Làm sao để phụ huynh phân biệt được trường nào là trường quốc tế…thật?

17/08/2019 07:07
NHẬT DUY
(GDVN) - Có những trường quốc tế vẫn dạy bằng tiếng Việt hoàn toàn, vẫn dạy chương trình giống các trường công lập, học sinh vẫn đi học thêm ở các trung tâm gia sư.

Nhiều trường học quốc tế hiện nay đã khẳng định được thương hiệu và tạo nên diện mạo mới cho ngành giáo dục nước nhà. Nhiều trường đã đào tạo bằng chương trình của các nước tiên tiến, dạy song ngữ cho học trò.

Cách quản lý, giảng dạy, chăm sóc, học tập luôn được nhà trường chú trọng quan tâm, đầu tư.

Nhất là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học thì đa phần các trường quốc tế hơn hẳn các trường công lập mà sĩ số lớp học lại thường ít, thuận lợi cho học sinh học tập.

Nhưng, bên cạnh những trường có chất lượng giáo dục tốt thì vẫn đan xen những trường có chất lượng chưa hẳn đã hơn các trường công lập, có điều học phí thì tất nhiên đều rất cao.

Trường quốc tế Gateway. Ảnh: gateway.edu.vn
Trường quốc tế Gateway. Ảnh: gateway.edu.vn

Chúng tôi biết, sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhất là so sánh hệ thống trường quốc tế với các trường được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.

Song, có nhiều điều mà phụ huynh cũng cần tường tận về môi trường học tập của con mình cũng như những khoản đầu tư hàng năm khi con học tập ở các trường quốc tế.

Hiện nay, những gia đình có điều kiện thì bao giờ họ cũng muốn con mình được chăm sóc tốt nhất, được học tập và phát triển trong một môi trường thuận lợi nhất.

Lợi thế của các trường quốc tế là lượng kiến thức thường ít hơn các trường công lập, ít phải tham gia các kỳ thi và bệnh thành tích cũng ít hơn. Vì thế, học sinh được thực hành và trải nghiệm nhiều hoạt động giáo dục hơn.

Phụ huynh và học sinh thực sự như những khách hàng nên được chăm sóc khá kỹ lưỡng và họ luôn biết làm vừa lòng mọi đối tượng học trò. Nhất là sĩ số lớp thường dao động trên dưới 20 học sinh chứ không phải ngồi đông như một số trường công lập ở các thành phố lớn.

Vì vậy, việc đầu tư tiền học hàng năm của phụ huynh cho con vào các trường quốc tế hiện nay lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí còn cao hơn nữa.

Trong năm học 2019-2020 này, theo công bố công khai trên các website của một số trường quốc tế thì chúng ta đã thấy chỉ mình tiền học phí của nhiều trường đã lên đến hơn nửa tỉ đồng/ năm.

Chẳng hạn, Trường quốc tế Nam Sài Gòn thì mức học phí các lớp từ 6 đến 12 dao động 548- 643 triệu đồng/ năm.

Học phí vào lớp 6 của trường Trường quốc tế Mỹ (AIS) năm nay là 523,4 triệu đồng; học phí lớp 10 là 549,6 triệu.

Học phí đối với học sinh Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS) nhập học lớp 1 là 24.340 USD, phụ huynh có con học lớp 6 phải đóng 25.890 USD cho cả năm học và lớp 10 là 27.770 USD.

Trường quốc tế Anh Hà Nội (BIS)Từ lớp 1 đến lớp 5, trường thu phí từ 463,3 triệu đồng đến 517,6 triệu đồng. Từ lớp 6 đến lớp 9, trường thu học phí 517,6 đến 596,7 triệu đồng.

Học phí lớp 9 đến lớp 11 là trên dưới 600 triệu đồng/năm học. Ở cấp phổ thông (lớp 12 và dự bị đại học), học sinh sẽ nộp hơn 683 triệu đồng/năm với một lần đóng…

Tất nhiên, ngoài học phí thì phụ huynh còn phải trả thêm những khoản dịch vụ khác như đưa đón, ăn uống…khác nữa.

Theo khảo sát của ExpatFinder.com đã được thực hiện vào tháng 7/2018 từ 688 trường quốc tế tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ thì học phí trung bình năm 2018 của các trường quốc tế tại Việt Nam là 17.941 USD/năm (khoảng 420 triệu đồng/năm), xếp thứ 13 thế giới và đứng thứ 5 châu Á.

Điều này cho thấy học phí các trường quốc tế tại Việt Nam không hề rẻ chút nào, trong khi điều kiện kinh tế nước ta đang còn là một nước có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, trong mặt chung ấy thì chúng ta vẫn thấy nhiều phụ huynh ngày nay đang hướng cho con mình vào các trường quốc tế để học tập với mong muốn con được học tập và phát triển tốt nhất có thể.

Việc cho con vào những trường quốc tế “đắt mà cắt nên miếng” thì không nói làm gì. Nhưng, có những trường quốc tế được các nhà đầu tư tự dán “nhãn mác” vào để “treo đầu dê bán thịt chó” nhằm đánh lừa được nhiều bậc phụ huynh.

Làm sao để phụ huynh phân biệt được trường nào là trường quốc tế…thật? ảnh 3Còn nhiều nghi vấn vụ học sinh Trường Gateway tử vong trong xe đưa đón

Thực tế, có những trường quốc tế vẫn dạy chương trình tiếng Việt hoàn toàn, vẫn dạy chương trình giống các trường công lập, học sinh vẫn đi học thêm ở các trung tâm gia sư bên ngoài.

Có trường họ chỉ đào đào tạo cấp tiểu học, có trường thì đào tạo đến cấp trung học cơ sở rồi thôi.

Chính vì thế, nhiều học sinh học xong các cấp học này lại xin vào các trường công lập và dẫn đến sự khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức bởi mỗi loại hình trường có mỗi cách dạy khác nhau cho dù cùng một chương trình học.

Những năm trước đây, có thời gian chúng tôi tham gia giảng dạy tại các trung tâm gia sư và trong các trung tâm này thấy có nhiều học sinh trường quốc tế theo học.

Điều mà chúng tôi nhận thấy là có nhiều em học tập rất bình thường, thậm chí thua các em ở trường công lập nhưng hỏi về kết quả thì điểm số lại thường rất cao.

Điều này cho thấy tư tưởng sính ngoại của một bộ phận phụ huynh hiện nay khi mà họ chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về một số trường quốc tế nhưng vẫn cứ cho con vào học.

Bởi cứ thấy tên trường quốc tế là đưa con vào học dù phải đóng học phí mỗi năm gấp hàng chục, thậm chí hàng vài trăm lần trường công lập để rồi có phụ huynh phải ngậm ngùi ngậm trái đắng. Nhiều phụ huynh phải âm thầm xin chuyển con ra khỏi các trường quốc tế.

Chính vì cách quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng và cách lập lờ tên trường hiện nay của một số nhà đầu tư đã khiến cho nhiều phụ huynh “sập bẫy”, họ thu tiền quốc tế mà chất lượng dạy và học thì…Việt Nam.

Nhưng, muốn không để phụ huynh không bị lừa thì ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cần phải công bố công khai cụ thể các trường "quốc tế thật" và cả những trường “lập lờ” danh xưng để phụ huynh được tường tận mà tránh.

Tài liệu tham khảo:

//thanhnien.vn/giao-duc/hoc-phi-truong-quoc-te-o-viet-nam-dat-thu-5-chau-a-1091830.html&usg

NHẬT DUY