Nói thiếu giáo viên không ảnh hưởng đến năm học mới là chưa hiểu giáo dục

08/09/2019 07:49
Thảo Ly
(GDVN) - Việc nhiều địa phương đang thiếu giáo viên sẽ rất khó khăn cho việc dạy và học đạt ở mức tối thiểu chứ nói gì đến việc đổi mới công tác giảng dạy?

Năm học mới đã được vài tuần nhưng tình trạng thiếu giáo viên khá trầm trọng ở nhiều địa phương điển hình là Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang…vẫn chưa được khắc phục.

Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Ảnh: AN
Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Ảnh: AN

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam cho hay, việc thiếu giáo viên ở bậc tiểu học đang khiến ngành giáo dục huyện này rất khó khăn lâm vào cảnh “giật gấu vá vai” để đảm bảo việc dạy học.

Nhiều trường hiện không có đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm lớp, có trường 15 lớp nhưng chỉ có 11 - 12 giáo viên, không đảm bảo mỗi lớp một giáo viên đứng lớp theo quy định. [1]

Thiếu giáo viên chỉ dạy thôi còn khó

Có lẽ người ngoài ngành không thấy hết hậu quả của việc thiếu giáo viên nên ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam mới nói rằng:

“Nhưng việc thiếu giáo viên này cũng không ảnh hưởng đến năm học mới hay việc học sinh đến trường sau ngày khai giảng.

Bởi ngành giáo dục cũng đang có nhiều giải pháp để thực hiện đảm bảo việc giảng dạy”, ông Quốc khẳng định. [1]

Cả trường thiếu một đến hai giáo viên còn có thể chấp nhận được.

Nhưng thiếu đến mức không có đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm lớp (trường 15 lớp nhưng chỉ có 11 - 12 giáo viên) thì đáng báo động thật sự.

Nói thiếu giáo viên không ảnh hưởng đến năm học mới là chưa hiểu giáo dục ảnh 2
Thiếu giáo viên, huy động cả Hiệu trưởng và Hiệu phó đi dạy (2)

Lớp không có giáo viên chủ nhiệm chẳng khác gì gia đình không có ba, mẹ. Ai sẽ quản lý các em khi ở trường?

Lấy ai phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, với Đoàn Thanh niên, với đội thiếu niên các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm?

Thiếu giáo viên đương nhiên nhà trường phải bố trí phân công một giáo viên chủ nhiệm 2 lớp.

Liệu với công việc vất vả, áp lực như thế, giáo viên có đảm nhiệm tốt không?

Không ít thầy cô cho rằng, dạy thì dạy được nhưng dạy tốt lại chẳng dám khẳng định.

Thời gian nào đầu tư cho chuyên môn? Cho việc giáo dục học sinh cá biệt? học sinh nổi trội?... Rồi những bài giảng lại “bổn cũ soạn lại”.

Bởi, dạy quá nhiều thầy cô sẽ vô cùng mệt mỏi khi sức lao động bị vắt kiệt.

Trường thiếu giáo viên nhiều sẽ xảy ra tình trạng lớp học không người dạy

Thiếu giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó phải vào dạy lớp. Những lần Ban giám hiệu đi họp, đi tập huấn sẽ lấy ai vào dạy thay (trong khi tất cả giáo viên đều đã bận đứng lớp)?

Rồi tổ trưởng, Chủ tịch công đoàn, phổ cập… cũng thường xuyên phải đi họp, đi học chuyên đề, đi tập huấn, lấy ai dạy và quản lý lớp đây?

Trong thực tế, chúng tôi đã gặp tình trạng này khá nhiều. Những lúc như thế, học sinh chỉ ngồi chơi hoặc một giáo viên sẽ dạy cùng lúc 2 lớp.

Thầy cô ra bài tập cho lớp này ngồi làm và chạy về để giảng bài cho lớp kia rồi ngược lại như thế.

Học sinh học cho xong chứ giảng dạy và học kiểu này nhiều em cũng chẳng tiếp thu được gì.

Chưa nói đến việc, cứ vắng thầy cô, học sinh lại ngồi buôn chuyện, quậy phá, khá nhiều mâu thuẫn cũng xuất hiện ở những lần ngồi chơi rảnh rỗi như thế.

Đổi mới giáo dục sao đây?

Nói thiếu giáo viên không ảnh hưởng đến năm học mới là chưa hiểu giáo dục ảnh 3
Quảng Nam, Đà Nẵng đỏ mắt tìm giáo viên trước thềm năm học mới

Việc nhiều địa phương đang thiếu giáo viên sẽ rất khó khăn cho việc dạy và học đạt ở mức tối thiểu chứ nói gì đến việc đổi mới công tác giảng dạy?

Thiếu giáo viên, buộc nhà trường phải phân công chuyên môn theo kiểu chữa cháy, ai rảnh tiết nào thì vào lớp đang thiếu thầy cô dạy ngay tiết ấy.

Giáo viên chúng tôi hay gọi những lớp thế này là “lớp treo” vì không có thầy cô chủ nhiệm chính.

Một môn học đôi khi có tới vài ba người dạy, kiểu dạy này cho xong và ai học được gì thì học, không học cũng chẳng sao vì chẳng khác nào kiểu “cha chung không ai khóc”.

Nhiều thầy cô vào dạy, đương nhiên sẽ dễ dãi và thoải mái hơn.

Thế nên, chất lượng học tập và rèn luyện của những lớp treo luôn thuộc top bét nhất trường cả về chất lượng học và nề nếp sinh hoạt.

Đây chính là hậu quả lớn nhất của việc thiếu giáo viên mang lại.

Vì thế, để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục không thể để tình trạng thiếu giáo viên như nhiều địa phương hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quang-nam-da-nang-do-mat-tim-giao-vien-truoc-them-nam-hoc-moi-post202121.gd

Thảo Ly