Chỉ huy cứu hộ vụ nổ gas:"Vì chưa được đào tạo về cứu hộ..."

07/11/2011 05:30
Nam Phong
(GDVN) - “Lực lượng CS PCCC của Hà Nội chưa từng được đào tạo chuyên sâu về cứu hộ, nhưng việc cứu hộ thì lực lượng lại phải làm…”

Về vụ nổ khí gas gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại số nhà 29, ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu ngày 3/11/2011 khiến 2 cháu nhỏ tử vong, vợ chồng gia chủ thì nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Dư luận tỏ ra rất bức xúc và cho rằng công tác cứu hộ đã diễn ra chậm chạp, thiếu sự kiên quyết dẫn đến việc hai cháu tử vong một cách oan uổng.

Hiện trường đổ nát của vụ nổ khí gas
Hiện trường đổ nát của vụ nổ khí gas

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó phòng CS Phòng cháy – Chữa cháy quận Hoàng Mai – người trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ tại hiện trường từ đầu lý giải: “do đặc điểm, tính chất địa hình và điều kiện hiện trường không cho phép chúng tôi làm khác được.”

“Địa hình quá khó khăn cho việc các phương tiện có thể tiếp cận được hiện trường, đường thì quá nhỏ. Mặc dù phương tiện thì hiện đại, nhưng lại phải đỗ ở ngoài đường không thể vào được hiện trường. Ngay cạnh đống đổ nát là lán để xe của tòa nhà chung cư cùng trạm biến áp. Khi chúng tôi đến và tiến hành công tác cứu hộ thì điện ở đây vẫn chưa được ngắt, phải rất lâu sau công nhân điện lực mới có mặt để ngắt điện,”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, khi nhận được tin báo, ngay lập tức xe cứu hỏa của đơn vị đã có mặt tại hiện trường với tất cả 9 người và đồng chí Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng. “Ngay lúc đó, tôi đã cho anh em trèo lên tầng 2 gọi tên các cháu để xác định vị trí các cháu nằm ở đâu nhưng không thấy hai cháu bé lên tiếng, sự sống của hai cháu lúc đó là rất mong manh, chỉ tính bằng phần nghìn bởi hai tấm bê-tông gần như nằm đè mặt lên nhau.”

Chiếc khoan bê-tông này phải khởi động cả tiếng đồng hồ nó mới "chịu" hoạt động.
Chiếc khoan bê-tông này phải khởi động cả tiếng đồng hồ nó mới "chịu" hoạt động.

Ở phía dưới, đồng chí Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Tiến Bình hỏi ông Thắng “có cần phá bỏ tường bao cà khu lán để xe của tòa chung cư C8 hay không? Ông Thắng trả lời, “các anh cứ chủ động làm để kết hợp mọi biện pháp”.

Ông Thắng lý giải thêm, “do lúc đó chúng tôi chỉ có ngần ấy con người, trong khi hiện trường lại có thể xảy ra sập tiếp bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã phải tiến hành chống sàn tầng 1 bằng những thanh gỗ, thép nhằm gia cố chống đổ sập. Nếu không cẩn thận thì chiếc lồng sắt sẽ có thể lao xuống bất cứ lúc nào và điều đó sẽ rất nguy hiểm.

Bởi những hộ dân bên cạnh căn nhà bị sập này cũng chỉ xây tường 10cm, thêm nữa là toàn bộ lực lượng cứu hộ lại đang tiến hành cứu hộ nên chúng tôi phải đặt sự an toàn cho những hộ xung quanh.

Tôi đã chỉ đạo tất cả anh em cùng các công cụ hỗ trợ đang có để tiến hành công tác cứu hộ. Ban đầu, tôi còn định sang công trình xây dựng bên cạnh yêu cầu quay cẩu sang để nhấc rời tấm bê-tông và lồng sắt rồi đưa hai cháu ra ngoài nhưng không được.

Chúng tôi không thể vừa tiến hành phá dỡ tường, lán để xe của chung cư lại vừa khoan phá bê-tông, bới đống đổ nát đó để cứu các cháu được.”

Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng CSPCCC quận Hoàng Mai lý giải thêm: Nếu khi đó, chỉ cần chiếc máy xúc, máy cẩu vào bên trong, đưa gầu lên ngoàm dỡ đống đổ nát thì các ngôi nhà bên cạnh cũng sẽ đổ ngay lập tức. Nguy cơ sập đổ tiếp theo là rất lớn, trong khi đó phương châm của cứu hộ là phải giữ nguyên trạng thi thể nạn nhân dù đã tử vong. Không thể để bị trầy xước hay mất dạng vì công tác cứu hộ hay do các phương tiện cứu hộ được.

Lực lượng cứu hộ làm rất thủ công, dùng tay không đưa từng viên gạch ra ngoài.
Lực lượng cứu hộ làm rất thủ công, dùng tay không đưa từng viên gạch ra ngoài.

Nếu sập đổ tiếp theo xảy ra do quá trình cứu hộ không cẩn trọng thì hậu quả khôn lường. Sẽ không chỉ dừng lại ở con số 2 người chết mà còn nhiều hơn thể nữa”, vị Trưởng phòng này nói.

Về việc lực lượng cứu hộ làm rất thủ công, thiếu chuyên nghiệp; các trang thiết bị thì khá thô sơ, đại tá Lâm nói: “Xưa nay lực lượng lính cứu hỏa nhiệm vụ chính là phòng cháy, chữa cháy. Nghiệp vụ về chữa cháy thì chúng tôi đã có truyền thống từ rất lâu rồi."

Trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ còn rất thiếu về số lượng và chất lượng.
Trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ còn rất thiếu về số lượng và chất lượng.

 
Ông Lâm cũng thừa nhận sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ cứu nạn hiện nay. "Chúng tôi phải kiêm nhiệm cả việc cứu hộ, cứu nạn trong khi đó lực lượng chiến sỹ thì chưa từng được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp về công tác cứu hộ cứu nạn. Phương tiện phục vụ cứu hộ cứu nạn thì chưa được đầu tư chuyên sâu, chất lượng thì kém, không được trang bị đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Như mọi người cũng thấy ngay tại hiện trường, các thiết bị khoan phá bê-tông khởi động cả tiếng đồng hồ không chạy nổi.”

Nam Phong