Người đưa tôi đến với tình yêu văn chương, với nghề dạy học

20/11/2019 06:16
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Mỗi năm, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi thường nhớ nhiều hơn về những người đã từng nâng bước mình trưởng thành.

Bố tôi mất khá sớm từ khi tôi chưa đến tuổi cắp sách đến trường. Cuộc sống của những năm tháng đất nước mới giải phóng còn nhiều khó khăn nên mẹ tôi đưa anh em chúng tôi về sống chung với ông bà ngoại.

Vì thế, tuổi thơ của chúng tôi quen với ông bà ngoại và những cậu, dì của mình. Mẹ tôi ngày ấy luôn tất bật với ruộng đồng, khi hết làm đồng lại buôn bán ngược xuôi để kiếm tiền nuôi anh em chúng tôi ăn học.

Những năm 80 của thế kỷ trước đất nước còn nghèo và gia đình tôi cũng không tránh khỏi cái khó khăn chung lúc bấy giờ. Thế nhưng, cái nghèo về vật chất đó đã bị lấn át bởi tình yêu thương của ông bà ngoại dành cho chúng tôi quá nhiều.

Đặc biệt là ông ngoại tôi- một thầy giáo của phong trào Bình dân học vụ  năm nào luôn giữ trong mình một cốt cách thanh cao, giản dị và cực kỳ yêu thích văn chương đã kéo tôi đến với văn chương lúc nào không hay.

Những khi màn đêm buông xuống, bên chiếc quạt mo cau phe phẩy của mùa hè là những câu chuyện dân gian, những câu có ca dao, tục ngữ được ông kể, đọc cho nghe rất nhiều.

Tôi đã lớn đến bằng sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có tình yêu thương vô bờ của gia đình ngoại.

Lớn lên, lúc cắp sách đến trường và biết chữ, biết đọc thì tôi lại được tiếp cận với rất nhiều cuốn sách trong tủ sách của ông ngoại. Sách của ông ngoại tôi thời đó không phải là những truyện tranh được minh họa bằng những hình ảnh và giấy đẹp như bây giờ.

Người đưa tôi đến với tình yêu văn chương, với nghề dạy học ảnh 2Thầy Long của chúng tôi

Những quyển sách chỉ có chữ và chữ được in dày cộp nhưng đều là những tác phẩm văn học kinh điển, những tác phẩm nói về đạo lý hay những tấm gương sáng thời xưa.

Lúc đó, nhà cũng chẳng có đài, chẳng có ti vi, điện thoại như bây giờ. Ở trường cũng chỉ dạy chính khóa chứ không có dạy thêm. Vì thế, sau mỗi giờ học thì tôi lại cắm cúi và những cuốn sách, đọc đi, đọc lại nhiều lần mà không thấy chán.

Chính vì thế mà nhiều bài thơ, nhiều đoạn văn hay không chỉ nắm được ý mà tôi còn thuộc làu làu cho đến tận bây giờ.

Thỉnh thoảng, ông có đi chợ huyện mua được tờ báo Tiền phong hay mượn của ai đó được cuốn sách, tờ báo nào mới là cả 2 ông cháu đều thay nhau đọc. Tình yêu văn chương cứ thế lớn dần trong tôi lúc nào không hay.

Lớn lên, tôi xung phong vào bộ đội, đến năm thứ 2 thì nhận được tin ông ngoại tôi mất qua điện báo của gia đình. Dù thương nhớ, hẫng hụt nhưng tôi không về được bởi môi trường quân đội khó khăn mà đơn vị lại đóng quân xa nhà đến mấy trăm cây số.

Tôi chỉ biết gửi nhớ thương trong âm thầm cho người ông của mình bằng một lời thầm hứa sẽ sống tốt, sống có ích đời.

Rời quân ngũ, tôi quay lại học tập, ôn luyện và thi đỗ vào khoa Ngữ văn của một trường đại học để tiếp tục nuôi dưỡng những sự đam mê, yêu thích của mình.

Ngày tiễn tôi lên đường, bà ngoại tôi cầm tay tôi rưng rưng và nói: “Giá như ông ngoại còn sống thì ông sẽ mừng lắm, ráng học hành cho tốt nghe con”. Nghe ngoại nói, lòng tôi cũng rưng rưng theo và nghĩ về người ông của mình đã khuất.

Người đưa tôi đến với tình yêu văn chương, với nghề dạy học ảnh 3Cái đấm cửa của Phùng

Sau 4 năm đại học, tôi ra trường và rồi đi dạy học như bao nhiêu những bạn bè khác. Mỗi năm, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi thường nhớ nhiều hơn về những người đã từng nâng bước mình trưởng thành.

Không chỉ là những người thầy, người cô mà có những người thân yêu của mình nữa. Và, ông tôi- người không được tôi gọi là thầy nhưng lại chính là người thầy đầu tiên cầm tay tôi uốn nắn từng nét chữ đầu đời.

Ông đã chuẩn bị cho tôi đến với tình yêu văn chương, với nghề dạy học bằng tủ sách cá nhân của mình. Ông đã đưa cho tôi những cuốn sách, những tờ báo cũ mèm cho để tôi say sưa đọc từ lúc thiếu thời.

Ngày Nhà giáo năm nay, tôi lại nhớ về ông của mình- một người đã khuất mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi.

Và, tôi tin, ở một nơi đâu đó rất xa, ông tôi vẫn dõi theo tôi từng ngày như những ngày đầu gia đình tôi về sống cùng với ngoại…

KHÁNH VĂN