Đợi phiên tòa làm rõ vai trò của phụ huynh trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La

01/09/2019 07:55
Thanh Thủy
(GDVN) - Phụ huynh, một số vị quan chức có thực sự chỉ “nhờ xem điểm thi”, không chỉ đạo, không đưa tiền… để 44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La không?.

Liên quan vụ gian lận thi cử xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, mới nhất đã có 13 công chức là các Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh thanh tra… của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị xem xét kỷ luật.

Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) một trong 8 bị can đã bị khởi tố. Ảnh: VTV
Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) một trong 8 bị can đã bị khởi tố. Ảnh: VTV

Nó cho thấy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên quyết làm rõ trách nhiệm, xử lý cán bộ liên quan vụ việc. Dư luận chắc chắn ủng hộ việc làm này.

Quay trở lại phiên tòa 16/9 tới đây xét xử vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, là một phụ huynh, hơn ai hết, tôi mong phiên tòa sẽ “đào” tận gốc được những kẻ can thiệp để nâng điểm thi, làm mất đi niềm tin của xã hội, học sinh vào tính minh bạch, khách quan của kỳ thi quan trọng bậc nhất hiện nay.

Tại phiên tòa sắp tới, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cùng nhiều cấp dưới sẽ phải hầu tòa vì đã có hành vi rút bài thi trắc nghiệm để sửa nâng điểm… cho 44 thí sinh thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại địa phương này.

8 bị can được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La), Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga (trưởng phòng, phó phòng và chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La), Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La), Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá) và Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).

Những người này bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. (1)

Với tư cách là một công dân, là một phụ huynh, tôi có đôi điều gửi đến những người cầm cân nảy mực trong phiên tòa sắp tới tại Sơn La.

Tôi tin không chỉ bản thân tôi mà những ai quan tâm đến con cái, đến thế hệ tương lai của đất nước đều muốn phiên tòa sắp tới sẽ làm rõ những điểm sau đây liên quan đến vụ án.

Thứ nhất ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Tỉnh Sơn La có vai trò đến đâu trong vi phạm xảy ra?

Thứ hai là phụ huynh có con được nâng điểm thi tại Sơn La có vai trò đến đâu trong việc nâng điểm thi cho con em họ?

Nếu không vì tiền, quan hệ thì không lẽ các bị can trên lại nâng điểm “trong sáng”!

Không lẽ họ tốn cả đời phấn đấu, cố gắng để được làm đến vị trí đó mà nghe không hiểu khi chỉ được “nhờ xem điểm thi” nhưng lại dại dột dám nâng điểm thi để đối diện với tù tội?. 

Nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh thanh tra của Bộ Giáo dục bị xem xét kỷ luật
Nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh thanh tra của Bộ Giáo dục bị xem xét kỷ luật

Thứ ba, trước khi phiên tòa này xét xử, một số cơ quan thông tấn đã đăng tải về "chi phí" để giúp rút bài sửa nâng điểm.

Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Vậy ai đã đưa tiền, không lẽ các bị can lại dại dột đem tiền túi của mình trả lại?

Ở góc độ là một người dân, tôi tin các vị đó đều có chức sắc cả, chẳng có công chức nào tự mình lao vào vi phạm pháp luật, để rồi đi tù nếu họ không được “trả công” xứng đáng để mạo hiểm.

Những điểm mờ trong vụ án này, tôi mong qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa sẽ được làm sáng tỏ. Để những kẻ thực sự có tội phải được pháp luật xét xử nghiêm minh, trả lại niềm tin của xã hội với giáo dục.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm và góc nhìn của riêng người viết.

Tài liệu tham khảo:

1/https://tuoitre.vn/trieu-tap-90-nguoi-den-phien-xu-vu-gian-lan-thi-cu-nang-diem-o-son-la-20190829150621558.htm

Thanh Thủy