Hội đồng trường bầu “theo quy hoạch” của cơ quan chủ quản, còn gì quyền tự chủ?

03/11/2019 07:03
Tùng Dương
(GDVN) - Đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì cơ quan chủ quản nói: Thủ tục quy trình quy hoạch là chúng tôi, Hội đồng trường chỉ bầu theo quy hoạch của chúng tôi.

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ Đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Video: Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ quan điểm của thầy về vấn đề này.

Giáo sư Lê Vinh Danh, góp ý:

"Theo tôi, trong bản Dự thảo này cần phải được giải thích thì các trường mới làm được.Với Luật 34 này thì người ta định nghĩa:

Điều 1, mục số 2 trang 2: (Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu…

Nhưng điều quan trọng nhất là phải giải thích như thế nào để người khác thực thi những quyền đó, đây là chỗ mà Dự thảo không giải thích. Đó là tiểu mục số 11, điều 1 mục 2.

Mục 4 của điều 1 là sửa đổi bổ sung điều 7, thì trong đó vẫn giữ nguyên câu này: Cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu.

Những con số thiếu cơ sở khoa học trong 1 Dự thảo Nghị định

Vậy cơ sở giáo dục đại học công lập được nhà nước đầu tư, mà không có giải thích thêm là đầu tư cái gì, là đầu tư tài sản trước đây 40 -50 năm? Vậy còn bây giờ, sắp tới đây nếu có đầu tư nữa theo dự án, theo chương trình…để cho khớp với phần Luật phía sau.

Nhưng ở đây không giải thích, lẽ ra Dự thảo này phải giải thích để người đọc hiểu được đầu tư đó là đầu tư đã có rồi, do vậy nhà nước tiếp tục nắm quyền sở hữu là đúng.

Còn việc đầu tư từ nay về sau thì sẽ áp dụng những điều phía dưới, nghĩa là là do đấu thầu, đấu giá, thực hiện các nhiệm vụ mà nhà nước đặt hàng…còn không giải thích thì người ta lại nghĩ rằng: Cứ cơ sở giáo dục đại học công lập là phải được nhà nước đầu tư, và người ta sẽ kêu nhà nước đầu tư tiếp, như vậy thì còn gì là tự chủ.

Luật có thể viết như vậy, nhưng Dự thảo phải giải thích rõ, nhưng ở đây không có giải thích.

Dự thảo Nghị định nếu không sửa sẽ bó các trường đại học ghê gớm

Điều 12: (chính sách nhà nước về phát triển Giáo dục Đại học sửa đổi).

Nhà nước ưu tiên đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, nhà nước ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác, nhưng thử hỏi ưu tiên là ưu tiên cái gì? Việc này phải mô tả, và ở đâu mô tả? Phải là Dự thảo này mô tả, nhưng ở đây lại không có mô tả.

Vậy các cơ quan như Cục Thuế, Sở Tài chính…người ta đâu có biết rằng anh quy định ưu đãi cái gì? Như vậy họ cứ việc áp theo những ưu đãi hiện hành thôi, chính vì vậy câu này không khác gì một câu khẩu hiệu, và thực chất các trường không có ưu đãi gì hết.

Điểm thứ 4: Chúng ta nói có chính sách ưu đãi đối với tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào giáo dục, khoa học công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học, có chính sách miễn giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.

Đáng lẽ chỗ này cũng cần phải giải thích rằng ưu đãi về thuế là như thế nào, nhưng không hề có giải thích. Vậy ưu đãi này chờ đến bao giờ?

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục Đại học vừa thừa vừa thiếu

Những điều này không có tính ràng buộc với những văn bản kế tiếp, chính vì thế các cơ quan có trách nhiệm phải nhắc lại, giải thích, nếu không thì coi như không có ưu đãi gì hết.

Điểm 6: Khuyến khích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm với khu vực và thế giới. Luật viết vậy thì được, nhưng ở đây nên giải thích cụ thể là khuyến khích cái gì?

Mục 10: (Hội đồng trường), người ta quy đinh thế này: Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trường trường đại học, hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học.

Như vậy đối với hiệu trưởng, quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền, vậy quy trình và thủ tục thì ai làm? Đó là việc mấu chốt và phải giải thích chỗ này, quyền quyết định nhân sự của Hội đồng trường chỉ được thực thi khi và chỉ khi việc lựa chọn nhân sự cũng do Hội đồng trường lựa chọn.

Bầu và đề xuất công nhận cũng do Hội đồng trường, nhưng Hội đồng trường muốn làm việc đó thì phải lo quy hoạch nguồn, Hội đồng trường phải lo thủ tục quy trình thì đó mới là quyền quyết định nhân sự.

Nhưng ở đây không nói, không giải thích thì cơ quan chủ quản sẽ làm y như đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay.

Đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì cơ quan chủ quản nói: Thủ tục quy trình quy hoạch là chúng tôi, Hội đồng trường chỉ bầu theo quy hoạch của chúng tôi.

Vì ở đây có điều khoản “mờ” và có khoản “mờ” thì dứt khoát có lạm dụng và không thể có quyền tự chủ nữa nếu như bầu theo quy hoạch."

Tùng Dương