Nhìn đồng nghiệp cắm bản để yêu công việc của mình hơn

24/11/2019 07:15
Mai Hoa
(GDVN) - Quan hệ thầy trò được xác lập bằng bức ngăn kinh tế, vẫn tồn tại khái niệm “có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Chúng ta vẫn thường hay nói, nghề dạy học bây giờ vừa khó khăn vừa vô cùng áp lực.

Điểm trường Đán Mẩy (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại)
Điểm trường Đán Mẩy (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại)

Thế nhưng nếu so sánh với những đồng nghiệp đang ngày đêm cắm bản ở nơi thâm sơn cùng cốc, chúng ta sẽ thấy rằng công việc dạy học và giáo dục học sinh ở miền xuôi vẫn nhẹ nhàng, sung sướng hơn rất nhiều.

Những khó khăn gian khổ chất chồng

Các điểm trường vùng núi thường ở khá xa nhau, đường đi vào trường mùa nắng bụi mù, mùa mưa trơn dốc nhầy nhụa, có đoạn đất nhão, bùn ngập cả bánh xe.

Nhiều đoạn phải đi qua khe, qua suối, mùa nước lũ về cuồn cuộn, chảy xiết thành dòng lớn như muốn nuốt chửng, cuốn phăng bất cứ vật cản nào.

Rồi muỗi, vắt, mòng đốt xưng cả mặt mày, bám vào người hút máu no căng. Nơi ở của giáo viên có nơi vẫn còn làm bằng gỗ, bưng bằng ván hoặc dãy nhà cấp 4 xập xệ, có nơi còn không có cả nhà cho giáo viên mà phải ở nhờ với dân.

Học sinh nhiều em còn đói rách, áo quần không có để mặc, nước mũi luôn thụt thò, da tím tái vào những ngày rét.

Những đứa trẻ nói tiếng Kinh chưa sõi nên thầy cô phải nỗ lực để chỉ dạy thêm. Ý thức học tập chưa có, thích thì tới lớp, không thích thì thôi. Thầy cô cả ngày đi dạy, đến ngày nghỉ lại lặn lội trèo đèo vượt suối đến nhà thuyết phục từng em ra lớp.

Có giáo viên ở chung với dân thì làm tất tật mọi công việc nhà như ra suối cõng nước, vào lừng lấy củi, hái rau, bẻ măng rừng rồi nấu ăn, tắm rửa cho học trò, kèm học thêm tiếng Kinh và kiến thức cho học sinh yếu.

Nhìn đồng nghiệp cắm bản để yêu công việc của mình hơn ảnh 2
Cô giáo vùng sâu vùng xa được đồng nghiệp phong tặng “nữ 3 giỏi”

Những đêm mùa đông lạnh giá gió lùa rét cắt da, cắt thịt. Có đêm đốt lửa thức cả đêm để trốn cái lạnh.

Nhiều vùng không sóng điện thoại nên gần như biệt lập thông tin với thế giới bên ngoài.

Đa phần con cái của thầy cô đều phải gửi ông bà dưới xuôi nuôi dạy hộ.

Một năm chỉ về với gia đình được 2 lần vào dịp Tết và dịp hè.

Thấu hiểu đồng nghiệp để thấy yêu công việc của mình hơn

Nếu so với những gì đồng nghiệp của mình đang ngày đêm cống hiến cho giáo dục vùng cao thì những nhà giáo được may mắn ở vùng xuôi, đặc biệt là nơi phố thị như chúng tôi những vất vả nhọc nhằn, những áp lực của nghề chưa thấm tháp vào đâu cả.

Nhiều thầy cô giáo được dạy gần nhà, đường xá đi lại thuận lợi, điều kiện trường lớp cũng khang trang, đủ đầy hơn nhiều. Học sinh phần lớn có ý thức học tập cao, phụ huynh cũng quan tâm, kết hợp với thầy cô để giảng dạy.

Các thầy cô có điều kiện làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập do được sống trong môi trường thuận lợi.

Nhìn đồng nghiệp cắm bản để yêu công việc của mình hơn ảnh 3
Những giáo viên cắm bản

Có được những ưu thế đó, thế nhưng chúng ta đã thật sự làm tròn bổn phận người thầy chưa?

Đã làm tốt vai trò như người cha, người mẹ? Đã thật sự dốc hết lòng vì học sinh chưa?

Chắc chắn sẽ có nhiều thầy cô làm được nhưng vẫn còn không ít giáo viên sống cơ hội, thủ đoạn.

Thật hổ thẹn khi phải nói ra điều này, vẫn còn một số thầy cô lợi dụng gia đình các em để tăng thu nhập như việc dùng mọi cách để bắt học sinh tới lớp thêm.

Học sinh học yếu nhưng gia cảnh khó khăn ít được kèm cặp nhiệt tình mà muốn học các em phải có tiền mới được phụ đạo. Quan hệ thầy trò được xác lập bằng bức ngăn kinh tế, vẫn tồn tại khái niệm “có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Tĩnh tâm để nhìn lại những việc mà đồng nghiệp cắm bản đang làm, chúng ta khâm phục ý chí, lòng quyết tâm, sự nhiệt huyết của các thầy cô giáo ấy để có thêm động lực nhắc nhở và điều chỉnh bản thân làm tốt vai trò của một nhà giáo chân chính.

Mai Hoa