Hành trình ước mơ có nguy cơ dang dở của Vàng Mí Pó

29/10/2019 06:31
Kim Sơn
(GDVN) - Bước đầu hành trình thực hiện ước mơ của Vàng Mí Pó đã được thực hiện, nhưng bước đường tiếp theo của Pó có nguy cơ dang dở vì…quá nghèo

Đến với trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên từ xã vùng biên Phú Lũng của huyện Yên Minh (Hà Giang), chàng trai người dân tộc H’mông, Vàng Mí Pó chẳng có gì ngoài một ít kinh phí và khát vọng trở thành bác sĩ cứu chữa cho đồng bào mình.

Chúng tôi gặp Vàng Mí Pó, sinh viên lớp Y khoa K52G, trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên trong một chiều cuối tuần phòng trọ của mình.

Không giống như những sinh viên khác, cuối tuần, sẽ dành thời gian về quê thăm bố mẹ và lấy thêm viện trợ, Pó chọn ở lại phòng trọ học bài và một phần tiết kiệm chi phí.

Hành trình từ Thái Nguyên về với Hà Giang tuy không xa nhưng kinh phí cho cuộc hành trình ấy của Vàng Mí Pó vẫn là quá lớn so với kinh tế của gia đình.

Vàng Pí Mó, niềm tự hào của xã Phú Lũng đang có nguy cơ dang dở ước mơ vì hoàn cảnh gia đình.
Vàng Pí Mó, niềm tự hào của xã Phú Lũng đang có nguy cơ dang dở ước mơ vì hoàn cảnh gia đình.

“Em chắc phải tết mới về được”, nói thêm về hoàn cảnh gia đình Pó bảo: “Bố mẹ em chủ yếu làm nương rẫy. Nhưng dạo gần đây thời tiết nắng mưa thất thường quá, không làm được ruộng thì lại trồng ngô.

Thu nhập gia đình chỉ khoảng 1 triệu đồng trên một tháng. Bố em phải đi làm thêm thợ xây; mẹ ở nhà đưa đón em gái nhỏ đi học, nuôi thêm con gà, con lợn. Em trai cũng đang đi học xa nên không đỡ đần được gì. Em cũng phải cố gắng”.

Nói về dự định sắp tới Vàng Mí Pó cho biết khi cuộc sống ổn định, em sẽ đi làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt phí và một phần học phí.

Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng Pó bảo em sẽ quyết tâm thực hiện ước mơ bởi trở thành bác sĩ là ước mơ không chỉ của riêng em mà còn cả gia đình.

Một người dân tộc H’mông đến từ vùng biên giới khó khăn mà có thể trở thành bác sĩ sẽ là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn cả bản mà Vàng Mí Pó  sinh sống, nên dẫu khó khăn, Pó sẽ quyết tâm thực hiện bằng được.

Hành trình trở thành sinh viên Y khoa của Vàng Mí Pó là cả một sự nỗ lực không nhỏ của em.

Ngày nghỉ, Pó chọn cách ở lại ký túc xá để học và tiết kiệm chi phí đi lại dù rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em
Ngày nghỉ, Pó chọn cách ở lại ký túc xá để học và tiết kiệm chi phí đi lại dù rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em

Từ bé, thấy bà con dân bản bị bệnh nhưng không khỏi, đường ra trạm xá, nơi có bác sĩ thì xa nên Pó bảo lúc đó em nghĩ mình sẽ phải học để trở thành bác sĩ để cứu đồng bào mình.

Bệnh tật, nghèo khó đã khiến những người H’mông vùng biên giới nơi Pó ở vất vả nhiều.

Cô học trò xứ Nghệ vươn lên từ nghèo khổ để học giỏi
Cô học trò xứ Nghệ vươn lên từ nghèo khổ để học giỏi

Ý thức được ước mơ, Pó quyết tâm học, học thật tốt, thậm chí Pó thường xuyên tham gia các đội tuyển thi học sinh giỏi của trường Phổ thông dân tộc nội trú – Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang.

Với Pó, tham gia những đội tuyển ấy, đạt giải không chỉ là mục tiêu chính mà chủ yếu Pó được tham gia, giao lưu với các bạn học giỏi khác để mình có thêm kiến thức trau dồi bản thân.

Bởi Pó biết, vào được ngành Y khó lắm, điểm phải thật cao.

Năm học 2017 – 2018, với số điểm tương đối cao, Pó tự tin đăng ký xét tuyển Đại học Y Dược Thái Bình.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, Pó thiếu mất 0,75 điểm.

Thất vọng, tiếc nuối…trong đầu Pó lúc đó có ý nghĩ bỏ cuộc.

Căn nhà mà Pó đã lớn lên, đèn sách và thực hiện ước mơ.
Căn nhà mà Pó đã lớn lên, đèn sách và thực hiện ước mơ.

Tuy nhiên, với nghị lực của một chàng trai đến từ vùng đất khó, Vàng Mí Pó quyết không bỏ cuộc.

Vàng Mí Pó tiếp tục ôn luyện tại trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Với tinh thần không quản ngại khó khăn năm học 2018 – 2019, chàng trai quê vùng cao biên giới xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang xuất sắc trúng tuyển vào Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa.

Thành tích học tập đáng nể là thế, nhưng con đường lập thân đáng mơ ước ở phía trước đang vấp phải sự cản trở bởi sự nghèo khó.

Nói về thời gian đầu nhập học, Pó thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn về môi trường mới cũng như kinh tế.

Vàng Mí Pó cho biết, trước khi lên đường, em được bố mẹ, các thầy cô giáo hỗ trợ một khoản để lo tiền học phí, thuê trọ và ăn, uống.

Thuộc diện vùng chính sách 135, Vàng Mí Pó được hỗ trợ 70% học phí.

Là hộ cận nghèo, nhưng gia đình em vẫn chưa lo được giấy tờ, con dấu nên số tiền học phí còn lại, cộng thêm tiền ăn uống và thuê trọ, Pó vẫn cứ phải chắt chiu từ số tiền ít ỏi mà người thân chu cấp.

Nhiều lần, Pó phải ôn bài, lên giảng đường với cái bụng trống rỗng. Tiền trọ phải khất lên, khất xuống, trình bày mới chủ nhà mới được giãn ra.

“Thời gian đầu nhập học, em thấy hơi lo lắng. Cứ nghĩ trong đầu là mình sẽ không trụ được.

Nhưng bố gọi lên động viên rằng cứ yên tâm, bố sẽ đi làm thêm để gửi tiền lên. Em đang tính sẽ đi kiếm việc làm thêm.

Bây giờ, em thấy rằng, nhiều bạn còn có hoàn cảnh éo le hơn mình mà họ vẫn học được, thì em tin mình cũng sẽ vượt qua thôi”, Vàng Mí Pó khẳng định quyết tâm.

Pó đang sống, học tập và đùm bọc của các bạn thế nhưng ước mơ của Pó đang thật khó khăn để thực hiện được.
Pó đang sống, học tập và đùm bọc của các bạn thế nhưng ước mơ của Pó đang thật khó khăn để thực hiện được.

Khi được hỏi về dự định tương lai, Pó cho biết sẽ cố gắng học tập tốt để đạt được những suất học bổng của nhà trường.

Học xong, em sẽ đăng ký thi và học lên cao nữa.

Khi nào giỏi sẽ trở về địa phương để chữa bệnh, chăm sóc cho bố mẹ, người thân và những hoàn cảnh nghèo khó như mình.

Những người đã từng tiếp xúc với Vàng Mí Pó đều chung một nhận định rằng, chàng trai người H’mông ấy chưa từng một ngày từ bỏ ước mơ, dẫu có khó khăn đến đâu.

Bởi khát vọng trong Vàng Mí Pó là trở thành một bác sĩ giỏi chuyên môn, chữa bệnh cho người nghèo bằng cái tâm thiện lương, trong sáng.                                                                                                                                       

Kim Sơn