Trẻ sơ sinh mất tích: Phải khởi tố nếu có hành vi chiếm đoạt

07/11/2011 03:56
Thành Chung
(GDVN) - Nếu cơ quan chức năng thấy có căn cứ của hành vi chiếm đoạt trẻ em thì phải khởi tố vụ án để điều tra theo qui định của pháp luật hiện hành...

Đó là khẳng định của Luật sư Lê Viết Phương, Trưởng văn phòng luật sư Hồng Khang (Hà Nội) khi trả lời PV báo điện tử GDVN.

Chị Thơm chỉ biết ngóng chờ con mòn mỏi trên giường bệnh.
Chị Thơm chỉ biết ngóng chờ con mòn mỏi trên giường bệnh.
Liên quan đến sự việc xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản TƯ vào ngày 2/11/2011, khi cháu Phạm Xuân Trường, con chị Trần Thị Thơm (SN 1977, quê Yên Mỹ, Hưng Yên) mới 2 ngày tuổi đã bị kẻ xấu ‘bắt cóc’,  PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Viết Phương, Trưởng văn phòng Luật sư Hồng Khang (Hà Nội). Qua việc nắm bắt thông tin vụ án mà PV cung cấp, Luật sư Phương nhận định, đây là vụ án liên quan đến vấn đề quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người đã được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ. Với trường hợp cụ thể về cháu bé bị 'bắt cóc' này, Luật sư Phương cho rằng, tại Điều 120 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) đã qui định rất rõ về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, cụ thể:
gười nhà của sản phụ Thơm lo lắng về sự sống còn của đứa trẻ sơ sinh.
gười nhà của sản phụ Thơm lo lắng về sự sống còn của đứa trẻ sơ sinh.
“1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Đối với nhiều trẻ em; đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; e) Để đưa ra nước ngoài; g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; i) Tái phạm nguy hiểm; k) Gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, do hiện nay việc xác định tung tích và các thông tin liên quan đến vụ mất tích  "bí ẩn" của cháu bé còn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên Luật sư Phương cho biết, chưa thể có bình luận cụ thể.
Ông Trần Quốc Việt - PGĐ nhận trách nhiệm thiếu sót của bác sỹ, y tá trực ngày hôm đó
Ông Trần Quốc Việt - PGĐ nhận trách nhiệm thiếu sót của bác sỹ, y tá trực ngày hôm đó
"Trong trường hợp này, sau khi cháu bé bị mất tích, gia đình đã thông báo cho Bệnh viện và Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để xác minh làm rõ vụ việc.  Như vậy, nếu cơ quan chức năng thấy có căn cứ của hành vi chiếm đoạt trẻ em thì sẽ phải khởi tố vụ án để điều tra theo qui định của pháp luật hiện hành. Việc xác định tội phạm, người phạm tội, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội … sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án) thực hiện", luật sư Phương khẳng định. Liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, tập thể  khi để xảy ra vụ việc này trong chính bệnh viên, luật sư Phương cho rằng: "Khi nào có quyết định khởi tố thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ quyết định xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan theo qui định của pháp luật". Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến với bạn đọc.
Thành Chung