiết học.

“Theo quy định, giáo viên bảo đảm đứng lớp đủ 580 giờ/năm học mới được nhận phụ cấp đứng lớp.

Nguồn kinh phí phụ cấp đứng lớp được trích từ ngân sách nhà nước cấp cho trường và nguồn thu học phí.

Do không có học sinh, trường không có nguồn thu và tiền ngân sách cấp về trường eo hẹp, nên nhà trường chưa trả phụ cấp đứng lớp cho tất cả giáo viên.

Từ nay đến cuối năm 2019, nếu trường mở lớp tin học mới và 2 cô giáo bảo đảm số giờ dạy theo quy định, trường sẽ trả phụ cấp đứng lớp theo quy định.

Nếu không bảo đảm điều kiện trên, trường sẽ xem xét trả giáo viên tiền giảng dạy theo chế độ giáo viên thỉnh giảng.

Nhưng 2 cô giáo Thái và Minh chưa nhất trí với cách giải quyết trên”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, nhà trường đã có báo cáo vụ việc gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng.

Thông tư liên tịch số 01 ban hành năm 2006 giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định về điều kiện áp dụng chế độ phụ cấp ngành đối với giáo viên có nêu:

Điều kiện để được hưởng phụ cấp ưu đãi giáo dục, trong đó có phụ cấp đứng lớp là giáo viên phải trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập theo quy định.

Trong trường hợp này, 2 cô giáo Minh và Thái có đứng lớp giảng dạy, nhưng số giờ dạy chưa bảo đảm định mức theo quy định.

Đồng thời lớp học đã dừng và trả lại tiền học phí cho học viên. Theo đó, 2 cô giáo Minh và Thái có thể được trả tiền dạy theo số tiết dạy thực tế.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi của giáo viên, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật công nghệ Hải Phòng cần sớm chi trả tiền phụ cấp giảng dạy cho 2 cô giáo trên theo quy định.

LÃ TIẾN