Khoảng trống pháp lý khi chưa thừa nhận trường quốc tế

10/09/2019 15:53
Trinh Phúc
(GDVN) - Việc chưa chính thức thừa nhận các cơ sở giáo dục giảng dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài là “trường quốc tế” tạo ra một khoảng trống pháp lý.

Ngày 10/9, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm: “Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP”.

Tham dự Tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (Đại học RMIT Melbourne), người đặt nền móng cho việc thành lập Trường đại học RMIT Việt Nam;

Bà Phạm Thị Minh An - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Olympia; bà Phạm Lệ Thủy phụ trách chương trình song bằng quốc tế của Trường trung học phổ thông Olympia;

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và bà Đặng Thị Thu Huyền – Trưởng phòng tổ chức hành chính (Trường Đại học Tôn Đức Thắng).

Quang cảnh buổi tọa đàm “Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP” - ảnh Vũ Ninh.
Quang cảnh buổi tọa đàm “Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP” - ảnh Vũ Ninh.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Nhà báo Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ câu chuyện trong gia đình người Việt có con học trường quốc tế nói tiếng anh từ mầm non. Khi nói sõi, cháu nhỏ luôn chào “hello” và xưng “you and me” với ông bà.

Cháu bé này sử dụng tiếng Việt rất khó khăn vì cháu đã học trường quốc tế ngay từ bậc mầm non, lúc còn rất nhỏ tuổi. Gia đình cháu đang muốn cháu phải giỏi cả tiếng Việt vì tiếng mẹ đẻ rất quan trọng.

Xung quanh câu chuyện này đang có hai thái cực, bố mẹ cháu thì rất vui khi con chào “hello” với ông bà nhưng ông bà lại tỏ ra lo lắng, sợ cháu học trong môi trường như vậy sau này có thành người được không và có đủ kỹ năng để sống tại Việt Nam.

Rõ ràng, việc học ở môi trường quốc tế hay môi trường thuần Việt đều xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Nhưng ở góc độ khác, việc lo lắng của ông bà của cháu bé này có phần gần với câu chuyện quản lý đang được áp dụng đối với giáo dục có yếu tố nước ngoài ở nước ta.

Người Việt mở trường quốc tế cho trò Việt, tại sao không?
Người Việt mở trường quốc tế cho trò Việt, tại sao không?

Hiện nay ở Nhật Bản có rất ít trường quốc tế, quốc gia này không chấp nhận trường quốc tế.

Trong khi tại Singapore, Trung Quốc lại có nhiều trường quốc tế.

Còn ở Mỹ họ chỉ chấp nhận các trường có yếu tố nước ngoài như kiểu trường của “dân tộc thiểu số”, số trường quốc tế ở đây vì thế cũng nhiều.

Tại Singapore việc giảng dạy các chương trình quốc tế rất phổ biến. Ở Trung Quốc việc trường quốc tế tham gia với tỉ lệ lớn trong hệ thống giáo dục quốc dân và đang tiếp tục phát triển.

Điểm qua giáo dục một số nước cho thấy, câu chuyện quản lý là tùy thuộc vào quan điểm của từng quốc gia. Có cho phép phát triển trường quốc tế hay không và khi cho phép phát triển rồi thì chấp nhận ở tầm mức nào, quản lý đến đâu.

Chủ trương hội nhập quốc tế về giáo dục đã được Nhà nước đưa ra từ năm 1997, từng bước được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Giáo dục 1998 đến nay đã góp phần thúc đẩy hệ thống các cơ sở giáo dục giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một bộ phận con em nhân dân.

Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016 có khoảng 130 nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Trong đó, khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách Nhà nước, học bổng của Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Du học tự túc chiếm đến 90%.

Theo báo cáo thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” của tổ chức tài chính HSBC, năm 2016, ước tính chi phí du học của học sinh Việt Nam rơi vào khoảng 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Lỗ hổng quản lý nhà nước theo vốn đầu tư với trường quốc tế cho người Việt
Lỗ hổng quản lý nhà nước theo vốn đầu tư với trường quốc tế cho người Việt

Khảo sát của tổ chức tài chính HSBC năm 2017 cho thấy, xu hướng du học trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, chứ không riêng Việt Nam.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 cho phép các “cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài” được tiếp nhận số học sinh Việt Nam theo học chương trình nước ngoài từ 10%, 20% theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP lên mức <50%, đồng thời cho phép các trường tư thục được giảng dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài đã đáp ứng phần nào nguyện vọng “du học tại chỗ” của con em nhân dân, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào giáo dục.

Tuy nhiên, do đến nay Nhà nước chưa chính thức thừa nhận các cơ sở giáo dục được giảng dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài là “trường quốc tế” đã dẫn đến nhiều hệ lụy, phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế quản lý, hoạt động và phát triển loại hình này.

Chính vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm số 5 tháng 9/2019 với chủ đề: "Quản lý và phát triển hệ thống trường quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP" để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về vấn đề này, tổng hợp ý kiến góp ý, kiến nghị với các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, kiến nghị với các cơ quan chức năng.

Trinh Phúc