Không xử lý hình sự lái, phụ xe bus bắt khách quỳ xin mở cửa

04/11/2011 17:36
Tuệ Minh
(GDVN) - Đó là thông tin được Thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó Phòng cảnh sát hình sự (C.A TP. Hà Nội) khẳng định với Báo Giáo dục Việt Nam.
Thượng tá Chức cho biết thêm: “Long và Thanh có cử chỉ, lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩn người khác. Tuy nhiên, hành vi của lái và phụ xe này chưa gây hậu quả nghiêm trọng tới mức phải xử lý hình sự, bản thân Long và Thanh chưa có tiền án tiền sự nên Phòng CSĐT tội phạm về TTXH hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý hành chính hai người theo quy định”.

Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng Phòng CSĐT về TTXH (TP. Hà Nội)
Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng Phòng CSĐT về TTXH (TP. Hà Nội)

Trước đó, vào khoảng 14h ngày 22/10, khi anh Nguyễn Ngọc Phúc (quê ở TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đi xe buýt số 34 mang BKS 30K – 1550 của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chạy theo tuyến BX Mỹ Đình – BX Gia Lâm.

Anh Phúc cầm đôi chiếu cói lên xe, hỏi về đường Lê Văn Lương thì được phụ xe cho biết xe này chạy qua đường đó. Khi xe đi qua khách sạn Daewoo, biết là nhầm đường, anh Phúc thắc mắc và đòi xuống thì bị lái, phụ xe chửi mắng.

Lái xe Long và phụ xe Thanh của xe bus tuyến số 34 mang BKS 30K - 1550 đã bị sa thải
Lái xe Long và phụ xe Thanh của xe bus tuyến số 34 mang BKS 30K - 1550 đã bị sa thải

Khi xe chạy qua đoạn giao nhau Kim Mã - Ngọc Khánh, lái xe dừng lại và cùng với phụ xe lao xuống đạp, chửi hành khách này, bắt phải quỳ xuống xin thì mới mở cửa. Do anh Phúc nhất quyết không quỳ xin nên họ dọa đưa anh về tận bến xe Gia Lâm mới cho xuống. 

Trước phản ứng của nhiều hành khách, đến điểm dừng trên phố Nguyễn Thái Học, tài xế mở cửa trước cho anh Phúc và một số người xuống xe. 
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chiều ngày 24/10, Giám đốc Xí nghiệp xe điện Hà Nội (Tổng công ty vận tải Hà Nội) Đỗ Hữu Hồng đã ra quyết định sa thải công nhân lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh là nhân viên phục vụ trên xe buýt mang BKS 30K-1550 tuyến 34 (BX Mỹ Đình – BX Gia Lâm) như đã nêu trên.
"Đủ căn cứ để khởi tố tội làm nhục"

Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: “Tội làm nhục người khác chỉ cần có hành vi mà không cần có hậu quả. Sự việc bắt khách quỳ xin mở cửa vừa diễn ra này bao gồm hai yếu tố cấu thành.

Thứ nhất là việc lái xe cùng phụ xe bus tuyến số 34 (xe mang BKS 30K – 1550) xô đẩy, quát nạt và bắt khách đi xe quỳ xin mở cửa. Thứ hai hai là hành vi đó còn diễn ra công khai trước mặt rất đông hành khách cùng đi xe.

Việc anh Phúc có quỳ xuống hay không thì đó là do phản ứng của anh này cùng với những hành khách khác đi xe thôi. Cả hai yếu tố đó đều đã rất rõ ràng rằng đây là hành vi làm nhục người khác của lái và phụ xe buýt này”.

Luật sư Bình khẳng định: “Trong trường hợp này, dù anh Phúc có quỳ xuống hay không thì hành vi của lái và phụ xe buýt như vậy đã cấu thành tội làm nhục người khác”.
Tuệ Minh