Không ảnh hưởng bởi chính trị, dư luận xã hội khi xét xử vụ án gian lận thi cử

12/09/2019 06:50
Trinh Phúc
(GDVN) - Đó là dự đoán của đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những nhận định về phiên tòa sắp tới ở Sơn La.

Dự kiến, ngày 16/9 sắp tới, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đưa vụ án liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 ra xét xử. Đây là một vụ án thu hút sự chú ý của dư luận vì liên quan đến nhiều cá nhân là cán bộ, công chức ngành giáo dục.

Hơn nữa, nhiều cá nhân được mời đến để phục vụ xét xử là các quan chức có con được nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Dư luận đang chờ đợi những mức án đích đáng và kỳ vọng tòa sẽ làm rõ được những điểm “mờ” trong vụ án này như việc có hay không nhận tiền để nâng điểm?

Liệu các bị cáo trong vụ án có phải cố tình nâng điểm để hãm hại con lãnh đạo hay còn những động cơ mờ ám đằng sau khác?

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ảnh Trinh Phúc).

Trước thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mong rằng việc xét xử  vụ án làm sao không làm oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, việc xét xử vụ án trước hết phải đúng pháp luật, công bằng, không ảnh hưởng bởi chính trị, dư luận xã hội, mà phải đúng pháp luật.

“Tội như thế nào phải xử như vậy không phải vì dư luận, không phải vì tính chính trị mà bị xử nặng hay xử nhẹ. Trước pháp luật tất cả phải đảm bảo bình đẳng, tội đến đâu xử đến đó.

Các vấn đề lượng hình khi đưa ra mức hình phạt phải cân nhắc trên cơ sở đầy đủ các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt đúng pháp luật, tâm phục, khẩu phục” - đại biểu  bình luận.

Phiên tòa tại Sơn La làm rõ được động cơ nâng điểm thì mới thuyết phục!
Phiên tòa tại Sơn La làm rõ được động cơ nâng điểm thì mới thuyết phục!

Ông Xuyền cũng mong, bản án sẽ có tác động trừng trị người vi phạm pháp luật, nhưng cũng giúp họ nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả và ăn năn hối cải, cải tạo tốt.

Bản án cũng phải được dư luận xã hội đồng tình để giáo dục, răn đe.

Bản án làm sao khiến dư luận xã hội chấp nhận được, người vi phạm cũng thấy đúng đó là trách nhiệm của hội đồng xét xử.

Ông Xuyền còn cho rằng, việc xét xử thì công khai tại phiên tòa, nếu có đưa tiền thì có phải xác định có phải là hành vi đưa nhận hối lộ hay không.

Nếu không đưa tiền thì phải xác định làm rõ động cơ, mục đích việc nâng điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, bày tỏ kỳ vọng vào phiên toàn tới đây, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng, ông tin tưởng vào các vị thẩm phán, cũng như các vị chủ tọa sẽ tiếp nhận được tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, dư luận để thận trọng, nghiêm túc trong quá trình xét xử vụ việc gian lận thi cử.

Ông Cuông cho rằng, riêng vụ án này dư luận quan tâm theo dõi, giám sát cho nên tòa án cũng phải trên cơ sở hồ sơ, chứng cứ, nghiên cứu kỹ và làm rõ được những vấn đề mà dư luận quan tâm. Cho nên hy vọng kết quả phiên tòa xét xử sẽ đáp ứng được mong mỏi đó.

Ông Lê Văn Cuông nêu vấn đề, phiên toàn sẽ làm rõ vấn đề động cơ của việc nâng điểm.

Không phải tự nhiên nhiều thí sinh được nâng điểm mà phải có nguyên nhân sâu xa. Tại sao chỉ có con quan chức, nhà giàu mới được nâng điểm còn con người nghèo lại không?

Hơn nữa, nếu không được cung cấp số báo danh, đặt vấn đề danh tính thì làm sao có thể biết để mà nâng điểm cho người này mà không nâng cho người kia.

Đừng để người ta nghĩ Bộ Giáo dục chỉ tắm từ vai trở xuốngNội dung
Đừng để người ta nghĩ Bộ Giáo dục chỉ tắm từ vai trở xuốngNội dung

“Nếu như tòa làm rõ được những vấn đề này thì nó mới logic, thuyết phục.

Còn như lời khai của người trong cuộc, bao biện thì sẽ thất bại và không thể thuyết phục.

Tôi từng nói, việc phụ huynh cho rằng không liên quan gì đến việc nâng điểm mà người ta tự nâng điểm thì đến trẻ con cũng không thể tin được.

Dứt khoát phụ huynh phải có trách nhiệm về vấn đề này.

Không ai tự dưng đi nâng điểm cho con người khác rồi chấp nhận vào vòng lao lý. Dứt khoát phải có đặt vấn đề, người nâng điểm cho thí sinh không vì các mối quan hệ, quyền lực thì cũng vì tiền tài.

Rõ ràng có lửa mới có khói, mà logic vấn đề phải đúng như thế” – ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, tòa phải đưa phụ huynh ra đối chất với bị can. Khi làm rõ được vấn đề, xác nhận được có mối quan hệ, nhờ vả, tiền bạc trong việc nâng điểm thì mới đúng bản chất và làm cho dư luận chấp nhận được.

Nếu phiên tòa xét xử nhưng không làm rõ được cái bản chất, cơ bản quan hệ giữa phụ huynh và người nâng điểm mà cho là việc nâng điểm do bị can mà phụ huynh không có trách nhiệm đứng ngoài cuộc là không được.

Cuối cùng ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Vấn đề tòa phải làm rõ, chứng minh được vấn đề nâng điểm là có lý do phụ huynh đặt vấn đề.

Xét xử phải quy được trách nhiệm và làm rõ được thì phiên tòa mới thành công, có ý nghĩa và thuyết phục dư luận”.

Vụ án gian lận thi cử ở Sơn La sẽ có 8 bị can được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);

Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga (trưởng phòng, phó phòng và chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);

Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu); Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);

Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá) và Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).

Để phục vụ xét xử, Tòa án tỉnh Sơn La triệu tập 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm) và 43 người làm chứng đến tòa.

Trong đó có ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Trinh Phúc