Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm

28/09/2019 06:09
Hồ Thu
(GDVN) - Hàng triệu người dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với tình trạng nước sinh hoạt bẩn và không khí ô nhiễm.

Kinh tế ngày càng phát triển đáng lẽ chất lượng sống ngày càng được nâng cao, nhưng tại hai đô thị lớn của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng triệu người dân vẫn đang phải đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe là: Nước sinh hoạt bẩn và ô nhiễm không khí.

Không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm nặng

Trong mấy ngày gần đây, thông tin Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được nêu tên trong danh sách những thành phố lớn ô nhiễm không khí nhất thế giới thực sự mang tính báo động.

Sáng 26/9, ứng dụng quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 3 về mức độ ô nhiễm. [1]

Hệ thống quan trắc trong nước cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở các tỉnh miền Bắc.

Theo bảng xếp hạng AQI (chỉ số chất lượng không khí) của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu, rất có hại cho sức khỏe, nhóm nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài. 

Phố Lê Thánh Tông quận Hoàn Kiếm chìm trong làn sương bụi mờ ảo. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Phố Lê Thánh Tông quận Hoàn Kiếm chìm trong làn sương bụi mờ ảo. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Quan trắc chất lượng không khí PAMAir tại hơn 40 điểm đo của Hà Nội vào lúc 8 giờ sáng 15/9 đều có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ (thang bậc 4 trong 6 thang bậc chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).

Bụi PM ­2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene

Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị được xác định là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn, đặc biệt là các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào như đốt rơm rạ hay hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận.

Từ ngày 18-22/9, một số khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận có hiện tượng mây mù, nhất là khu vực gần sông Sài Gòn.

Ngày 25/9, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện tượng mây mù, gây ô nhiễm không khí diễn ra trong các ngày 18-22/9 vừa qua tại thành phố là sương mù quang hóa, sinh ra do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ (ánh Mặt Trời) gây đảo nhiệt kết hợp với độ ẩm trong không khí cao, từ đó tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí ở tầng cao, tạo hiện tượng mù quang hóa, đặc biệt trong khu vực nội thành. [2]

Kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 cho thấy chất lượng không khí từ ngày 3 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9.

Cao nhất là ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, hiện mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%.

“Trong điều kiện thời tiết và ô nhiễm môi trường như thế hiện nay thì bệnh lý về xoang mũi càng nhiều. Đây là vấn đề nan giải cho chuyên ngành Tai mũi họng, kể cả nội khoa và ngoại khoa. Theo cảm nhận của bác sĩ, bệnh nhân tăng lên.

Chúng tôi cảnh báo người dân cần đeo khẩu trang chất lượng tốt và hàng ngày vệ sinh mũi họng bằng cách rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý”, Phó giáo sư Cảnh đưa ra lời khuyên.

Theo các chuyên gia, bụi mịn PM 2.5 là loại bụi có kích cỡ nhỏ chỉ bằng 1/30 sợi tóc người và có khả năng đi sâu vào các phế nang của phổi, thậm chí là mạch máu, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.

Loại bụi này có thể vượt qua cả khẩu trang thông thường người dân đang sử dụng để đi vào cơ thể.

Các thế hệ tương lai của đất nước đang bị ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?
Các thế hệ tương lai của đất nước đang bị ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?

Bụi mịn khi đi vào cơ thể sẽ kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, dẫn đến những biểu hiện như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở... suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm các bệnh mạn tính có sẵn.

Ngoài ra, các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde cũng gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây nên bệnh ung thư phổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp, luôn sử dụng khẩu trang đạt chuẩn khi tham gia giao thông, hạn chế sử dụng nhiên liệu tạo ra các khí độc hại gây ô nhiễm cục bộ trong hộ gia đình khi nấu ăn. Tránh đốt gỗ, củi than, rác tại nhà và khu vực xung quanh. [3]

Bức xúc vì “nước sạch” nhưng “quá bẩn”

Trả tiền để mua nước sạch nhưng thực tế người dân ở nhiều khu vực tại Thủ đô Hà Nội phải cắn răng dùng nước bẩn, trong khi các cơ quan quản lý chưa có biện pháp nào đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý.

Nước bẩn cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư và nhiều loại bệnh khác, đặc biệt nguy hiểm tới sự phát triển của các cháu nhỏ là học sinh ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở... do thể trạng và sức đề kháng yếu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tại một số chung cư tại Hà Nội, người dân đang rất bức xúc với tình trạng nước sinh hoạt bẩn vàng khè, cáu bẩn. [4]

Ở khu vực phố Tư Đình (phường Long Biên, quận Long Biên), nước bám cặn đầy các thiết bị, các vòi ống. Vài ngày không dùng hóa chất tẩy rửa là thiết bị chuyển màu.
Ở khu vực phố Tư Đình (phường Long Biên, quận Long Biên), nước bám cặn đầy các thiết bị, các vòi ống. Vài ngày không dùng hóa chất tẩy rửa là thiết bị chuyển màu.
Sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dùng nước sinh hoạt bẩn.
Sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dùng nước sinh hoạt bẩn.

Nước vàng khè, cáu bẩn khiến những thiết bị vệ sinh thường xuyên bị tắc về cảm quan đã cho thấy những cảnh báo nghi ngại về chất lượng của nguồn nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân. 

Mới nhất, ngày 27/9/2019 tại hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân – Khuyến nghị cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019-2035", ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết nguồn nước thô của thành phố đang được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai bị ô nhiễm nặng do tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội là rất lớn nhưng TP không thể kiểm soát.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên- Môi trường, chất lượng nước sông Đồng Nai từ Hóa An và Cát Lái, đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Nước của sông Sài Gòn cũng đang bị ô nhiễm vi sinh cao.

Tình trạng nước ngầm đang bị khai thác quá mức với lưu lượng lớn làm cho trữ lượng khai thác an toàn nhiều nơi bị cạn kiệt, gây mất cân bằng nước. (5)

Nước sinh hoạt ở chung cư New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hà Nội) bị nhiễm bẩn. Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư xây dựng toà nhà này. Còn đơn vị cấp nước và Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai.
Nước sinh hoạt ở chung cư New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hà Nội) bị nhiễm bẩn. Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư xây dựng toà nhà này. Còn đơn vị cấp nước và Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai.

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra một số bệnh phổ biến dễ mắc khi sử dụng nước sinh hoạt không đạt chất lượng có thể kể đến như: Viêm gan A, bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh lỵ trực khuẩn, nhiễm giun sán...

Bên cạnh đó, nếu trong nước tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, chất diệt côn trùng… hay kim loại nặng (Asen, Amoni, chì, thủy ngân…) cũng là nguyên nhân sâu xa gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm như khối u, ung thư, sảy thai, dị tật bẩm sinh…

Khi uống phải nguồn nước nhiễm những chất này, tác động của nó không biểu hiện ngay trước mắt mà ngấm dần vào cơ thể, để lại hậu quả khôn lường nếu sử dụng lâu dài.

Đặc biệt nghiêm trọng nếu nguồn nước nhiễm Asen, dù chỉ với liều lượng nhỏ nhưng qua thời gian sử dụng lâu dài sẽ gây các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, giảm hồng cầu, bạch cầu, rụng tóc, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, đau mắt, viêm dạ dày, ung thư…

Tình trạng hàng triệu người dân phải chịu đựng nước sinh hoạt bẩn đã diễn ra nhiều năm nay ở các khu vực khác nhau, và đã đến lúc lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần có chỉ đạo rà soát tổng thể và xử lý dứt điểm tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo an toàn.

Nước sạch và không khí an toàn là những yếu tố cần thiết hàng đầu để có cuộc sống khỏe mạnh.

Cuộc sống đô thị phát triển từng ngày nhưng nếu môi trường sống không đảm bảo thì làm sao chúng ta có thể yên tâm sinh sống và làm việc, làm sao chúng ta có thể kiến tạo ra những thế hệ tương lai khỏe mạnh và tốt đẹp hơn?

Nhiều sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), phản ảnh tình trạng nước bẩn trong ký túc xá tại trường này đã tồn tại 5 năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. 

Sinh viên trong ký túc xá phải đối diện với tình trạng nước bẩn, đục vàng thậm chí có cả giun đỏ trong nguồn nước.

Bạn T.H.N cho biết: “Sáng nay đi thay lọc nước. Khi tháo lọc nước mới tá hỏa hiện tượng kinh khủng khiếp: giun sán loe ngoe trong nguồn nước dày đặc, sởn da gà. Thực sự mình rất thất vọng về nguồn nước hiện nay, bẩn đã đành lại cả thêm nhiễm giun nữa”.

Bạn Đỗ Thị Lan Phương chia sẻ: “Nước trong ký túc xá gì mà để mấy hôm nó bám cáu bẩn đen xì lại, cầm vào ghê hết cả tay. Em đành dùng cả lõi giấy để lọc nước nhưng cứ lắp vào được 3 hôm là tắc không chảy nổi ra vòi. Đành phải tháo ra dùng trực tiếp”.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-va-tp-hcm-trong-top-3-thanh-pho-o-nhiem-nhat-the-gioi/597380.vnp

[2]. https://www.vietnamplus.vn/nguyen-nhan-gay-ra-hien-tuong-may-mu-o-nhiem-khong-khi-o-tphcm/597268.vnp

[3]. https://baotintuc.vn/xa-hoi/canh-bao-bui-min-vuot-muc-cho-phep-khau-trang-thong-thuong-khong-co-tac-dung-20190925134018184.htm

[4]. https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/nhung-hinh-anh-khung-khiep-ve-nuoc-sinh-hoat-o-ha-noi-post202725.gd

[5].https://nld.com.vn/chinh-tri/bao-dong-nuoc-song-dong-nai-sai-gon-dang-o-nhiem-nang-20190927152236428.htm

Hồ Thu