Vì sao, những câu hỏi của cô giáo Hoa Anh vẫn không có câu trả lời?

15/08/2019 06:46
Phan Tuyết
(GDVN) - Cô nói không thu tiền, cần xác định rõ, không phải cứ nói là không thu tiền sẽ không vi phạm.

Liên quan đến việc cô giáo Hoa Anh quỳ dâng đơn lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ngày 6/8 vừa qua, ngày 12/8 Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có giấy mời làm việc trực tiếp với cô giáo Hoa Anh để trả lời những thắc mắc xung quanh việc vi phạm dạy thêm trái phép và điều chuyển công tác bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Quyết định điều chuyển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: nhân vật cung cấp).
Quyết định điều chuyển của  Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Có mặt trong buổi tiếp công dân của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk là ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cùng đại diện khá nhiều ban ngành trong tỉnh như Tỉnh ủy, Thanh tra, Tài nguyên môi trường, Ban dân vận, Ủy ban mặt trận tổ quốc…

Giải trình của đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột người trực tiếp ký quyết định điều chuyển cô Hoa Anh từ trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh cho biết:

Quyết định ngày 18/7/2018 Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột điều chuyển cô giáo Hoa Anh từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến công tác tại trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh dựa trên căn cứ về tờ trình của Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Việc điều chuyển đã căn cứ vào các văn bản nhà nước, cụ thể là Luật viên chức điều chuyển theo thẩm quyền mà cụ thể thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố (thừa, thiếu con người, điều động từ đâu do cơ quan chủ quản quản lý).

Ông Vũ Văn Hưng nói rõ thêm, khi thành phố tinh giản biên chế, hầu như các trường đều thiếu giáo viên.

Chúng tôi căn cứ trường này thiếu ít, trường kia thiếu nhiều để điều chuyển.

Vì sao, những câu hỏi của cô giáo Hoa Anh vẫn không có câu trả lời? ảnh 2
Cuộc kiểm tra ở nhà cô Hoa Anh, dạy trẻ miễn phí có là dạy thêm không?

Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh là trường chuẩn quốc gia, không phải trường vùng sâu vùng xa.

Việc dạy thêm học thêm của cô Hoa Anh đã vi phạm Thông tư 17, cụ thể Điều 4 Thông tư 17 quy định rõ: Các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Cán bộ Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành đã kiểm tra và phát hiện có 15 em đang học môn Toán tại nhà cô Hoa Anh.

Căn cứ vào đề xuất của Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành và nhà trường đã xác định cô Hoa Anh vi phạm Thông tư 17 khi dạy học sinh tiểu học.

Cô nói không thu tiền, cần xác định rõ, không phải cứ nói là không thu tiền sẽ không vi phạm.

Việc dạy thêm, học thêm cô đã nhận không thể nói là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cô.

Cô vi phạm Thông tư 17 nên thực hiện việc điều động.

Những câu hỏi của cô Hoa Anh vẫn không nhận được câu trả lời

Tới phần mình, cô Hoa Anh cho biết cô buộc phải ký vào biên bản vi phạm dạy thêm do cán bộ Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành lập ngày 26/6/2017 vì một số cán bộ đi bắt dạy thêm hôm ấy hù dọa:

“Nếu không ký là bị khép tội chống người thi hành công vụ”.

Vì thế, tôi ký vào biên bản nhưng vẫn ghi dòng chữ: “Tôi dạy không thu tiền”.

Cô Hoa Anh cho rằng, thành phố điều động phải dựa trên cơ sở pháp luật.

Căn cứ vào Luật viên chức 2010 không được tùy tiện chuyển đổi đơn vị công tác của giáo viên mà chỉ biệt phái viên chức theo quy định của Điều 36.

Như vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh chuyển đổi công tác của tôi là trái với Quy định của pháp luật.

Điều 11. Quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp thì viên chức được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.

Các anh bảo, điều chuyển tôi từ trường thừa sang trường thiếu, nay lại nói điều chuyển từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều.

Vậy tôi hỏi, tôi chuyển đi, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu không có giáo viên chủ nhiệm mà phải phân công hiệu phó chủ nhiệm.

Tôi chuyển về Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh không có lớp để dạy, nay dạy cho người này vài tiết, mai dạy cho người kia vài tiết thì thử hỏi trường nào thiếu giáo viên hơn?

Các anh nói, trường này giống trường kia. Vậy tại sao lại chuyển tôi đi?

Vì sao, những câu hỏi của cô giáo Hoa Anh vẫn không có câu trả lời? ảnh 3
Ai trả lại danh dự và công bằng cho cô giáo Hoa Anh?

Nói tôi phải hy sinh, tôi chấp nhận.

Tôi đã hy sinh hơn 10 năm rồi.

Từ lúc ra trường lương tháng 200 ngàn đồng, tôi thường xuyên phải đi vào bãi rác ở Buôn Ki lội bùn, lội suối đưa các em dân tộc thiểu số về để đi học.

Đó không phải là sự hy sinh sao? Tôi đã phấn đấu, đã cống hiến hiết mình, cũng đã có khá nhiều thành tích, tại sao khi xét các anh không chú ý đến điều này?

Tôi không sợ vùng khó, không ngại dạy học sinh dân tộc vì là giáo viên thì bất kỳ học sinh nào cũng phải dạy được.

Nhưng chuyển trường mà mang theo án kỷ luật thì danh dự, nhân phẩm của tôi trước phụ huynh, trước đồng nghiệp sẽ thế nào?

Điều chuyển lần này sao không phải người khác mà nhất định phải là tôi?

Trong khi có biết bao người chưa đi vùng khó, họ còn có sức khỏe, có kinh tế hơn tôi rất nhiều?

Tôi vi phạm quy định dạy thêm học thêm nên phải điều chuyển, vậy cho tôi xem quy định đó là quy định nào? Ở đâu?

Hay các anh làm việc ngẫu hứng?...”

Có những giáo viên vi phạm dạy thêm trong năm học như dạy thêm học sinh tiểu học và dạy chính học sinh của mình sao không bị điều chuyển công tác?

Còn tôi chỉ trông trẻ ngày hè và không thu tiền lại bị các anh áp dụng Luật?

Khác với mong đợi sẽ nhận được những câu trả lời thỏa đáng, cô giáo Hoa Anh cho biết, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk kết luận:

Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định không sai và yêu cầu cô Hoa Anh chấp hành đừng làm đơn kiện sẽ mất thời gian, tiền bạc và sức khỏe.

Phan Tuyết