Bước ngoặt cuộc đời của nam sinh xứ Nghệ mồ côi cha mẹ nhưng học giỏi

02/09/2019 07:48
Thùy Linh
(GDVN) - Chính tình yêu thương của người mẹ đã khuất khiến Quốc Huy luôn tự nhủ phải học tập, nỗ lực để vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân.

Mỗi mùa tuyển sinh đại học, chúng ta lại được chứng kiến rất nhiều câu chuyện những bạn tân sinh viên nhà nghèo, đỗ đại học điểm cao, thậm chí thủ khoa nhưng chưa biết bước tiếp giấc mơ đại học như thế nào chỉ vì không có tiền.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp gặp cậu bé Trần Quốc Huy (sinh năm 2001 tại xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), cựu học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Đô Lương 1, hoàn cảnh khó khăn nhưng Huy không nản chí, luôn nuôi trong mình suy nghĩ cố gắng học tập để thay đổi cuộc đời của mình.

Cha của Huy bỏ 2 mẹ con từ khi Huy mới sinh ra, thật đau xót khi bước vào năm lớp 11 thì mẹ cũng qua đời sau thời gian 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư.

Xót xa là ông bà ngoại đã mất từ khi Huy chưa sinh ra nên sau khi mẹ qua đời, một mình cậu bé tự trang trải cuộc sống cho bản thân nhờ vào tiền phụ cấp 405.000 đồng/ tháng và tiền hỗ trợ của Đài truyền hình huyện Đô Lương là 300.000 đồng/ tháng.

Phó giáo sư Phạm Thành Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa trao giấy chứng nhận học bổng cho tân sinh viên Trần Quốc Huy. (Ảnh nhà trường cung cấp)
Phó giáo sư Phạm Thành Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa trao giấy chứng nhận học bổng cho tân sinh viên Trần Quốc Huy. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Khi nhắc về mẹ, gương mặt Huy hằn lên sự đau xót, Huy chia sẻ, khi mẹ ốm thì vừa đi học, vừa dành thời gian chăm sóc mẹ nên em phải cố gắng rất nhiều.

Thời gian đó, sáng đi học, trưa về qua nhà dì (cách nhà Huy mấy xã) lấy cơm hay cháo dì nấu sẵn để mang về cho mẹ, còn thuốc thang thì có bảo hiểm và tiền mọi người đến thăm nên cũng đủ trang trải.

Chính tình yêu thương của mẹ đã khiến Huy luôn tự nhủ phải học tập, nỗ lực để vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân.

Nam sinh đất Mỏ được chọn đào tạo chương trình tài năng tại Mỹ

“Trong hoàn cảnh khó khăn, em quyết tâm phải cố gắng học tập tốt để tự tạo cho mình một tương lai tươi sáng, vươn lên hoàn cảnh và số phận. Ở trường em luôn chăm chú nghe giảng để nắm vững kiến thức.

Về nhà, em dành một khoảng thời gian cố định mỗi ngày để ôn tập lại bài học, củng cố kiến thức. Nhờ vậy em luôn là học sinh giỏi của trường trong 3 năm cấp ba và đạt được 24,2 điểm khối A00 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019”, Huy chia sẻ.

Tâm sự với tôi, Huy kể: “Vì hoàn cảnh gia đình nên em rất muốn thi vào các trường quân đội nhưng do chiều cao không đủ nên sau khi biết điểm thi trung học phổ thông quốc gia em định đi học nghề.

Nhưng buổi sáng định bắt xe bus lên trường nghề thì bị lỡ chuyến xe, cơ duyên thế nào mà đúng trưa hôm đó em được dì ngoài Hà Nội– người nhận đỡ đầu cho Huy gọi điện thông báo rằng, với số điểm 24,2 sẽ có cơ hội đỗ nhiều trường và dì tìm hiểu trường Đại học Phenikaa có 25 suất học bổng.

Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi 

Nghe dì thông báo vậy, em tìm hiểu về trường thì được biết trường có đội ngũ cán bộ giảng viên có nhiều kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học cùng với cơ sở vật chất hiện đại và các chương trình đào tạo tiên tiến chú trọng đến thực hành, thực tập.

Ngoài ra, trong quá trình học tập sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế thông qua các chương trình thực tập cũng như giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp tại các công ty thuộc Tập đoàn Phenikaa và các doanh nghiệp đối tác.

Đặc biệt, ngay buổi tối hôm đó Huy được nhà trường liên hệ để nghe em chia sẻ về hoàn cảnh gia đình. Sau đó nhà trường có trả lời rằng nếu em đi học thì sẽ nhận được học bổng đặc biệt trị giá 100% học phí toàn khóa học.

Và như vậy em quyết định chọn ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa của Đại học Phenikaa là điểm đến tiếp theo của mình bởi Huy nhận thấy thời đại 4.0 thì ngành tự động hóa sẽ có nhu cầu cao trong công nghiệp và đời sống nên học xong sẽ dễ xin việc làm.

Ngoài ra Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa là một trong những ngành được Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ việc làm khi ra trường, chính điều này như tiếp thêm động lực cho em.

Huy kể thêm, cùng với suất học bổng, trường còn tặng em máy tính xách tay để hỗ trợ việc học tập. Ngoài ra, em còn được trường hỗ trợ sinh hoạt phí 2 triệu đồng/tháng trong suốt khóa học. 

Năm học đầu tiên trên giảng đường đại học của tân sinh viên Quốc Huy chuẩn bị bắt đầu, cuộc sống sinh viên muôn vàn khó khăn, 18 tuổi, lại một mình bước vào cuộc đời, tự lo lắng, chăm sóc cho bản thân ở Hà thành nhưng hi vọng rằng bằng nỗ lực của mình Quốc Huy sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

Bởi lẽ, chúng ta không ai có quyền được chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có quyền được nỗ lực, phấn đấu hết mình để vượt qua khó khăn. 

Thùy Linh