“Biết rõ nước bẩn mà vẫn để dân ăn uống là tội ác”

03/11/2019 06:10
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, biết nước nhiễm bẩn mà Viwasupco vẫn cung cấp cho người dân ăn uống là tội ác.

Đến nay không ít người dân vẫn chưa hết lo ngại chất lượng nước sạch sông Đà sau vụ nước nhiễm dầu thải khiến đời sống của hàng ngàn người dân Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống bị đảo lộn, trong đó có nhiều trẻ nhỏ.

Đặc biệt, không ít phụ huynh cũng như nhiều trường học tại Hà Nội đã phần nào mất niềm tin vào chất lượng nước sạch nhà máy sông Đà nên đã dừng sử dụng nước này làm nguồn ăn uống cho học sinh hoặc phải mua thêm thiết bị lọc.  

Vụ việc nhà máy nước sạch sông Đà biết nước bẩn vẫn bán cho người dân vừa qua gây bức xúc dư luận một lần nữa nóng trên nghị trường Quốc hội.

Không ít Đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở và ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.

Có Đại biểu phải thốt lên, nhiều năm qua Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng.

Sẽ ra sao nếu nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm bởi loại hóa chất độc hại khác?
Sẽ ra sao nếu nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm bởi loại hóa chất độc hại khác?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (chuyên gia trong lĩnh vực vật lý, hoá học) bày tỏ sự thất vọng trước cách làm của Viwasupco, khi mà biết nước nhiễm bẩn vẫn cung cấp cho người dân (nội dung này đã được lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói rõ tại giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 15/10).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải thẳng thắn cho rằng: “Bán nước bẩn cho người dân là lừa dối, coi thường sức khỏe, tính mạng người dân. Đến khi bị phát hiện và trước sự phê phán mạnh mẽ từ dư luận thì lại ra thông cáo báo chí nói là miễn phí 1 tháng tiền nước.

Đối với một nhà máy cung cấp nước sạch bán cho người dân để ăn uống, sinh hoạt thì yêu cầu nguồn nước đầu vào rất quan trọng. Không thể tin được nhiều năm qua nhà máy nước sông Đà sử dụng nguồn nước đầu vào tạp phế lù như thế.

Nguồn nước đầu vào đó không phải nước lấy từ sông Đà. Họ lấy nước từ một cái đầm mà không ai dám chắc có thật sự an toàn không khi mà xung quanh vẫn có nước thải xâm lấn.

Cái đầm nhà máy nước sông Đà lấy có thể do nước từ sông suối, mương máng, nước thải nhà dân, thậm chí nước thải của chính nhà máy này xả ra… cũng đã được các Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cảnh báo.

Vụ việc đổ dầu thải vừa rồi chỉ là một phần sự thật, còn bao nhiêu năm nay nguồn nước đầu vào này có chất độc, chất thải nào không cũng cần phải nhanh chóng làm rõ”.

Vị chuyên gia này cũng thông tin, nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay Nga, họ sử dụng nguồn nước đầu vào nhà máy nước rất sạch. Họ dẫn bằng đường ống kín nước trên núi về nhà máy xử lý hay khu vực rộng lớn chứa nước đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi Nhà máy nước sông Đà lấy nước lộ thiên, không phải đường ống kín.

“Họ làm nghiêm ngặt như vậy mới đảm bảo nguồn nước đầu vào cho nhà máy an toàn, ít tạp chất. Còn nhà máy nước sông Đà lại lấy nước từ một cái đầm. Cái đầm này ai muốn làm gì thì làm, xả gì thì xả như vụ đổ trộm dầu thải là một ví dụ. Ngoài dầu thải không biết còn có gì khác nữa không?”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, các chỉ số xét nghiệm công bố nước sạch sông Đà vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng người dân vẫn lo lắng vì nguồn nước đầu vào chưa đảm bảo thật sự an toàn. Ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, các chỉ số xét nghiệm công bố nước sạch sông Đà vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng người dân vẫn lo lắng vì nguồn nước đầu vào chưa đảm bảo thật sự an toàn. Ảnh: NVCC. 

Là một nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khuyến cáo: “Với nguồn nước đầu vào không thể chấp nhận được như vậy sẽ rất khó có thể có loại máy nào lọc hết được các chất độc trong đó.

Người dân vẫn bỏ tiền mua loại nước được quảng cáo sạch để sinh hoạt vì hiện họ không có lựa chọn nào khác. Nhưng bây giờ người dân đã hiểu biết hơn nhất là sau vụ việc này nên họ đã mua nước sạch từ nguồn khác để ăn uống. Sử dụng nước bẩn lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng”.

Có ý kiến đặt ra, phải chăng công nghệ xử lý nước của nhà máy nước sông Đà đã lạc hậu, hay đã bị cắt bớt quy trình, giai đoạn, vì thế mà dầu thải mới lọt qua?

Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhận định: “Khó có một loại máy móc, thiết bị nào xử lý hết được các chất độc hại, đặc biệt nguồn nước đầu vào tạp phế lù như vậy.

Nước mỗi vùng có các chỉ số khác nhau, bởi vậy khi xử lý nước phải đo xem chất nào nhiều hơn để có phương án xử lý tốt nhất, đảm bảo sạch thật sự khi bán cho dân.

Hơn nữa, khi nguồn nước đầu vào bẩn phải có hệ thống cảnh báo. Ví dụ như hôm nước đầu nguồn có nhiều dầu, hay nhiều chất thải động vật thì phải có cảnh báo”.

Nhiều chuyên gia lo ngại nước đầu nguồn dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà có nhiều tạp chất độc hại không được xử lý triệt để vô cùng nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Tiền Phong.
Nhiều chuyên gia lo ngại nước đầu nguồn dẫn vào nhà máy nước sạch sông Đà có nhiều tạp chất độc hại không được xử lý triệt để vô cùng nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Tiền Phong. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đề nghị làm rõ: “Nhà máy nước Sông Đà được xây dựng, thiết kế, quy trình công nghệ, máy móc xử lý ra sao, những ai trong hội đồng thẩm định cần phải nêu rõ, công khai

Viwasupco cần phải công bố các giai đoạn có những máy nào, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của máy đó ra sao, dùng hóa chất gì, sản phẩm đầu ra kết quả như thế nào.

Phải làm được như vậy, công bố công khai để người dân, các chuyên gia, nhà khoa học giám sát. Còn như hiện nay thông tin về nhà máy nước sông Đà xử lý nước như thế nào rất mù mờ.

Hơn nữa, khi xảy ra sự cố để biện minh, lấp liếm nước bẩn bán cho dân, anh đo một vài chỉ số không cần thiết và vô nghĩa. Phải đo liên tục tổng thể tất cả các chỉ số, đặc biệt là Thuỷ ngân, Amoni, Chì, Mangan, Seleni, Xyanua, Cadmi (Cd)... hay các nhóm hữu cơ phức tạp như Acrylamide, Epiclohydrin, Hexacloro butadien.

Nếu đo vài chỉ số thông thường thì không thể đảm bảo an toàn”.

Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu đãi bôi là xong?
Cho dân ăn nước bẩn, xin lỗi kiểu đãi bôi là xong?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng đặt vấn đề, vừa qua nhiều khu chung cư, nhà dân Hà Nội khi thau, rửa bể thấy dưới đáy bể có bùn đen, bùn đỏ, dầu nhớt, mùi nồng nặc… Liệu đó có phải do sự pha trộn của rất nhiều tạp chất từ nguồn nước sông Đà bán cho dân không? Vấn đề này cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, tường minh vì đây là vấn đề sức khoẻ của hàng vạn dân.

“Biết rõ nước bẩn mà vẫn để cho dân ăn uống là tội ác. Thật không thể chấp nhận được!

Từ vụ việc này, Hà Nội cần phải nhanh chóng kiểm tra lại quy trình khai thác nước của tất cả các nhà máy khác, không đảm bảo an toàn thì phải dừng ngay và tính tới nguồn thay thế, ngăn chặn và xử lý dứt điểm những đơn vị đạo đức yếu kém, thu tiền thật mà lại bơm nước bẩn cho dân”, Tiến sĩ Khải nêu.

Đối với vụ việc nước nhiễm dầu thải, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, nhà máy nước sông Đà phải chịu trách nhiệm trước sức khỏe của người dân. Nếu đủ căn cứ, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm hình sự, chứ không thể xin lỗi là xong.

Vũ Phương