Ngân sách không thể ôm hết, cần phát triển giáo dục tư thục

18/11/2019 05:45
Tùng Dương
(GDVN) - Hà Nội và các tỉnh dành ra những khu đất to và đẹp cho giáo dục, nhưng người làm giáo dục có vào được thì cũng phải qua 3 - 4 cầu chứ không thể vào trực tiếp.

Phát biểu tại buổi Hội thảo “Công bằng, bình đẳng về thuế giữa các loại hình cơ sở Giáo dục” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 14/11, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ quan điểm:

"Tôi thấy vấn đề về thuế và sự chênh lệch giữa trường công và trường tư, vậy thì có mấy vấn đề như sau. Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đã nói rất rõ và đã đưa ra những nguyên tắc để bình đẳng, tôi cho là rất hợp lý.

Trên danh nghĩa của một doanh nghiệp thì tôi thấy ở trong câu chuyện này nó có nhiều bất cập, và đây là những kẽ hở, chính kẽ hở này nó tạo ra nhưng điều không công bằng trong sự phát triển chung của xã hội, và đây chính là rào cản.

Chính những sự không công bằng đó là rào cản rất lớn, làm cho nghành giáo dục phát triển không đồng bộ. Một quốc gia phát triển thì người ta đầu tư cho giáo dục rất nhiều, bởi vì họ hiểu được giáo dục là vấn đề quan trọng, giáo dục là cốt lõi của một con người, sự phát triển của một quốc gia.

Muốn giáo dục phát triển một cách bình đẳng, thì buộc phải có một chính sách từ vĩ mô đến vi mô.

Tôi thấy giáo viên công lập và giáo viên tư thục hiện nay đang có sự khác nhau về bình đẳng, giáo viên tư thục có được hưởng nhà giáo ưu tú không? Hay là họ xuất phát từ ban đầu đã có danh hiệu rồi mới ra làm trường tư thục?."

Video: Ngân sách không thể ôm hết, cần phát triển hệ thống giáo dục tư thục.

"Tất cả những câu chuyện này hiện nay rất là bức xúc và nhiều bất cập, kể cả chuyện đất đai cũng vậy. Đất đai của Hà Nội hiện nay rõ ràng có hơn 100 địa điểm dành cho xây trường học, nhưng 90% là không có một trường nào tiếp cận được, họ đều phải mua lại qua doanh nghiệp.

Biến tấu của đất xây trường hiện nay thì nhiều nơi đã trở thành khu đô thị, khu dịch vụ, đây là vấn đề quản lý nhà nước.

Chúng ta đã tự tạo ra một sự bất bình đẳng, trong đó có cả những trường đang từ công lập chuyển sang tự chủ về tài chính, nó tạo ra sự bất công mặc dù mục đích là đúng.

Mục đích của chúng ta là đẩy ra tự chủ vì kinh tế không kham được, nhưng khi đẩy ra một khối tài sản và chúng ta đang bất bình đẳng giữa một ông bỏ ra 100% tiền bạc để đầu tư và một ông không bỏ ra đồng nào.

Vậy thì đây là câu chuyện mà hôm nay chúng ta chỉ bàn ngắn như vậy thôi, và tôi thấy việc đó cần phải giải quyết cho bình đẳng để tạo ra một nền tảng phát triển công bằng cho xã hội.

Việc thứ 2 là ưu tiên đối với chính sách của nhà nước, tôi thấy nhà nước ưu tiên chưa tới nơi tới trốn, đối với giáo dục tôi thấy cần phải ưu tiên nhiều hơn nữa.

Hà Nội và các tỉnh dành ra những khu đất to và đẹp cho giáo dục nhưng cuối cùng lại không phải là giáo dục, mà người làm giáo dục chẳng may có vào được thì cũng phải qua 3 - 4 cầu chứ không thể trực tiếp được, số đó ít lắm.

Các trường tư thục đã tự lo hết, chỉ cần cơ chế thông thoáng

Ý kiến thầy Võ Thế Quân về điều kiện hưởng ưu đãi thuế đối với trường tư thục

Mà doanh nghiệp thì chủ tịch jội đồng quản trị là ai? Là những nhà doanh nghiệp có tiền, chứ không phải là nhà giáo.

Điều đó cũng không sai vì về nguyên tắc kinh tế là đúng, nhưng quản lý nhà nước ở đây không phải là quản lý về phát triển của doanh nghiệp, mà phải là phát triển về giáo dục.

Vậy nên chúng ta phải có chính sách riêng cho nó, từ đất đai cho đến các loại thuế nó phải được bình đẳng, hết sức bình đẳng.

Còn về giáo dục thì tôi cho rằng là một trong những cái mà nhà nước phải quan tâm nhất, đầu tư cơ sở và dành cho giáo dục một khoản rất lớn để phát triển bình đẳng.

Một năm Hà Nội dành cho giáo dục khoảng 20 nghìn tỷ đồng mà còn chưa đâu vào đâu, vậy thì nhu cầu xã hội rất cần phát triển giáo dục để phục vụ đất nước, và đây là mô hình không thể khác được, chính vì vậy nên chúng ta phải cho phát triển trường tư."

Ngày 14/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công bằng, bình đẳng về thuế giữa các loại hình cơ sở Giáo dục”.

Tới dự hội thảo có ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12 - 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - thành viên Hội đồng quản trị Trường tiểu học và Trung học Everest, Hà Nội.

Tùng Dương