Những tiết học Văn vui vẻ

24/10/2019 06:24
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Chỉ khi thầy cô thay đổi, thầy cô đầu tư cho bài học, có sự phân công, giao việc cho học trò thì tức thì tiết học sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Để từng bước tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới trong những năm tới đây, Hội đồng bộ môn Ngữ Văn huyện Châu Thành (An Giang) đã thường xuyên xây dựng một số tiết thao giảng chuyên đề nhằm tiếp cận dần với việc đổi mới của ngành giáo dục.

Những tiết thao giảng chuyên đề không phải bao giờ cũng tròn trịa, viên mãn bởi Hội đồng bộ môn, giáo viên giảng dạy đã chủ động vận dụng nhiều kỹ thuật dạy học mới.

Nhưng, thông qua những chuyên đề như vậy, giáo viên bộ môn Ngữ văn trong huyện sẽ cùng ngồi lại với nhau để tìm ra những biện pháp khắc phục, nhằm hướng tới những giải pháp tối ưu nhất.

Học sinh minh họa cho bài học (Ảnh: Khánh Văn)
Học sinh minh họa cho bài học (Ảnh: Khánh Văn)

Chúng ta biết rằng, trong những năm gần đây thì việc một bộ phận học sinh không còn yêu thích môn Văn như trước, điều này đã được phản ánh khá nhiều trên các diễn đàn xã hội. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có lẽ có một phần là do sự áp đặt kiến thức, thuyết giảng một chiều của một số giáo viên dạy Văn nên chưa tạo được sự thích thú cho học trò.

Hướng tới việc phát triển năng lực cho học sinh, tạo cho học sinh một tâm thế thoải mái, chủ động trong học Văn là điều trăn trở của nhiều thầy cô giáo.

Chính vì thế, Hội đồng bộ môn huyện đã và đang có những chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn cho việc dạy và học Văn ở các nhà trường.

Đặc biệt, trong từng năm học, Hội đồng bộ môn đã thực hiện một số chuyên đề được minh họa bằng những tiết thao giảng sinh động, khá hiệu quả.

Ngày 23/10/2019, Hội đồng bộ môn Ngữ văn huyện Châu Thành đã tổ chức thực hiện dạy minh họa cho chuyên đề: “Hình ảnh người lính trong thơ ca hiện đại Việt Nam ở lớp 9” và đơn vị thực hiện là trường Trung học cơ sở An Châu.

Những tiết học Văn vui vẻ ảnh 2Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn vì học sinh không được nói, viết suy nghĩ thật của mình

Đến dự tiết thao giảng này, ngoài các thành viên trong Hội đồng bộ môn là các giáo viên đang dạy Ngữ văn ở các nhà trường trong huyện. Điều ấn tượng là đơn vị sở tại đã có sự chuẩn bị khá công phu cho từng hoạt động của tiết dạy.

Tiết dạy minh họa cho chuyên đề là chủ đề người lính- được hình thành từ 3 bài thơ: “Đồng chí” của Chính Hữu; “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và  “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, đây là những bài thơ tiêu biểu của chương trình Ngữ văn 9 hiện hành.

Khác với lối mòn trong dạy Văn là sự thuyết giảng đơn điệu, xáo mòn, sự truyền đạt kiến thức từ thầy sang trò dẫn đến sự chán ngán cho học trò thì việc thay đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học mới đã khơi gợi cho học sinh được làm chủ nhiều tình huống trong giờ học.

Học sinh được chung tay chuẩn bị tiết học cùng giáo viên, các em được trình bày chính kiến của mình, được trải nghiệm trong một số hoạt cảnh về hình ảnh người lính, được xem một số clip minh họa cho bài học…

Đặc biệt, những hình ảnh tư liệu ghi lại từng đoàn xe đang bon bon trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại để tiến vào Nam giúp cho các em sống lại một khí thế hào hùng của cha ông thuở trước.

Học sinh trình bày phần khởi động cho bài học
Học sinh trình bày phần khởi động cho bài học

Tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” qua những hình ảnh phim tư liệu được giáo viên trình chiếu giúp cho học sinh hiểu hơn về quá khứ, tiệm cận gần hơn với thế hệ cha anh của mình đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho non sông, đất nước.

Điều thú vị là trong tiết thao giảng chuyên đề đã có sự chuyển giao nhiều hoạt động cho các em học sinh tự làm chủ. Các em đã chủ động dẫn dắt một số hoạt động trong bài học một cách khá nhuần nhuyễn.

Đặc biệt là những tiết mục minh họa cho một số hoạt cảnh của bài dạy làm cho bài học sống động và sôi nổi hơn rất nhiều. Các em tích cực phát biểu, xây dựng bài khi giáo viên đặt vấn đề. Vì thế, những hoạt động hỏi- đáp với giáo viên và các hoạt động thảo luận nhóm rất sôi nổi và hiệu quả.

Với cách dạy mới này không chỉ giúp cho học sinh có sự liên hệ, đối chiếu giữa các tác phẩm văn học lại với nhau. Đó là hình ảnh người lính trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể nhưng họ cùng có chung một tình yêu Tổ quốc, cùng sẻ chia những vui buồn trong chiến đấu...

Học sinh trình bày kết quả phần thảo luận nhóm
Học sinh trình bày kết quả phần thảo luận nhóm

Khi góp ý, rút kinh nghiệm cho tiết thao giảng chuyên đề, dù vẫn còn một số hạn chế nhất định nhưng đa phần giáo viên trong huyện đều cảm nhận được nét mới trong việc dạy và học Ngữ văn hiện nay.

Chỉ khi thầy cô thay đổi, thầy cô đầu tư cho bài học, có sự phân công, giao việc cho học trò thì tức thì tiết học sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Học sinh sẽ thích thú hơn khi không còn đơn điệu nghe thuyết giảng của thầy cô trong từng tiết học.

Bởi ở đó không chỉ là người thầy “làm chủ sân khấu” mà có sự chuyển giao một số hoạt động cho học trò. Các em được làm việc, được tham gia các hoạt động do mình chuẩn bị, thực hiện nên có sự thích thú.

Và, rõ ràng những tiết học như thế nào sẽ hình thành cho các em rất nhiều những kỹ năng cần thiết, giúp cho các em tự tin hơn trong học tập và ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

KHÁNH VĂN