Cứ sống trọn với tình yêu và sự đam mê, chúng ta sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn

19/11/2019 06:35
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Ngày Nhà giáo Việt Nam đã cận kề và có lẽ trong lòng của mỗi thầy cô giáo dù đã về hưu hay đang còn giảng dạy đều cảm thấy xốn xang trong lòng.

Sau khi ra trường, tôi có cơ hội để tìm một số công việc khác có thu nhập tốt hơn nghề dạy học và làm việc tại quê hương của mình. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề giáo dù biết rằng nếu đi dạy học thì tương lai sẽ có nhiều khó khăn hơn bởi nhu cầu tuyển dụng giáo viên lúc ấy ở quê tôi không có.

Và, tôi đã xa quê hương của mình để vào dạy học ở một tỉnh phía Nam xa ngút ngàn. Quãng đường từ nơi tôi đang dạy học về đến quê nhà hơn 1000 cây số nhưng không vì thế mà tôi nản lòng với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.

Niềm vui nào hơn khi thầy và trò đều hạnh phúc (Ảnh minh họa: TTXVN)
Niềm vui nào hơn khi thầy và trò đều hạnh phúc  (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cuộc sống những năm đầu xa quê nhưng năm đầu phải nói là thật kinh khủng đối với tôi lúc bấy giờ. Đồng lương giáo viên vốn đã thấp mà lại là lương tập sự, rồi bậc 1, bậc 2 của những năm đầu chẳng mấy khi đủ chi tiêu trong tháng.

Bởi, trong những đồng lương ít ỏi đó mà phải thuê nhà và hàng trăm thứ phải chi tiêu khác nữa. Nhiều tháng chưa có lương mà đã hết tiền nên phải vay mượn của đồng nghiệp để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Cũng may mắn những giáo viên trong trường hiểu và thương hoàn cảnh xa quê và họ đã giúp đỡ cho tôi những ngày đầu vào Nam lập nghiệp.

Những khó khăn về kinh tế cũng dần vơi đi dù cuộc sống chưa bao giờ đủ đầy nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ mình vẫn còn nhiều may mắn hơn nhiều người khác.

Trong số những bạn bè tôi, những đứa em họ hàng cũng mong muốn được đi dạy học nhưng hết năm này qua năm khác vẫn không xin được việc và cơ hội dần dần qua đi khi tuổi xuân không đứng lại mãi với con người.

Thôi thì mình đã có công việc ổn định, nhất là nghề mà mình yêu thích từ nhỏ thì dù cuộc sống khó khăn cũng có sá gì đâu bởi cuộc đời mấy ai đều viên mãn cả. Người thiếu cái này, người thua cái khác âu cũng là lẽ thường tình.

Và, tôi vẫn thường tự động viên, an ủi mình như thế suốt hàng chục năm qua để sống, để cống hiến và vui buồn cùng nghề dạy học.

Trường chúng tôi đang công tác là một trường nông thôn nên đa phần học sinh trong trường còn gặp rất nhiều những khó khăn. Nhưng bù lại đa phần càng em học sinh đều siêng năng học hành và ngoan hiền, lễ phép.

Hàng chục năm trời dạy học ở đây tôi chưa gặp một học sinh nào hỗn láo, vô lễ với mình. Vì thế, nhiều lúc gặp những khó khăn tôi lại nghĩ đến những gương mặt của học trò mình đang dạy, nghĩ đến những em đã xa trường, đã trưởng thành làm niềm vui trong cuộc sống để vươn lên.

Nghề dạy học bây giờ nói khó thì cũng khó mà nói dễ thì cũng dễ bởi khó là học sinh bây giờ có nhiều em không chịu khó học hành như trước đây. Nhiều em cứ mải mê chơi và chưa có nghĩ cho tương lai của mình.

Nhiều em lại được cưng chiều quá mức nên đến trường không chịu khó học hành và đôi lúc cũng có phần ương ngạnh, làm thầy cô, bạn bè khó chịu, buồn bực.

Nhưng suy cho cùng, các em là học trò mà học trò thời nay tất nhiên sẽ có nhiều cái khác với ngày trước. Nếu cứ đem so sánh thì thầy cô rất khó làm trọn vai trò của mình khi đứng lớp.

Mỗi năm vào dịp lễ, dịp Tết, một số học trò cũ về thăm thầy, thầy trò ôn lại những kỷ niệm lại bồi bồi, tiếc nuối quãng thời gian thầy trò bên nhau.

Nhiều em không đến thăm thầy, gửi những tin nhắn, lời chúc qua điện thoại, facebook, zalo cũng khiến thầy ấm lòng và yêu mến hơn cái nghề mà mình đã và đang theo đuổi.

Cứ sống trọn với tình yêu và sự đam mê, chúng ta sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn ảnh 3Cô thay đổi, trò hạnh phúc khi đến trường

Cuộc sống chẳng biết đâu cho đủ đầy, nhất là đối với những thầy cô đang dạy học ở những vùng khó khăn nhưng có lẽ đã theo đuổi nghề dạy học thì đa phần các thầy cô cũng hiểu được đặc trưng nghề nghiệp của mình đang gắn bó.

Giàu sang về vật chất đối với thầy cô giáo không nhiều và thời nào cũng vậy nhưng trong lòng thầy cô giáo luôn cảm thấy hạnh phúc khi mình đã và đang góp phần đào tạo nên các thế hệ học trò cho đất nước.

Sự giàu có của người thầy là khi thấy học trò của mình trưởng thành, làm người có ích cho xã hội, thấy đất nước phát triển đi lên là thầy cô mừng vui lắm rồi. Bởi, không vui sao được khi mình là những người góp phần chắp cánh ước mơ và vươn tới tương lai cho bao thế hệ học trò.

Vì thế, ngày Nhà giáo Việt Nam lại đã cận kề và có lẽ trong lòng của mỗi thầy cô giáo dù đã về hưu hay đang còn giảng dạy đều cảm thấy xốn xang trong lòng.

Mỗi năm có một ngày Tết cho thầy cô, ai mà không cảm thấy cảm giác lâng lâng, hạnh phúc với cái nghề mà mình đã và đang theo đuổi. Hạnh phúc ấy giản đơn vô cùng và cùng thiêng liêng vô cùng đối với nghề dạy học.

KHÁNH VĂN