Rong ruổi rẻo cao đón học sinh mùa tựu trường

27/08/2019 06:24
Vũ Ninh
(GDVN) - Mùa tựu trường đối với những giáo viên vùng cao thường bắt đầu sớm hơn. Đêm, thầy Nguyễn Văn Thành đốt đuốc đến nhà học sinh vận động các em đi học.

Về bản gọi học trò

“Bà bảo cái Dí có nhà thì mai đi học sớm nhé. Các bạn mong, nghỉ lâu quá rồi”. Tiếng thầy Thành lanh lảnh ngoài bậc cửa. 

Những ngôi trường trong mây trắng níu chân học sinh vùng cao
Những ngôi trường trong mây trắng níu chân học sinh vùng cao

Cứ mỗi độ bắt đầu vào năm học mới, thầy Thành nói riêng và giáo viên trong trường nói chung lại đốt đuốc đi đến từng nhà vận động học sinh đi học.

Học sinh vùng cao, ở nhà lâu sinh ra cái tật ngại đi học.

Chính vì thế thầy cô phải đến từng nhà, nịnh nọt, nỉ non các em mới quay lại trường. 

Thời điểm mới nhậm chức, hiệu trưởng trường Nậm Búng, thầy Thành cùng 10 thầy cô khác trong trường đốt đuốc, vén sương mù lặn lội vào những bản người Mông, người Dao, người Thái sâu trong con đèo Khau Phạ. Có những đêm phải cuốc bộ 10km vì trời mưa, xe máy không vào được. 

Thời điểm đó các học sinh người Dao bỏ học nhiều. Đứa thì kêu đi học nhớ nhà, đứa thì xin thầy cho nghỉ học qua tháng Giêng vì: “ở bản em có tục lệ phải kiêng”. 

Thầy Thành thương yêu học sinh như con (Ảnh:V.N)
Thầy Thành thương yêu học sinh như con (Ảnh:V.N)

Người Dao họ kiêng không đi ra ngoài vào những ngày gọi là kiêng Hổ kéo dài từ đầu tháng Giêng âm lịch đến ngày mùng 3 trong tháng. 

Rồi là kiêng gió, kiêng nắng, kiêng đá, kiêng cây….Do vậy để thay đổi nhận thức đã ăn sâu vào trong tâm thức của các em không phải là một điều dễ dàng.

Thầy Thành mang câu chuyện này ra giữa chi bộ thôn, xã và nhất quyết trẻ con phải được đi học. Gia đình không nghe, thầy cô của trường đốt đuốc lên từng bản vận động. 

Lần một gia đình họ tiếp, lần hai họ khó chịu ra mặt, lần ba họ đuổi thằng:“thôi thằng thầy Thành nghe tao về đi tao không cho con đi học đâu. 

Nó ở nhà còn đỡ đần được tao và làm ra tiền, cho nó đi học chẳng được gì mà còn mất tiền xăng xe máy chở đi”.

Thầy Thành buồn nhưng không nản tiếp tục vận động, mưa dầm thì thấm lâu ngày cứ đều đều 40km cả ra lẫn vào bản. Có khi nghe tin học sinh bỏ học đốt đuốc đi ngay trong đêm. 

Năm thầy về là năm 2011 tại trường Nậm Búng chỉ có khoảng 2% con em trong xã đi học. Đến nay gần hai nhiệm kỳ con số đó là 87%. 

Những ngày đầu thầy đi xe máy đến chai cả tay, rụt cả cổ vì lạnh vào tận trong bản phổ cập giáo dục cho những học sinh đặc biệt u50, 60 trong xã. 

Vận động học sinh trở lại trường là nhiệm vụ trọng yếu của các trường vùng cao (Ảnh:V.N)
Vận động học sinh trở lại trường là nhiệm vụ trọng yếu của các trường vùng cao (Ảnh:V.N)

Thầy cười phấn khởi: “Tối nào cũng vài bác gọi điện cho anh bảo là thằng thầy Thành lên zalo chém gió cho vui. 

Bây giờ nhận thức của bà con cũng khá rất nhiều, họ cho con đi học, muốn có học giỏi và đỗ vào trường nội trú”.

Cách trường Nậm Búng non 100km, cô Dung cũng tất bật chuẩn bị cơm nắm, đèn pin cùng hơn 10 thầy cô giáo khác vào trường vận động học sinh đi học. Đây được coi là nhiệm vụ trọng yếu trước thềm năm học mới.

Cô Dung kể: “Bây giờ đường xá khang trang hơn cũng đỡ vất vả hơn trước. Trước đây tầm cuối tháng 7 đã phải rong rẻo trên những rẻo cao để đón học sinh đi học. 

Không đến đón thì các em không đi. Bởi nghỉ lâu quá chúng nó đâm sinh hư, sinh lười.

Tôi nhớ có năm mưa to, đường sạt lở. Xe máy không thể vào bản được mà chỉ còn đúng một tuần là khai giảng. 

Giáo viên trong trường chia nhau đến từng thôn, từng bản để vận động học sinh đi học.

Các em thực chất cũng ngoan, mình vào gọi là chúng nó đi liền, không cần phải nhắc nhiều. Nhưng cũng có những gia đình họ bướng nhất định không chịu cho con đi học. 

Những lúc đó mình phải nhờ đến sự can thiệp và vận động của cán bộ xã may ra họ mới nghe”.

Học sinh đến trường được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ (Ảnh:V.N)
Học sinh đến trường được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ (Ảnh:V.N)

Đôi mắt mơ màng của cô giáo trẻ Phạm Thị Vy chốc chốc lại sáng lên khi ngồi nghe những chuyện cô Dung kể. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Vy xung phong lên vùng khó khăn của huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang).

Những ngày đầu đến nhà học sinh vận động đi học thực sự là một cuộc tra tấn về thể lực.

Đường xa, dốc lên, dốc xuống, cái cảm giác đó cô Vy vẫn chưa thể thích ứng được: 

“Mệt nhưng mà vui anh ạ. Có đi mới thấm thía được sự vất vả của giáo viên vùng cao. Từ đó mình cảm thấy yêu và trân trọng nghề hơn.

Nhiều đồng nghiệp nói với em rằng những chuyến đi vận động học sinh đi học là những trải nghiệm quý báu mà sau này sẽ khó mà có thể tìm thấy được. 

Mình cũng cảm thấy đồng cảm với sự khó khăn vất vả của đồng nghiệp hơn”.

Một ngày được theo bước chân cô Dung, cô Vy đi đến từng nhà vận động học sinh đi học là một trải nghiệm đáng nhớ. Chiếc xe máy ì ạch, bành bạch nhích từng mét một. 

Học sinh mặt mũi lấm lem, quần áo rách rưới, nhìn thầy các cô mừng như mẹ về, chia nhau từng tấm bánh, chiếc kẹo. Những hình ảnh đó trong bức tranh giáo dục còn nhiều thiếu sót mới đẹp làm sao.

Kiên trì, cần mẫn, không để học sinh bỏ học

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, chuyện các thầy cô giáo rong ruổi rẻo cao đón học sinh đi học còn xuất phát từ tấm lòng người giáo viên chăm lo cho học sinh. 

Những thầy cô gieo con chữ trên cao nguyên đá
Những thầy cô gieo con chữ trên cao nguyên đá

Trong những ngôi trường bán trú tại tỉnh Yên Bái, học sinh được học, sinh hoạt, ngủ nghỉ ngay tại trường.

Một năm học tại trường là từng đấy thời gian giáo viên, học sinh gắn bó với nhau.

Vi Thị Hiền, học sinh lớp 7, coi cô giáo chủ nhiệm như người mẹ thứ hai. 

Em nói: “Khi đi học em được cô giáo chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ vì thế em rất biết ơn thầy cô và nhà trường. 

Nghỉ hè về với gia đình nhưng em rất nhớ thầy cô. Chỉ mong sớm được đi học gặp lại bạn bè, thầy cô”.

Thầy Nguyễn Duy Tiến, một vị hiệu trưởng mẫn cán với tấm lòng bao dung cho rằng: 

“Điều giáo viên miền núi như chúng tôi luôn tâm niệm là không để học sinh nghỉ học vì bất cứ lý do gì.

Chính vì thế dịp đầu năm học cũng là thời điểm mà giáo viên thu xếp việc nhà để đến trường sớm hơn. Đây cũng là một trong những điều giáo viên cần phải khắc phục”.

Bữa ăn ở trường Bản Công được các thầy cô chuẩn bị tươm tất (Ảnh:V.N)
Bữa ăn ở trường Bản Công được các thầy cô chuẩn bị tươm tất (Ảnh:V.N)

Thầy Tiến ví von một đứa trẻ như một mầm non. Người giáo viên là người vun xới, chăm sóc mầm non đó thành hoa thơm trái ngọt. Chính vì thế nếu có đứa trẻ nào bỏ học, tấm lòng thầy cô vừa tiếc, vừa buồn:

“Vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. 

Sau kỳ nghỉ hè học sinh nhiều em ngại đến trường hoặc gia đình không muốn con đến trường. 

Giáo viên phải là người tìm đến các em, vận động gia đình và học sinh đi học. Khi thấy có học sinh bỏ học chúng tôi cảm thấy rất buồn”.

Tâm huyết của người giáo viên không để học sinh phải bỏ học (Ảnh:V.N)
Tâm huyết của người giáo viên không để học sinh phải bỏ học (Ảnh:V.N)

Trong những năm tháng rong ruổi trên những rẻo cao đón học sinh đến trường, thầy Thành vẫn chưa bao giờ có ý định quay ngược lại. 

Những người chèo lái con thuyền giáo dục vùng cao bên cạnh cái tầm còn phải có cái tâm hết lòng về học sinh.

Những hình ảnh thầy cô đến từng nhà học sinh chia tấm bánh, cái kẹo vận động học sinh đi học sao mà ấm áp lạ thường. 

Đâu đó vẫn có những câu chuyện, những con người khiến trái tim ta phải run lên vì xúc động: “Giáo dục sao mà đẹp quá!”.

Vũ Ninh