Phi công Nguyễn Văn Bảy- xứng danh người anh hùng

28/09/2019 07:04
NGUYỄN VĂN KHÁNH
(GDVN) - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy đã sống xứng đáng với danh hiệu của mình cả khi còn sống, chiến đấu cho đến khi ông trở thành người thiên cổ...

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy với rất nhiều nỗi tiếc thương khi ông qua đời.

Vẫn biết quy luật của tự nhiên nghiệt ngã nhưng sự ra đi đột ngột của đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy có tác động sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân.

Ông là người anh hùng trong kháng chiến đã bắn rơi tới 7 chiếc máy bay của Mĩ nhưng khi về hưu trở lại quê nhà thì hình ảnh người anh hùng càng đẹp hơn giữa đời thường bên những ao sen, ruộng lúa như một người nông dân thực thụ và sống chan hòa cùng mọi người.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy lúc về hưu (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy lúc về hưu (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Từ lâu, chúng ta biết tới đại tá về hưu Nguyễn Văn Bảy là một phi công huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1936 tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Năm 17 tuổi, ông tham gia du kích, sau đó nhập ngũ và tập kết ra Bắc vào năm 1954.

Xuất phát từ người lính bộ binh, sau này được chuyển sang không quân và trở thành người phi công huyền thoại khi ông lái máy bay Mig-17 nhưng đã bắn rơi tới 7 chiếc máy bay hiện đại của không quân Hoa Kỳ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F4).

Từ những thành tích đã đạt được, năm 1967, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi bước vào tuổi 31.

Dù là người anh hùng với những chiến công hiển hách như vậy nhưng khi về hưu với quân hàm đại tá vào năm 1989 thì ông đã trở lại quê nhà Đồng Tháp của mình để sống cuộc đời điền viên của mình.

Ông đã sống như một người nông dân, một lão nông Nam Bộ chất phác và hào sảng giữa bốn bề sông nước và cây trái của quê hương mình. Cách sống của ông chan hòa cùng xóm giềng, cùng hòa vào thiên nhiên với thú vui ruộng đồng, trồng cây, nuôi cá.

Chiếc khăn rằn đặc trưng của người Nam Bộ luôn quấn trên đầu lấm tấm những giọt mồ hôi trong những lúc chăm lo việc vườn tược, đồng áng mỗi ngày. Nhiều lúc, ta lại thấy ông luôn tay chèo ghe nhỏ băng băng đi kéo cá, bẻ sen …

Phi công Nguyễn Văn Bảy- xứng danh người anh hùng ảnh 2Những người mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Là một đại tá phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhưng mấy chục năm qua, người dân Đồng Tháp thấy ông như một người nông dân miệt vườn và ông được người dân yêu mến, kính trọng.

Điều bất ngờ là ngay cả đối phương đã từng đối đầu trên bầu trời trong những năm tháng chiến tranh cũng quay lại tìm ông với một tâm thế ngưỡng vọng. Họ đã thành những những người bạn với nhau như chưa hề có những năm tháng chiến tranh, đối đầu nhau trên bầu trời.

Lúc sinh thời, ông vẫn thường kể những câu chuyện về tháng năm sống và chiến đấu ở miền Bắc, kể về việc sau khi bắn rơi 7 máy bay thì chỉ huy không cho ông chiến đấu trên bầu trời nữa.

Những năm tháng quân ngũ của ông, nụ cười chiến thắng của ông vẫn vẹn nguyên qua những thước phim tư liệu khiến người xem không thể không ngưỡng vọng, cảm phục.

Người anh hùng ấy đã sống vì tình yêu Tổ quốc, sống hết lòng vì Tổ quốc thân yêu, vì tình yêu quê hương xóm làng, bạn hữu. 

Đã có hàng trăm bài báo, bài thơ viết về ông trong nỗi niềm tiếc thương, kính trọng trong những ngày qua. Dù trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống hay các trang mạng xã hội thì chúng ta cũng không hề tìm thấy một chia sẻ, bình luận trái chiều sau mỗi bài viết.

Tất cả đều là sự tiếc thương vô hạn đối với một vị anh hùng đã đi vào lòng dân một cách tự nhiên.

Sự cống hiến của ông cho đất nước, nhân cách của ông sau khi đất nước hòa bình và những tháng năm trở về với cuộc sống đời thường nơi quê hương yêu dấu của mình khiến cho chúng ta cảm phục.

Phi công Nguyễn Văn Bảy- xứng danh người anh hùng ảnh 3"Gần như ông Phan Văn Vĩnh đã trở thành "gián điệp" của tội phạm"

Người anh hùng ấy đã sống xứng đáng với danh hiệu của mình cả khi còn sống, chiến đấu cho đến khi ông trở thành người thiên cổ.

Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy đã từ trần vào hồi 21 giờ, ngày 22/9/2019.

Sau những ngày tổ chức tang lễ của ông tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng nghìn đồng đội, người thân và cả những người ngưỡng vọng ông đến viếng, chia buồn, tiễn biệt người anh hùng.

Sáng ngày 26/9/2019, thi hài của ông đã được đưa về huyện Lai Vung, Đồng Tháp- nơi quê hương thân yêu của mình. Những tình cảm của người dân quê nhà vẫn chan chứa yêu thương khi từng đoàn người đến viếng ông đều bùi ngùi…

Ông lại về lại khu vườn nhà mình, nơi có mẹ cha ông đang yên nghỉ, nơi có những bụi tre, gốc mít tỏa mát sau vườn rì rào như khúc nhạc thầm thì sẽ che mát “ngôi nhà” vĩnh hằng của ông….

Nơi ấy, có những ao sen vẫn tỏa hương thơm chỉ thiếu bóng dáng nhỏ nhắn của ông chèo ghe thăm thú mỗi ngày. Những cây mít, cây xoài, những liếp rau, mảnh ruộng thiếu đi bàn tay tảo tần chăm sóc của ông.

Chợt nghĩ, thời gian qua, chúng ta đã thấy có những người có chức tước, cấp bậc cao đã khai man thành tích để có được danh hiệu anh hùng hay cả những anh hùng đã được phong tặng nhưng họ đã bị “gục ngã” trước những cám dỗ của đồng tiền.

Khi nhìn những dòng người đến viếng, khi đọc những bài viết về đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy- người anh hùng bình dị giữa đời thường trong những ngày qua thì chúng ta thấy được giá trị thực của một con người.

Ông đã sống một cuộc đời xứng đáng trên cõi đời này. Bởi, nụ cười của ông bao giờ cũng đôn hậu, thánh thiện và bao dung hơn bao giờ hết.

Nụ cười ấy vẫn hằn yên trong tâm trí của những người đang sống và ai cũng hiểu một điều nụ cười ấy đã đi rồi nhưng những người ở lại thì bùi ngùi, thương tiếc khôn nguôi!

NGUYỄN VĂN KHÁNH