Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng

13/11/2019 06:25
Cao Nguyên
(GDVN) - Những tiết thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam mang lại hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu, thế nhưng cả thầy và trò thì rất vất vả, mệt mỏi.

Thao giảng là công việc bắt buộc mà giáo viên phải thực hiện hàng năm nhằm nâng cao tay nghề cho bản thân, đồng thời tổ chuyên môn cũng chia sẻ được nhiều kinh nghiệm dạy học.

Qua những tiết thao giảng, người quản lí chuyên môn cũng có thêm minh chứng để làm cơ sở phân công giáo viên giảng dạy theo từng khối lớp cho phù hợp và đánh giá thi đua, xếp loại thực chất.

Thế nhưng, đến hẹn lại lên, tháng 11 hàng năm thầy trò lại mệt nhoài bởi những tiết thao giảng trường, thao giảng cụm nhằm lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Khi được tổ trưởng chuyên môn phân công nhiệm vụ, giáo viên dạy thao giảng phải chọn bài lên giáo án, chọn lớp dạy thử sao cho trọn vẹn nhất.

Công đoạn này có khi phải mất cả tháng chuẩn bị nếu dạy học theo dự án, tích hợp liên môn, …

Kinh phí dạy học cũng khiến giáo viên đau đầu nếu dạy học theo dự án hay tích hợp liên môn...

Khi nhà trường không có kinh phí hỗ trợ thì giáo viên cũng chỉ còn cách nhờ tổ chia sẻ hoặc kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm.

Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)
Tháng 11, thầy cô mệt nhoài với thao giảng (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)

Có thể nói rằng, suốt thời gian này giáo viên thực hiện nhiệm vụ thường ăn không ngon, ngủ không yên bởi lúc nào cũng nơm nớp lo lắng cho tiết dạy sắp đến.

Không lo sao được khi tiết dạy của mình có hàng chục giáo viên đến dự. Điều đáng lo sợ hơn là lúc góp ý, chia sẻ kinh nghiệm thì “chín người mười ý”, không biết đâu mà lần.

Nhiều giáo viên lớn tuổi, khó tính thường bắt bẻ đủ điều vì họ (có thể) chưa kịp thích ứng với phương pháp mới, thì người được góp ý có khi cũng chỉ biết im lặng vì tôn trọng, nể nang.

Một số giáo viên trẻ mới ra trường cũng có dịp đưa ra hết pháp này, đến phương pháp khác khiến người nghe rối bời.

Và thường đồng nghiệp có góp ý thế nào đi nữa, cuối cùng gần như giáo viên dạy thao giảng cũng được xếp loại khá, giỏi bởi tâm lí động viên, khích lệ.

Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh
Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh

Hơn nữa, giờ dạy đã được thầy trò chuẩn bị chu đáo đến thế thì khó lòng không thành công tốt đẹp.

Giờ thao giảng đã biến thầy và trò thành những diễn viên chuyên nghiệp, thế nhưng, đến hẹn lại lên, giáo viên cũng chỉ biết âm thầm thực hiện theo chỉ đạo.

Sau tiết thao giảng, có thầy cô xem như mình đã xong nghĩa vụ và có khi việc dạy học trên lớp cũng không được đầu tư nghiêm túc. 

Thực tế, người quản lí cũng chỉ giám sát được 1-2 tiết thao giảng mà thôi. Những tiết dạy khác như thế nào, chỉ có thầy trò mới rõ.

Và thế là, việc dạy thao giảng đôi lúc cũng chỉ dừng lại ở phong trào, còn chuyện nâng cao chất lượng chuyên môn thì tùy thuộc vào sự thay đổi chính bản thân của mỗi giáo viên mà thôi.

Ngoài ra, giáo viên đi dự giờ thao giảng cũng chẳng mấy hứng thú nhưng không thể thoái thác vì đó là nhiệm vụ chuyên môn. 

Điều đáng sợ nhất là giáo viên được cử đi dự giờ thao giảng cụm. Trường bạn ở cách xa chỗ mình có khi đến vài chục cây số, cho nên việc di chuyển cũng không phải dễ dàng, nhất là giáo viên lớn tuổi, giáo viên nữ.

Thiết nghĩ, để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, người thầy phải tự học, học từ sách vở, học từ đồng nghiệp...

Thay vì phải ồ ạt thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo hãy giúp thầy cô biến tất cả những tiết dạy thành tiết “thao giảng” để nâng cao chất lượng, tạo hứng thú cho học sinh.

Người thầy giỏi là phải biết dạy cho nhiều đối tượng học sinh, để giúp các em từ học lực yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá giỏi.

Người thầy giỏi không chỉ được đánh giá qua những tiết thao giảng mà còn có sự đánh giá từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và dư luận xã hội.

Cao Nguyên