Giáo viên phổ thông nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi là phù hợp?

30/10/2019 06:40
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Lúc đã ngoài 60 mươi rồi thì liệu giáo viên còn sức để giảng dạy cho học trò nữa không? Lúc ấy, không chỉ khổ cho mình mà còn khổ cho cả học trò nữa!

Thời gian qua, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục trước thông tin là những năm tới đây tuổi nghỉ hưu sẽ được tăng thêm một số năm nữa.

Thông qua những bài viết về chủ đề này, cũng như những phản hồi của bạn đọc, chúng ta thấy mọi người đều mong muốn tuổi hưu của nhà giáo không nên tăng thêm.

Bởi, tăng tuổi hưu đối với nhà giáo sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành giáo dục mà bản thân những giáo viên nếu nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới về hưu thì đa phần họ rất khó đảm nhận nổi công việc hàng ngày trên lớp.

Đa phần giáo viên khi lớn tuổi sẽ không còn sức hút đối với học trò (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Đa phần giáo viên khi lớn tuổi sẽ không còn sức hút đối với học trò

(Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Trong đội ngũ nhà giáo hiện nay thì lực lượng giáo viên đang công tác trong các nhà trường phổ thông chiếm số lượng áp đảo. Đây được xem là lực lượng chủ yếu của đội ngũ đang công tác trong ngành giáo dục hiện nay.

Vẫn biết rằng đội ngũ nhà giáo chiếm trên một nửa số người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nếu đội ngũ nhà giáo giữ mức tuổi hưu như hiện nay có phần sẽ làm tăng thêm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Nhưng, theo chúng tôi, việc không tăng tuổi hưu cho đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với giáo viên phổ thông và đội ngũ giáo viên mầm non thì nhà nước sẽ có nhiều cái lợi hơn.

Cái lợi thứ nhất là một giáo viên từ 50 tuổi trở lên đến tuổi hưu sẽ có tiền lương hàng tháng tương đương với 3 giáo viên trẻ đang hưởng lương bậc 1, thậm chí những thầy cô đến ngưỡng tuổi 60 có thể trả lương đủ cho gần 4 giáo viên trẻ mới ra trường.

Như vậy, tăng thêm tuổi hưu thêm 5 tuổi (đối với nữ), 2 tuổi (đối với nam) thì hàng năm nhà nước phải trả thêm một lượng tiền cực lớn. Số tiền ấy, dùng để làm trẻ hóa đội ngũ nhà giáo và đầu tư được nhiều cơ sở vật chất cho ngành giáo dục hoặc đầu tư cho các lĩnh vực khác.

Cái lợi thứ hai là nếu không tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ giảm thiểu tối đa về tỉ lệ sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp, đang phải dạy hợp đồng, làm công nhân hoặc làm trái ngành nghề được đào tạo.

Giáo viên phổ thông nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi là phù hợp? ảnh 2Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục

Hàng chục ngàn sinh viên viên sư phạm, trong đó có cả thủ khoa các trường đại học đang thất nghiệp là một sự lãng phí vô cùng lớn cho đất nước.

Trong khi, các em giáo viên trẻ vào nghề sẽ năng động hơn, khiến cho học sinh thích thú hơn mà lại giảm thiểu được tỉ lệ thất nghiệp.

Vì thế, áp lực quỹ bảo hiểm dù có tăng thêm một chút nhưng sẽ giảm thiểu được việc chi thường xuyên của Chính phủ. Mỗi năm, hàng ngàn giáo viên về hưu sẽ giảm được một số tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Nhà giáo về hưu tuổi bao nhiêu là phù hợp?

Theo dõi những bài viết về chủ đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải trong thời gian qua, chúng ta thấy rằng những bài viết về chủ đề này đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc.

Đa số những phản hồi từ bạn đọc cả nước đều mong muốn Quốc hội không tăng tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ nhà giáo.

Rõ ràng các bài viết vừa qua đã nêu lên thực trạng giáo viên lớn tuổi sẽ dần mất đi sự lanh lợi và đương nhiên sẽ giảm đi sự thích thú của học trò. Giáo viên càng lớn tuổi càng chậm chạp, khó tiếp cận với cái mới đó là điều không thể tránh khỏi và ai đến ngưỡng tuổi già cũng đều vậy cả thôi.

Hơn nữa, phần lớn đội ngũ nhà giáo hiện nay đều cảm nhận được sự vất vả đối nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Họ đều mong muốn được giữ tuổi hưu hiện nay bởi tăng lên năm nào là sợ thêm năm đó.

Nếu giữ được ngưỡng tuổi về hưu như hiện nay (nam 60, nữ 55) là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu nam về hưu lúc 55-58 tuổi, nữ 52-53 tuổi.

Giáo viên phổ thông nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi là phù hợp? ảnh 3Tuổi nghỉ hưu của giáo viên nữ sẽ là 60, nam là 62 không có ngoại lệ

Đến ngưỡng này nếu giáo viên nào cảm thấy đuối thì làm đơn xin nghỉ, nếu giáo viên nào còn sức khỏe, còn nhiệt huyết thì có thể ở lại đến cái ngưỡng nghỉ hưu chung của người lao động.

Thực tế, khi bước vào tuổi 55 thì giáo viên nữ đã có 33 năm công tác, giáo viên nam đến 60 tuổi thì đã có 38 năm công tác. Những giáo viên trước đây còn nhiều hơn năm công tác hơn do học hệ trung cấp, cao đẳng và một số hệ cấp tốc.

Chừng ấy năm cống hiến, cùng buồn vui với sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà có lẽ nghỉ hưu cũng đã là phù hợp.

Chúng ta cứ nhìn xung quanh mình, sẽ thấy không nhiều giáo viên về hưu được xum vầy với con cháu được lâu…Bệnh nghề nghiệp khiến cho nhà giáo có những nỗi buồn rất riêng mà nếu chú ý thì chúng ta sẽ thấy những chạnh buồn cho nghề giáo.

Hy vọng những người làm luật sẽ đồng cảm với tiếng lòng của hàng triệu giáo viên cả nước và không nên tăng thêm tuổi hưu với thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Nếu tăng, chỉ nên tăng đối với những nhà giáo có học hàm, học vị cao, đang công tác ở các trường đại học, học viện, hoặc các nhà quản lý giáo dục. Còn giáo viên, dù yêu nghề, nhớ nghề đến bao nhiêu cũng không mong tăng thêm tuổi hưu cho mình.  

Bởi, lúc đã ngoài 60 mươi rồi thì liệu giáo viên còn sức để giảng dạy cho học trò nữa không? Lúc ấy, không chỉ khổ cho mình mà còn khổ cho cả học trò nữa!

NGUYỄN NGUYÊN