Văn hóa ứng xử học đường góp phần quyết định sự sống còn đối với mỗi nhà trường

17/09/2019 07:00
Tạ Như Việt
(GDVN) - Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.

LTS: Bàn về văn hóa ứng xử học đường, thầy giáo Tạ Như Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất và phải được coi là trọng tâm trong môi trường giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Văn hoá ứng xử học đường là hệ thống các giá trị, chuẩn mực điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng trong môi trường giáo dục.

Đặc biệt là cách ứng xử của thầy cô đối với học trò, đối với đồng nghiệp, đối với phụ huynh học sinh.

Văn hóa ứng xử học đường thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của cán bộ, giáo viên, học sinh trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục các thế hệ học sinh.

Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng môi trường giáo dục.

Nếu môi trường giáo dục thiếu đi nét đẹp của văn hoá ứng xử thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ.

Vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử học đường có vai trò quyết định sự sống còn đối với từng nhà trường.

Xây dựng văn hóa ứng xử học đường là tạo ra những nét đẹp trong hành vi của thầy cô và của học sinh đối với các mối quan hệ thầy trò, bạn bè và môi trường xung quanh.

Văn hóa ứng xử học đường góp phần quyết định sự sống còn đối với mỗi nhà trường. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Văn hóa ứng xử học đường góp phần quyết định sự sống còn đối với mỗi nhà trường. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Người thầy phải mô phạm, đức độ, mẫu mực trong hành vi, đối với đồng nghiệp phải khiêm tốn, đoàn kết, nhân ái, đối với học trò phải hết lòng thương yêu, chỉ bảo, đối với người khác phải giản dị, mẫu mực, đối với công việc phải tận tụy, có kỷ luật, sáng tạo, phải giữ gìn sự trong sạch của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Học sinh phải trung thực, cầu tiến, giản dị, khiêm tốn, đối với thầy cô giáo phải kính trọng, biết ơn, đối với bạn bè phải đoàn kết, thân ái, phải biết kính trên, nhường dưới. Môi trường giáo dục là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội.

Môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài đức vẹn toàn.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hoá giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đây là hoạt động giáo dục mang tính hệ thống và được bộc lộ qua các mối quan hệ cơ bản sau:

1. Ứng xử giữa thầy với thầy

Yêu cầu 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc văn hóa ứng xử
Yêu cầu 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc văn hóa ứng xử

Người làm công tác giảng dạy trong các trường học hiện nay khá áp lực với những yêu cầu cao của xã hội, của cha mẹ học sinh, vì vậy xung đột chắc chắn sẽ nảy sinh.

Khi đó, năng lực giao tiếp và ứng xử sư phạm còn hạn chế của người giáo viên sẽ khiến họ dễ rơi vào trạng thái bị động về mặt tâm lý và phản ứng theo những cách thức không phù hợp, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo tác giả, điều cần thiết nhất hiện nay là cải thiện mối quan hệ giữa thầy giáo cùng với các đồng nghiệp thông qua các giải pháp giúp giáo viên nâng cao văn hóa ứng xử học đường hay chính năng lực giao tiếp và ứng xử sư phạm của thầy cô đối với mọi người xung quanh.

2. Ứng xử giữa thầy với trò

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghe nhiều về đạo thầy - trò. Quan hệ thầy trò xưa nay là mối quan hệ đáng kính và đáng trân trọng. Nhưng ngày nay nhiều học trò đã không thể làm đủ lễ nghi với thầy cô, thiếu sự tôn trọng với thầy cô, coi thường việc học.

Ở đâu đó chúng ta còn thấy những thầy giáo không đủ tư cách làm tấm gương, những cô giáo thiếu tinh thần trách nhiệm, những học trò bàng quan với việc học, với tương lai.

Thậm chí, nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến chuẩn mực đạo đức thầy-trò.

Có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh. Những lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử đang làm dư luận “nóng” mỗi ngày.

Vậy trước tình hình thực tế thì người thầy cần có cách ứng xử đúng mực, cách ứng xử của thầy với trò phải nghiêm túc nhưng vẫn gần gũi, chuẩn mực và vẫn độ lượng, bao dung.

Như vậy sẽ tạo ra niềm tin yêu, sự say mê và hứng khởi cho cả người học và người dạy, đồng thời hiệu quả giáo dục vẫn tốt mà nghĩa thầy trò không bị mất đi.

3. Ứng xử giữa thầy cô với cha mẹ học sinh

Các tiêu chí văn hóa ứng xử trong trường học ở An Giang
Các tiêu chí văn hóa ứng xử trong trường học ở An Giang

Hầu hết những mâu thuẫn giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong suốt những năm học vừa qua khiến dư luận bức xúc có nguyên nhân xuất phát từ khả năng giao tiếp và ứng xử chưa tốt của các thầy cô giáo.

Theo tác giả thì nguyên nhân của hiện tượng này đến từ quan hệ ngày một lỏng lẻo giữa giáo viên và cha mẹ học sinh.

Các thầy cô giáo mắc lỗi thường không tạo dựng được sự liên kết tích cực với cha mẹ học sinh của mình và khiến phụ huynh hiểu sai về thầy cô, dẫn đến các sự việc đáng tiếc.

Để giải quyết triệt để vấn đề này trong tương lai, không cách gì tốt hơn là phải nhanh chóng nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho giáo viên hay chính là nâng cao văn hóa ứng xử học đường cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường bằng những giải pháp căn cơ.

Mỗi nhà trường cần một bộ quy tắc ứng xử học đường là cần thiết để định hướng đi đúng cho mối quan hệ nhà trường, thầy cô với học sinh và cha mẹ học sinh.

Để mỗi nhà trường đều có một không gian văn hóa học đường vừa thân thiện, cởi mở, vui vẻ mà vẫn nghiêm túc, đòi hỏi người thầy phải thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, luôn luôn giữ đúng chuẩn mực sư phạm từ trang phục đến lời nói, từ dáng điệu đi đứng đến cử chỉ diễn đạt.

Vì sự ảnh hưởng của người thầy đến các thế hệ học sinh là vô cùng đậm nét. Đạo đức, chuẩn mực, cốt cách của người thầy là nguồn sức sống vô tận truyền bá cho các em học sinh.

Tạ Như Việt