Nỗi niềm cô giáo mầm non mang trọng bệnh vẫn hết lòng yêu thương trẻ

31/07/2019 06:37
LÃ TIẾN
(GDVN) - Mặc dù gia cảnh khó khăn, lại mắc bệnh thiếu canxi huyết, song cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan vẫn lạc quan, dốc hết khả năng để nuôi dạy trẻ chăm ngoan, học giỏi.

Chúng tôi biết đến cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan (sinh năm 1977), giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng qua giới thiệu của bà Bùi Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên cuộc sống của cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan cũng muôn phần khó khăn vất vả.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm mầm non, cô Lan xin về công tác tại Trường mầm non Hoa Hồng (tiền thân của Trường mầm non Hoa Phượng ngày nay).

21 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lan luôn dành hết tình yêu, niềm say mê với sự nghiệp nuôi dạy trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan chia sẻ cơ duyên đến với nghề giáo viên mầm non (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Lan chia sẻ cơ duyên đến với nghề giáo viên mầm non (Ảnh: Lã Tiến)

Theo lời kể của cô giáo Lan, ngày trước học cấp 3, cô có ước mơ làm diễn viên điện ảnh.

Để theo đuổi ước mơ, ngoài giờ học trong trường cấp 3, cô Lan tranh thủ thời gian tới học tại Trường trung cấp nghệ thuật Hải Phòng.

“Bố chị biết chị học thêm ở Trường trung cấp nghệ thuật nên ngăn cấm, không cho theo học và bắt chị học sư phạm để sau này làm giáo viên.

Lúc đó, chị không nghe lời bố và một thời gian dài chỉ “đình công” bằng cách nghỉ học ở nhà.

Sau này, để chiều lòng gia đình, chị đăng ký thi sư phạm nhưng không nghĩ là thi đỗ.

Khi đỗ rồi, chị đã chăm chỉ theo học và đó là cơ duyên đến với nghề giáo viên mầm non”, cô giáo Lan chia sẻ.

Xúc động đám cưới vắng chú rể của cô giáo mầm non với người lính biển
Xúc động đám cưới vắng chú rể của cô giáo mầm non với người lính biển

Ra trường, mặc dù nghề giáo viên mầm non đem lại cho cô Lan đồng lương ít ỏi nhưng cô vẫn luôn cần mẫn với công việc chăm sóc trẻ thơ.

Cô Lan luôn coi trường là nhà, cô dành nhiều thời gian ở trường để làm đồ chơi cho trẻ.

Nhờ ham học hỏi, sáng tạo, với đôi bàn tay khéo léo, lớp học của cô giáo Lan thường có nhiều đồ dùng, đồ chơi đẹp nhất trường, đó đều là những sản phẩm do cô mày mò, tự làm.

Theo cô giáo Lan, dạy học sinh mầm non theo chương trình lấy trẻ làm trung tâm là nhiệm vụ rất khó khăn bởi, trường cô có nhiều cháu bị tự kỷ, bị chậm phát triển trí tuệ.

Song cô giáo Lan đã mang hết khả năng của mình để trò chuyện với trẻ, tận tình chăm sóc các cháu để các cháu hòa đồng với cả lớp.

Nhiều cháu bị bệnh nên việc cho ăn, dạy học chữ, viết chữ rất khó khăn nên cô luôn phải cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để chăm sóc các cháu.

Vì vậy, nhiều trẻ được học cô giáo Lan sau này ra trường luôn nhớ về cô và nhiều phụ huynh cũng quý mến, đem con gửi cô nuôi dạy.

Mặc dù mang trong mình trọng bệnh, cô giáo Lan vẫn hết lòng yêu thương con trẻ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Mặc dù mang trong mình trọng bệnh, cô giáo Lan vẫn hết lòng yêu thương con trẻ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Chị được Ban giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ nuôi dạy trẻ lớp 5 tuổi, độ tuổi các con chuẩn bị vào lớp 1 thường hiếu động, nghịch ngợm.

Để rèn các con tính tự lập, chị thường hay nhắc nhở, phạt các con khi các con mắc lỗi.

Mặc dù phạt các con nhưng chị chỉ cho các con biết vì sao bị phạt và giáo dục con biết đó là những hành vi sai trái, từ đó các con không lặp lại.

Nhiều con sau khi bi phạt đã không tái phạm, chăm chỉ học tập và biết nghe lời cô giáo, gia đình hơn.

Đó cũng là lý do nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao cô Lan hay phạt các cháu mà không hiểu sao các cháu lại quý mến cô như vậy”, cô Lan chia sẻ.

Gần 21 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lan luôn cống hiến không biết mệt mỏi, đạt được nhiều thành tích và được ngành giáo dục, nhà trường ghi nhận.

Nhưng tưởng hạnh phúc đã mỉm cười để bù đắp những tháng ngày gian nan, vất vả thì bất ngờ năm 2009 cô Lan phát hiện bị bệnh thiếu canxi huyết.

Cô Lan luôn được học trò tin yêu, phụ huynh quý mến (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Cô Lan luôn được học trò tin yêu, phụ huynh quý mến (Ảnh: nhân vật cung cấp)

"Chị nhớ là ngày 5/9/2009, hôm đó chị đến trường khai giảng năm học mới và cảm nhận được trong người có biểu hiện lạ.

Sau đó 2 ngày, chị đang dạy trên lớp thì bỗng dưng thấy hoa mắt chóng mặt, rồi ngất xỉu từ lúc nào không hay.

Thấy vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa chị đi cấp cứu tại bệnh viện Kiến An, sau đó chị phải nằm viện hơn 1 tháng để điều trị bệnh.

Qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ kết luận chị mắc bệnh thiếu canxi huyết”, cô giáo Lan tâm sự.

Với căn bệnh này, các bác sĩ khuyên cô Lan 3 tháng đi khám một lần và phải điều trị theo phác đồ nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Tuy nhiên, điều kiện gia đình cô còn khó khăn nên cô đã tìm mua canxi uống và tự điều trị tại nhà.

Theo cô giáo Bùi Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng, không chỉ mang trong người trọng bệnh, gia cảnh của cô Lan còn rất éo le.

Cuộc sống hôn nhân của cô Lan không được may mắn, sau khi ly hôn chồng, một mình cô xoay sở nuôi 2 con (một cháu học đại học, một cháu học lớp 2). Mẹ con cô Lan không có nhà riêng để ở phải ở nhờ nhà mẹ đẻ.

“Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cô Lan rất trách nhiệm với công việc, có ý thức, thái độ làm việc tích cực.

Cô Lan luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động dạy và học tại nhà trường, được các bậc phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu quý.

Cô giáo Lan là giáo viên cây đa, cây đề của nhà trường, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua;

Năm 2019, cô Lan được Liên đoàn Lao động quận Kiến An tặng giấy khen lao động giỏi", cô Bùi Thị Hoa chia sẻ.

LÃ TIẾN