Phụ huynh hãy dừng lại trước cổng trường...

14/11/2019 06:07
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Tốt nhất là phụ huynh chỉ nên dừng lại ở trước cổng trường, phía sau cổng trường là chuyện của nhà trường và thầy cô giáo.

Trong quá trình dạy học, chúng tôi đã gặp và chứng kiến một số phụ huynh quan tâm quá thái đến con mình khi các em đã bước vào trong cổng trường.

Sự theo sát con cũng là điều rất cần thiết nhưng phụ huynh cũng cần phải buông tay con mình ra, không nên cứ nắm tay con mình trong mọi hoàn cảnh.

Phía sau cổng trường đó là công việc của nhà trường, của thầy cô giáo.

Nhà trường và các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy sẽ biết cách để làm sao cho học sinh trong trường, trong lớp học của mình được đối xử một cách bình đẳng nhất.

Thầy cô sẽ biết cách sắp xếp, đổi chỗ cho học sinh ngồi hợp lý và công bằng. (Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn)

Thầy cô sẽ biết cách sắp xếp, đổi chỗ cho học sinh ngồi hợp lý và công bằng. (Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn)

Dù chúng tôi cũng biết rằng có những thầy cô đối xử với học trò của mình chưa công bằng, đánh giá học trò của mình chưa khách quan nhưng phải nói rằng số những thầy cô như vậy rất hiếm. Nếu có, nó chỉ rơi vào những trường hợp thầy cô có tổ chức dạy thêm ở nhà mà thôi.

Trong khi, học sinh ở quê cấp Tiểu học và Trung học cơ sở rất hiếm học thêm, nếu có cũng chỉ là mấy môn thi tuyển sinh10 vào dịp cuối cấp.

Những học sinh ở thành phố cũng chỉ có mấy môn được xem là môn chính là học thêm mà thôi.

Số nhiều các môn còn lại giáo viên không dạy thêm và học sinh cũng không có nhu cầu học thêm.

Vì vậy, phụ huynh cũng đừng nên can thiệp vào chuyện gặp gỡ thầy cô trong Ban giám hiệu để được xếp con mình vào những lớp chọn, những lớp có thầy cô có tiếng, con mình được ngồi ở những vị trí thuận tiện nhất trong lớp học.

Nếu phụ huynh nào cũng muốn con mình vào những lớp chọn thì học sinh nào vào những lớp đại trà?

Nếu phụ huynh nào cũng xin cho con mình được ngồi ở các dãy bàn đầu mà ngồi chính giữa bảng ghi thì học sinh nào ngồi sau, học sinh nào ngồi trong góc?

Đừng phán xét thầy cô về chuyện cho điểm học trò

Nói gì thì nói, thầy cô đánh giá kết quả học tập của trò phải căn cứ trên giấy trắng, mực đen. Điểm cao, điểm thấp được thể hiện trên bài kiểm tra của học trò chứ không có một cách nào khác được.

Thực tế, có nhiều học sinh học trên lớp thường xuyên phát biểu xây dựng bài, thường sôi nổi trong thảo luận nhóm nhưng khi làm bài kiểm tra thì bài làm lại không tốt.

Trong khi đó, có nhiều em học rất trầm, ít phát biểu bài nhưng khi làm bài kiểm tra lại thường rất tốt.

Tất nhiên, thầy cô phải chấm đúng theo những nội dung mà học sinh đã thể hiện trong bài kiểm tra của mình chứ không thể bẻ cong ngòi bút được.

Nhưng, nhiều phụ huynh lại không hiểu điều đó, cho rằng thầy cô đánh giá không công bằng, suy luận nhiều điều chủ quan và gán ghép cho thầy cô nhiều chuyện không hay.

Vẫn biết, cũng có những thầy cô chưa khách quan trong việc kiểm tra trên lớp như chuyện em nào học thêm thì thường gợi ý hoặc ra các dạng bài tập tương tự như bài kiểm tra nhằm những em học thêm có lợi.

Nhưng, như phần trên chúng tôi đã trình bày, việc học thêm hiện nay chủ yếu chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, ở những môn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp và thường là đối với những học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và học sinh  cấp Trung học phổ thông.

Phần lớn học sinh bây giờ vẫn không học thêm và phần lớn các môn giáo viên không dạy thêm. Vậy thì giáo viên có gì đâu mà phải yêu, phải ghét học trò nào. Việc đánh giá khách quan là điều mà thầy cô nào cũng hướng tới và tất nhiên chuyện chấm điểm không có chuyện “bên trọng, bên khinh”.

Trước những phản ánh của con mình rằng con học tốt hơn bạn mà điểm tổng kết thấp hơn, phụ huynh cũng cần có những định hướng cần thiết cho con mình, không nên nói thầy cô như thế này, thế khác, không nên có những lời bàn tán với nhiều phụ huynh khác về thầy cô khi mà thông tin chưa được kiểm chứng rõ ràng.

Làm như vậy, không chỉ gieo cho con sự đố kị mà đánh giá về thầy cô của con mình chưa thực sự chuẩn xác.

Đừng can thiệp chuyện xếp chỗ ngồi của con trong lớp

Chuyện xếp chỗ ngồi cho học trò bao giờ cũng gặp những rắc rối khi phụ huynh can thiệp vào, nhất là đối với học sinh tiểu học. Nhiều phụ huynh ngay từ những ngày đầu năm học là đem con mình vào lớp rồi ấn vào một cái bàn thuận lợi nhất để con mình ngồi.

Khi thầy cô xếp lại chỗ ngồi thì phụ huynh có những lời lẽ khó nghe, cho rằng thầy cô ác ý với con mình.

Phụ huynh hãy dừng lại trước cổng trường... ảnh 3
Những thầy, cô ở lớp học đặc biệt

Tuy nhiên, một thực tế rất rõ là mỗi phòng học thường bố trí từ 20-24 bàn, mỗi dãy có 5-6 bàn học. Nếu học sinh nào cũng muốn ngồi vào bàn thứ nhất, thứ hai thì em nào ngồi ở bàn thứ năm, thứ sáu?

Trong khi đó, dù học sinh cùng tuổi với nhau nhưng có những em cao, to, có những em thấp, bé, có những em mắt bình thường, lại có những em bị cận thị nặng. Chẳng lẽ thầy cô lại để các em nhỏ bé, những em cận thị ngồi sau còn những em to lớn ngồi phía trước?

Chính vì vậy, thông thường những em cận thị, những em nhỏ nhất lớp hay được thầy cô xếp ngồi ở các bàn đầu. Nếu em nào cận thị mà cao lớn thì ngồi những bàn đầu nhưng ngồi sát tường để các em thuận tiện nhìn lên bảng mà các em phía sau dễ dàng học tập.

Những em còn lại phát triển bình thường, mắt mũi bình thường thì thường xếp ngồi ở phía sau. Mỗi lớp có 4 tổ, liên tục được giáo viên chủ nhiệm đổi vị trí theo tuần, theo tháng. Những dãy ngồi sát vách tường ngồi tuần này thì tuần sau vào ngồi ở giữa và ngược lại.

Những em ngồi phía sau thì đổi lên ngồi trước, các em ngồi trước sẽ được đổi ngồi phía sau. Như vậy, học sinh của lớp luôn được đổi chỗ một cách công bằng và tất nhiên giáo viên không thiên vị trong việc này.

Vì vậy, phụ huynh cũng đừng quá can thiệp và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm luôn ưu tiên để con mình ngồi phía trên nếu con mình phát triển về thể trạng bình thường. Thầy cô biết cách để học sinh trong lớp mình được đối xử công bằng nhất, nhân văn nhất.

Phụ huynh quan tâm đến con mình khi đi học là điều mà nhà trường, thầy cô giáo luôn mong muốn để học trò mình tốt hơn.

Nhưng, sự quan tâm phải dựa trên cơ sở công bằng trong tổng thể từng lớp học, chứ không nên quan tâm một cách chỉ biết có con mình. Tốt nhất là phụ huynh chỉ nên dừng lại ở trước cổng trường, phía sau cổng trường là chuyện của nhà trường và thầy cô giáo.

NGUYỄN NGUYÊN