Tiền vận động phụ huynh, tỷ lệ thuận với tăng thu nhập cuối năm của giáo viên?

12/09/2019 06:43
Lê Mai
(GDVN) - Việc vận động phụ huynh đóng góp, để duy trì hoạt động dạy, học của trường, không dùng đến ngân sách nhà nước cấp, phải nói thật, đó là lạm thu.

Họp phụ huynh cho cháu ngoại, gặp học trò cũ, làm giáo viên chủ nhiệm trong trường; sau buổi họp, thầy trò cùng nhau café, ôn chuyện cũ.

Chuyện đời, chuyện nghề, rồi tới chuyện chuyên môn… chuyện lạm thu.

- Con, sao thầy thấy báo chí nói nhiều về lạm thu, cô giáo chủ nhiệm bé Hà vẫn vận động phụ huynh đóng góp nhiều thứ lắm?

- Dạ, lớp nào cũng vậy thầy ạ. Nào là quạt, đèn, điện …. Trên đã nói, dưới phải làm thôi thầy.

- Những cái khoản đó, nhà nước cấp ngân sách mua sắm, sửa chữa rồi mà, sao phải vận động phụ huynh hả con?

- Dạ, để tiết kiệm thầy ạ.

- Ủa, sao lại có vụ tiết kiệm ở đây hả con?

- Dạ, hồi thầy đang dạy, không có vụ này, bây giờ nhà trường có tiết kiệm chi từ ngân sách, cuối năm chia thưởng cho giáo viên, gọi là tăng thu nhập đó thầy.

Việc vận động phụ huynh đóng góp, để duy trì hoạt động dạy, học của trường cũng là lạm thu. (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh)
Việc vận động phụ huynh đóng góp, để duy trì hoạt động dạy, học của trường cũng là lạm thu. (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh)

Nếu tất cả các hoạt động của nhà trường, cứ ngân sách mà chi, cuối năm chỉ còn …hộp bánh, thầy ạ. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm vận động được nhiều hay ít, cũng là tiêu chí xét thi đua. Nên giáo viên chủ nhiệm phải trổ tài thôi, thầy.

Ra là vậy, mới có chuyện “giáo viên nhắn tin xin phụ huynh tiền mực in, dây điện…” để tiết kiệm ngân sách.

Dẫu biết nhà giáo lương còn thấp, tiền thưởng cuối năm còn bất cập so với doanh nghiệp, có nơi chỉ gói kẹo, gói bột ngọt… có nơi vài chục triệu đồng.

Những trường có tiền “tăng thu nhập cao”, nhờ “tiết kiệm” tốt hay nhờ “vận động” tốt? Tiền phụ huynh đóng “ủng hộ”, tỷ lệ thuận với tăng thu nhập cuối năm?

Làm sao các trường phải chi ngân sách, tiết kiệm đúng nghĩa?

Ban đại diện cha mẹ học sinh có còn cần thiết hay không?
Ban đại diện cha mẹ học sinh có còn cần thiết hay không?

Tiết kiệm chi, phải được hiểu là chi đúng, chi đủ; tắt đèn khi không sử dụng; sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí; mua đúng giá, cần thì mua, không chi khống; đồng tiền dư ra từ các hoạt động, đó mới thực sự là tiết kiệm chi, tăng thu nhập.

Việc vận động phụ huynh đóng góp, để duy trì hoạt động dạy, học của trường, không dùng đến ngân sách nhà nước cấp, phải nói thật, đó là lạm thu.

Ngoài ra, việc quản lý tiền đóng góp của phụ huynh có minh bạch không? Có đúng mục đích, có được tiết kiệm, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Việc vận động phụ huynh đóng tiền ủng hộ tại cuộc họp phụ huynh là sai luật, sai quy trình vận động tài trợ. Ngoài ra, còn gây tâm lý e ngại cho phụ huynh, mỗi lần có thư mời đi họp.

Để các trường phải chi ngân sách, trước khi xin tài trợ, các cấp quản lý giáo dục cần quy định,  tối đa chỉ được chi 20% ngân sách hoạt động cho tăng thu nhập; do đó, các trường không thể “vận động phụ huynh”, để dành ngân sách chi cho tăng thu nhập được.

Việc “than nghèo, kể khổ” để vận động phụ huynh đóng góp, làm méo mó hình ảnh giáo viên, làm phụ huynh hiểu sai về chính sách của nhà nước với giáo dục, cần phải chấm dứt ngay.

Lê Mai