Chính phủ phê duyệt chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp

14/09/2019 06:54
Nhật Minh
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Mục tiêu của chương trình là các quần thể rùa nguy cấp của Việt Nam và môi trường sống của chúng được bảo vệ và phát triển bền vững, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.

Các mục tiêu cụ thể đối với công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 gồm:

Ảnh minh họa: VGP
Ảnh minh họa: VGP

1- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

2- Tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp, đặc biệt đối với các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

3- Xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ; công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được thực hiện hiệu quả;

4- Tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

5- Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn các loài rùa nguy cấp.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian tới là rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường các hoạt động điều tra, đánh giá, nghiên cứu về các loài rùa nguy cấp; xây dựng mô hình, thiết lập, quản lý hiệu quả các khu vực bảo vệ;

Duy trì, phục hồi quần thể; hỗ trợ công tác cứu hộ; nhân nuôi bảo tồn các loài rùa nguy cấp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài rùa nguy cấp;

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn, ngăn ngừa các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài rùa nguy cấp.

Thành lập 2 trạm cứu hộ rùa biển

Trong đó, Chương trình sẽ thành lập 3 khu bảo tồn loài và sinh cảnh mới cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp (Dự kiến triển khai đối với: các quần thể loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) tại khu vực huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và nhóm các loài rùa hộp thuộc giống Cuora tại khu vực huyện Đông Hòa và Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).

Đồng thời, xây dựng, thực hiện các dự án phục hồi quần thể đối với một số loài rùa cạn và rùa nước ngọt thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Dự kiến lựa chọn triển khai tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa); bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển, tập trung tại các khu vực: Bái Tử Long và Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Hải Lăng (Quảng Trị), Núi Chúa (Ninh Thuận), Cam Lâm (Khánh Hòa), Hòn Khô - Hải Giang (Bình Định), Hòn Cau (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang) và phục hồi bãi đẻ, nơi sinh cư của rùa biển bị suy thoái tại các khu vực: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Cùng với đó, thành lập và vận hành 2 trạm cứu hộ rùa biển tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa.

Nhật Minh