Đưa âm nhạc vào Toán học, tại sao không?

09/10/2019 06:24
Tùng Dương
(GDVN) - Đây là cách đơn giản tổng kết các dạng bài tập để học sinh nhớ, mỗi khi lẩm nhẩm bài hát thì sẽ làm được nhiều dạng bài thay vì nhớ những công thức khô khan.

Nhiều ý kiến cho rằng môn Toán là khô khan, nhiều công thức, con số... khó nhớ, học sinh ngại học dẫn đến việc khi làm bài thi hoặc trong những bài tập, ít khi các em được điểm cao.

Có những em làm tốt nhưng lại quên phần kết luận, phần kiểm tra lại hoặc thiếu trong các phần làm bài, dẫn đến những sai sót không đáng có.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Bảo - Giáo viên dạy môn Toán Trường trung học Vinschool, người vừa cho ra một sản phẩm Video kết hợp giữa âm nhạc và Toán học, giúp cho học sinh dễ nhớ trong việc học môn Toán.

Thầy Bảo chia sẻ: “Với mong muốn giúp cho học sinh có một bản ghi chú ngắn gọn, dễ thuộc để thi vào lớp 10 nên tôi đã đưa ra một Video ghi chú.

Nếu thuộc bài hát này thì ít nhất các em có thể làm tốt những bài tập trong đề thi vào lớp 10 nói riêng và các chương trình Toán học nói chung, và cũng có một số cách giải Toán trong kỳ thi đại học.

Đây là cách đơn giản tổng kết các dạng bài tập để học sinh nhớ, mỗi khi quên thì lẩm nhẩm bài hát là sẽ làm được bài, thay vì nhớ những công thức khô khan.

Nếu như học đến phương trình tương giao thì chỉ cần hát một đoạn ngắn thôi, học về hệ phương trình lại hát tiếp một đoạn, học giải bài Toán về cách lập phương trình thì cũng có câu hát tương ứng và sẽ biết được cách làm.

Bài hát này các giáo viên cũng có thể tham khảo sử dụng trong giờ giảng, có thể dùng để thay đổi không khí lớp học cho bớt căng thẳng, hoặc với bài Toán này thì các em có thể làm theo dạng như này và giáo viên bật bài hát lên trong vài phút.

Bài hát đưa ra gợi ý giải và cách làm một số dạng bài Toán cụ thể, cuối cùng là một số câu hát nhắc nhở để tránh mắc sai lầm, bổ sung cho đầy đủ, kết luận đáp số. Học sinh thường hay mắc 3 giai đoạn đó”.

Thầy giáo trẻ Đỗ Văn Bảo luôn tìm tòi, sáng tạo để kéo học sinh đến với môn học này một cách thích thú. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
 Thầy giáo trẻ Đỗ Văn Bảo luôn tìm tòi, sáng tạo để kéo học sinh đến với môn học này một cách thích thú. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với thử nghiệp Video ở dạng đọc Ráp nhưng thấy tiết tấu Ráp thì nhanh quá, còn với gieo vần Thơ thì cũng khó lột tả được nội dung và sức lan tỏa không bằng nhạc, cuối cùng thầy Bảo nhận thấy chỉ có âm nhạc là gần gũi, dễ đi vào học sinh.

“Tôi cũng trăn trở để làm sao học sinh dễ nhớ, nhưng nhạc hiện đại thì hơi nhanh quá, vì thế tôi đã tìm đặc điểm chung giữa mình với học sinh để chia sẻ.

Đối tượng của bài hát là học sinh, nhưng để học sinh dùng được thì thầy cô cũng phải thích và chia sẻ, đó là điều cốt lõi của bài hát này.

Với giai điệu Bolero tôi thấy phù hợp hơn cả, thỏa mãn được nhiều điều kiện như vậy, câu từ chậm rãi, dễ thể hiện được tròn vành rõ chữ với những con số Toán học, giai điệu này học sinh và các thầy cô giáo rất thích, dễ học và dễ nhớ.

Về phần lời bài hát, để câu từ chuẩn Toán thì tôi lấy những cái tổng quát, trong Toán học có những định lý hoặc những tính chất mà nếu đọc nguyên như vậy thì rất khó ghép từ.

Nên tôi đã phải suy nghĩ và uốn nắn một chút, cho thêm ngôn ngữ cuộc sống vào đó, ví dụ bài tập giải hệ phương trình, nếu theo đúng ngôn ngữ Toán học là: Đặt ẩn phụ, thay ẩn phụ bằng cách đặt ẩn phụ T bằng cái này, V bằng cái kia, khi giải ra ẩn phụ rồi thì thay vào rồi tính ra ẩn chính và kiểm tra kết luận. Nếu lời bài hát nguyên như vậy thì rất khó nghe, không truyền tải được thông tin.

Tôi thay lời bằng cách: Ẩn mới đem vào thay thế thôi. Ẩn phụ mình thay bằng cái khác nhưng học sinh vẫn hiểu, sau đó bình tĩnh giải phương trình, giải bình thường như với ẩn mới.

Câu hát: Giải xong ẩn mới theo lối cũ, có nghĩa là quay trở lại thay vào phương trình ban đầu vì Toán không có từ thay lỗi cũ. Có nghĩa là ẩn mới và ẩn cũ mình thay lại để tính ra ẩn cũ, thay vào rồi mới ra được nghiệm.

Phần kết luận nghiệm, tôi cũng phải thay lời cho văn vẻ một chút là: Nghiệm rơi lác đác êm đềm”, thầy bảo cho biết.

Video:Thầy Bảo đưa âm nhạc vào Toán học.

Bài hát dài 6 phút và chia ra từng phần theo Toán học, trong mỗi phần lại có những dạng khác nhau, tất cả được thầy Bảo lựa chọn và đưa ra những dạng điển hình mà học sinh thường hay gặp nhất.

“Trong bài biểu thức thì có dạng rút gọn xong rồi tìm giá trị X nguyên, P nguyên hoặc giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của biểu thức P, tôi đều đưa ra cách giải.

Phần giải bài toán bằng cách lập phương trình: Có dạng bài Toán về chuyển động S = v.t, hay là bài Toán về năng suất, công việc hoặc những đề thi thì các em chỉ cần nhẩm bài hát đó là đã đưa ra được giải pháp đó rồi.

Phần giải hệ phương trình: Có phần giao điểm giữa 2 đường và phần bài tập tương giao, bài Hình, với mỗi bài tôi đều đưa ra những gợi ý.

Bài Toán lập phương trình có 2 dạng là chuyển động, thường là đề bài hỏi cái gì thì ta đặt cái đó làm ẩn, sau đó triển khai các yếu tố theo ẩn và cuối cùng là ra được phương trình.

Nhiều khi học sinh không biết đặt cái gì thì có thể nhẩm lời bài hát, đề bài hỏi vận tốc thì vận tốc là ẩn x, đề hỏi quãng đường thì đặt quãng đường là ẩn x.

Còn dạng Toán về công việc thì thường đặt thời gian là X, sau đó là mối liên hệ giữa năng suất thì ra được một phương trình. Tóm lại đó là cách thường thấy trong các đề Toán mà tôi đã tổng hợp lại.

Thầy giáo Đỗ Văn Bảo và học sinh Trường trung học Vinschool. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy giáo Đỗ Văn Bảo và học sinh Trường trung học Vinschool. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có những giải pháp riêng cho từng dạng bài, đến câu nào cũng có từ khóa riêng và nếu thuộc bài hát sẽ đưa ra được cách làm.

Ví dụ: Biểu thức thì rút gọn bằng cách là mẫu chung quy đồng, đến câu sau thì có rất nhiều em bị quên phần kết luận, vậy thì trong bài hát có câu: Làm xong nhớ kết luận nhé”, thầy Bảo nói.

Đối với dạng Toán giải hệ phương trình thì nhiều em rất hoang mang, khi mà hát đến câu ẩn mới đem vào thay thế thôi, tức là dùng phương pháp thế, dùng ẩn mới thay vào ẩn cũ, nhiều khi đã làm xong rồi nhưng các em quên mất lấy luôn cái đó là nghiệm, như vậy là sai.

Đưa âm nhạc vào Toán học, tại sao không? ảnh 3

Bài học nhớ đời và bí quyết chuyện trò với học sinh của cô giáo Thủy

“Lúc đó phải thêm câu cuối là: Giải xong rồi phải theo lối cũ, thay vào tìm lấy X - Y.

Khi làm xong hết rồi nếu như lẩm nhẩm bài hát, dò lại bài kiểm tra từ đầu đến cuối, đến đoạn nào thấy thiếu hoặc sai thì biết ngay, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

Mỗi câu hát đều gợi ý về cách giải, cách kiểm tra, cách kết luận.

Ví dụ câu bài Toán tương giao cắt nhau giữa 2 đường, phương pháp giải được đưa ra là có một phương trình tương giao, và số giao điểm bằng số nghiệm của phương trình nằm ở câu hát: Mấy điểm bấy nhiêu nghiệm, và đấy là mấu chốt cách giải bài Toán đó.

Sau đó khi ra được phương trình đấy rồi, biện luận phương trình đấy thì nhiều bạn sẽ thắc mắc là sẽ làm tiếp như thế nào, thì sẽ có câu hát: Thay vào theo định lý Vi-ét tính theo tham số M.

Đoạn này các em học sinh hay bị nhầm là sau khi tính xong hết rồi phải kiểm tra lại điều kiện Denta có lớn hơn 0 không, để phương trình có nghiệm hay không, thì ở đây sẽ có câu hát: Làm xong nhớ nhé, kiểm tra Denta dương.

Nhưng Denta dương có 2 nghiệm, giả sử các em không có câu đó thì kể cả các em khá giỏi cũng quên mất khi phần kết luận là phải so sánh lại với điều kiện đấy có thỏa mãn điều kiện Denta lớn hơn 0 hay không”, thầy Bảo cho biết.

Thầy Bảo cho biết: “Tại Trường Vinschool chúng tôi có thành lập một ban nhạc để phục vụ học sinh, ban nhạc GLB hay còn gọi là ban nhạc giẻ lau bảng khá là nổi tiếng trong trường. Các nhạc phẩm của ban nhạc do chúng tôi tự sáng tác có giai điệu vui, động viên khuyến khích học sinh.

Về ý tưởng bài hát thì tôi cũng đã có từ trước, thực sự bắt tay vào làm mất gần 10 ngày, tôi sáng tác lời, thầy Trần Công Tú quay phim và làm MC,  thầy Nguyễn Anh Tuấn làm nhạc, ghép lời và ghi âm.

Sau gần 10 ngày cùng với 2 thầy ở cùng trường, chúng tôi đã làm xong một Video dài 6 phút về cách giải đề và bài tập Toán, học sinh đón nhận và rất thích thú với giai điệu và lời bài hát này. Nhiều em nói rằng sẽ học thuộc bài hát này để biết cách làm một số dạng Toán”.

Tùng Dương