Vụ nổ khí gas: Ngay lúc này, chị Ngân cần được hỗ trợ tâm lý

08/11/2011 06:19
Tuệ Minh
(GDVN) - "Vụ nổ là do nhiều yếu tố cộng lại. Nếu chúng ta giải thích cho chị Ngân hiểu như vậy, chị ấy sẽ cảm thấy đỡ bức xúc, lo lắng hơn…".
Vụ nổ xảy ra vào khoảng 6h30 sáng nay, 3/11 tại ngõ 22/30 phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã khiến 2 người chết và 2 người nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng. 
Đến nay, vụ nổ khí gas ấy đã xảy ra được 5 ngày nhưng nỗi đau còn lạ như vẫn còn nguyên. Tuy nỗi đau về thể xác  mà anh Minh và chị Ngân đang phải chịu thật lớn nhưng nỗi đau về tinh thần còn lớn hơn thế nhiều: Nhà cửa tan nát không còn gì, hai con đều không còn.

Chị Ngân và anh Minh vẫn chưa hề biết hai con mình không còn...
Chị Ngân và anh Minh vẫn chưa hề biết hai con mình không còn...

Hiện, hai vợ chồng anh Minh tạm thời đã qua cơn nguy kịch và đang trong giai đoạn sốc bỏng. Chị Ngân đã có thể ăn cháo và nói chuyện với mọi người. Tuy nhiên cả hai đều chưa biết các con mình đều đã không còn.
Trước đó, sau khi vào viện, anh Minh tỉnh dậy trước. Biết là có nhóm phóng viên ở đó, câu điều tiên anh hỏi thăm về tình hình các con. Khi anh hỏi, “các em là phóng viên chắc phải nắm tình hình được” mọi người cố nén giọt nước mắt trong lòng động viên anh điều trị sớm bình phục. 
Còn chị Ngân, khi nhập viện lúc sáng sớm ngày xảy ra vụ nổ, liên tục kêu khóc: "Tôi đã giết con tôi rồi". Tỉnh dậy sau, câu đầu tiên chị thút thít khóc là: “mẹ hại các con rồi” khiến mọi người chứng kiến như muốn khóc òa. 
Chị Ngân tỏ ra ân hận khhi cho rằng miình chính là người đã "hại các con"
Chị Ngân tỏ ra ân hận khhi cho rằng miình chính là người đã "hại các con"

Trước tình hình ấy, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình (TP. Hồ Chí Minh) để chia sẻ những kinh nghiệm chị Ngân, anh Minh có thể vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn ấy.

Ông Khanh chia sẻ: “Đối với người lớn, việc vượt qua khủng hoảng tâm lý không khó khăn bằng trẻ con. Dĩ nhiên đó là vết thương khó lành nhưng việc hồi phục không khó lắm.

Khi người mẹ hỏi thăm về đứa con, những người thân có thể nói thôi anh chị cứ cố gắng giữ gìn sức khỏe, không nói nhiều về các cháu, còn chuyện nhà cửa thì từng bước dựng lại”.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Ông Khanh nói: “Việc các cháu không còn nữa là do tai nạn chứ không phải lỗi của ai khác. Không may mắn nên gặp chuyện như vậy. Thêm nữa một phần là do kết cấu nhà không tốt nên không thoáng khí để khí gas khó thoát dẫn đến tai nạn. Và khi đó nó cũng dễ bị sập. Thực tế là như vậy.

Việc xảy ra như thế là do nhiều yếu tố cộng lại. Nếu chúng ta giải thích cho chị Ngân hiểu như vậy, chị ấy sẽ cảm thấy đỡ bức xúc, lo lắng hơn”.

Ông Khanh cho biết: “Nói chung người mẹ cần có sự thăm hỏi ân cần hơn ở những bộ phận chăm sóc. Gia đình nên quan tâm, an ủi người mẹ: Đừng lo lắng, cứ giữ gìn sức khỏe rồi khi nào về nhà sẽ tổ chức xây dựng lại.

Ai cũng vậy thôi! Ở vào trường hợp như của chị Ngân, ai cũng bị căng thẳng. Tuy nhiên, nếu được động viên chia sẻ thì nỗi đau của người trong cuộc cũng sẽ với đi phần nào. Thái độ với chị Ngân phải rất ân cần nhẹ nhàng. Sau một thời gian họ cũng sẽ chấp nhận được sự việc ấy thôi”.

“Nếu có điều kiện, anh Minh nên đưa chị Ngân đi đến nhờ một chuyên gia tâm lý. Ở Hà Nội, có nhiều chuyên gia tâm lý. Tôi nghĩ chỉ cần thái độ những người bác sỹ, y tá và những người thân đối với vợ chồng này khi đang nằm ở viện tốt là đủ để chị Ngân ổn định, vượt qua khó khăn. 
Vụ việc xảy ra là một cú sốc lớn với anh Minh và chị Ngân
Vụ việc xảy ra là một cú sốc lớn với anh Minh và chị Ngân


Tuy nhiên, nếu khi đó mà chị Ngân vẫn lo âu, suy sụp thì nên có sự tác động của chuyên gia tâm lý. Những người này sẽ biết cách nói chuyện để cho người mẹ thấy đó tai nạn đó là một sự thực phải chấp nhận. Từ đó, chị ấy sẽ có sự ổn định hơn.

Tránh có thái độ thờ ơ của bác sỹ, y tá vì điều đó rất có thể lại làm cho người mẹ hiểu lầm rằng: mình là người vô ý gây ra tai nạn dẫn đến cái chết của hai đứa con nên họ không chăm sóc mình. Điều này càng làm cho chị Ngân đau khổ”. Chuyên gia Khanh khuyên.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia tâm lý TS. Phạm Mạnh Hà (khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) chia sẻ: “Trong nhiều sự kiện, nhiều tình huống, chúng ta đã bỏ quên vấn đề tâm lý của con người. Nếu ốm đau thì đến bệnh viện có thuốc nhưng tâm lý chẳng có nơi nào để đến”. 

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà
Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà

Anh Hà cho biết thêm: “Tôi nghĩ nên có các chuyên gia tâm lý hỗ trợ trong trường hợp này vì ở Việt Nam thiếu những chuyên gia hỗ trợ về khủng hoảng tâm lý. Gia đình nên gặp, hoặc có bác sỹ tâm lý hỗ trợ. Bên cạnh đó, chị Ngân và anh Minh cũng phải đối mặt với sự thật là con họ đã chết và nhà cửa thì bị sập, không còn gì. Quan trọng nhất họ phải vượt qua được khủng hoảng”. 
Theo anh Hà: “Nếu không có hỗ trợ ngay dễ dẫn đến hành vi vận lỗi vào bản thân và từ đó có những suy nghĩ tiêu cực. Từ những suy nghĩ tiêu cực dễ dẫn đến những hành động tiêu cực và từ rất có thể chúng ta lại phải chứng kiến một nỗi đau khác”.
Tuệ Minh