Đừng ăn vào khẩu phần của học trò, nhẫn tâm lắm

21/09/2019 06:10
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Phụ huynh gửi con cho nhà trường là họ đã tin tưởng và đặt niềm tin vào thầy cô sẽ thay mình chăm sóc các con.

Có lẽ câu chuyện suất ăn bán trú của học trò trong những năm qua dư luận đã nghe, đã thấy khá nhiều. Những phản ánh của phụ huynh được đưa lên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng gần như bao giờ cũng có chung một đáp số là bữa ăn của học sinh không tương xứng với số tiền mà họ đã đóng cho nhà trường.

Chỉ mấy ngày nay, có 2 trường học đang được báo chí nói khá nhiều là Trường tiểu học Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) và Trường Quốc tế Việt Úc (thành phố Hồ Chí Minh).

Bữa ăn bán trú của học trò Trường Quốc tế Việt Úc bị phụ huynh lên tiếng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Bữa ăn bán trú của học trò Trường Quốc tế Việt Úc bị phụ huynh lên tiếng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhìn vào khẩu phần ăn của Trường tiểu học Thạch Linh và Trường Quốc tế Việt Úc chúng tôi thấy có nhiều ý kiến trái chiều với nhau. Đặc biệt là Trường tiểu học Thạch Linh với số tiền phụ huynh phải đóng cho mỗi bữa ăn là 27.000 đồng.

Nhiều người cho rằng với số tiền đó thì bữa ăn như vậy là đã khá rồi bởi bữa cơm có 5 con tôm kho bóc vỏ, thịt bò xào bắp cải, canh bí nấu thịt. Hơn nữa, khi kinh doanh thì người ta phải có lãi mới làm.

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng với địa bàn Hà Tĩnh thì suất cơm 27.000 cho học sinh tiểu học như vậy là quá đắt bởi giá cả ở đây không quá cao như Hà Nội hay thành phố Hồ Chính Minh.

Nhất là khi nhà trường có tới 400 học sinh ăn cơm bán trú thì chuyện mua bán, chế biến thức ăn cũng đơn giản và dễ dàng hơn so với nấu ăn ít người.

Trước ý kiến trái chiều của dư luận và phản ánh của phụ huynh về bữa cơm ít thức ăn, cô Lê Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Linh đã khóc và mong phụ huynh thông cảm khi đối thoại với họ.

Cô Thủy còn cho biết thêm là số tiền mà phụ huynh đóng 27.000 đồng nhưng thực chất suất cơm chỉ có 22.000 đồng, số tiền còn lại là 5.000 trích cho vào công vận chuyển và phục vụ.

Nếu như Trường tiểu học Thạch Linh còn nhận được sự cảm thông và nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận thì Trường Quốc tế Việt Úc ít nhận được sự thông cảm hơn.

Bởi theo phản ánh của phụ huynh thì phí tiền ăn cho cấp trung học cơ sở là 7.695.000 đồng cho 10 tuần.

Phí tiền ăn cho cấp tiểu học là 6.300.000 đồng cho 10 tuần dành cho cấp tiểu học.

Tính ra, tiền ăn mỗi ngày của học sinh dao động từ 130-150 ngàn đồng cho 3 bữa ăn: ăn sáng, ăn trưa và ăn chiều.

Theo thông tin một vị phụ huynh ở quận 9 đăng trên Facebook loạt ảnh về bữa trưa 18/9 của con đang học tiểu học, bao gồm 4 món: 2 miếng gà kho, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít su su xào, canh bắp cải và miếng dưa hấu.

Một bữa ăn như vậy mà có giá trên dưới 50 ngàn đồng thì quả thật là quá cao so với giá thị trường hiện nay!

Phải nói rằng chuyện bữa ăn của học trò bao giờ cũng là chuyện hết sức tế nhị của nhà trường và phụ huynh. Cho dù là nhà trường mua đồ về tự chế biến và nấu cho học sinh ăn, hay có thể nhà trường sẽ đặt cơm ở bên ngoài đưa vào trường.

Nhưng, bằng cách nào đi chăng nữa thì phần nhiều những bữa ăn bán trú của học trò ở nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa đạt được kỳ vọng của phụ huynh.

Bởi một thực tế là số tiền mà phụ huynh đóng đã bị một số hiệu trưởng bớt xén hoặc được các cơ sở nấu ăn chia lại hoa hồng nên một lẽ đương nhiên là bữa ăn của học sinh sẽ bị hao hụt ít nhiều.

Hiện nay, ở khu vực đô thị thì nhiều cơ sở cung cấp cơm cho nhà trường được mở ra, đương nhiên là các cơ sở sẽ liên hệ với các hiệu trưởng. Để được nhà trường đồng ý cung cấp cơm cho học sinh thì họ cũng phải có chi phí quan hệ và hàng tháng cũng phải có những chi phí cần thiết cho hiệu trưởng.

Lẽ đương nhiên là các cơ sở nấu ăn thì họ không thể bỏ tiền túi ra để chi mà họ sẽ trích từ các bữa ăn của học trò ra để lo chi phí phát sinh trong giao dịch và quan hệ.

Đừng ăn vào khẩu phần của học trò, nhẫn tâm lắm ảnh 3Bớt xén tiền ăn của học sinh- nỗi xót xa về đạo đức người thầy!

Thời gian qua, chúng ta đã thấy có một số hiệu trưởng đã bị phụ huynh phản đối, thậm chí có cả những hiệu trưởng phải trả lại tiền cho phụ huynh, có hiệu trưởng bị truy tố và phải vào tù vì bớt xén khẩu phần ăn của học trò.

Những trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở bán trú…thường có hàng trăm học sinh ăn mỗi ngày.

Vì thế, chỉ cần bớt xén một vài ngàn đồng/suất ăn thì số tiền hàng tháng đó dồn lại cũng sẽ tương đối lớn.

Nhưng, mỗi suất ăn bớt đi giá trị thực một vài nghìn đồng đương nhiên nó sẽ hiện hữu rõ trên bàn ăn của học trò. Thời đại bây giờ, phụ huynh nào cũng có điện thoại, thậm chí học trò cũng có điện thoại.

Chỉ cần chụp lại những bữa ăn như vậy là hiệu trưởng lãnh đủ. Nhà trường cũng phải liên lụy mà niềm tin của phụ huynh vào nhà trường, vào những bữa ăn bán trú sẽ giảm sút.

Những bữa ăn bán trú của học trò dù biết rất hấp dẫn nhưng có lẽ các thầy cô hiệu trưởng các trường bán trú cũng cần đắn đo kỹ lưỡng giữa được và mất khi bớt xén hoặc nhận hoa hồng.

Một khi đã mất niềm tin, đã bị đưa ra trước công luận thì đương nhiên uy tín của hiệu trưởng, thậm chí các nhà cung cấp suất ăn cho học trò sẽ gặp nhiều tai tiếng.

Hơn nữa, phụ huynh gửi con cho nhà trường là họ đã tin tưởng và đặt niềm tin vào thầy cô sẽ thay mình chăm sóc các con. Lẽ nào thầy cô có trách nhiệm lại bớt xén khẩu phần ăn của học trò?

Làm như vậy tội các em lắm mà lương tâm của các thầy cô khi bị phát hiện liệu có hết day dứt hay không?

Tài liệu tham khảo:

//vnexpress.net/giao-duc/hieu-truong-xin-loi-vi-suat-com-ban-tru-it-thuc-an-3984327.html?

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-da-khoc-khi-nhin-thay-suat-an-cua-con-minh-o-truong-quoc-te-viet-uc-post202618.gd

NGUYỄN NGUYÊN