"Phe, nhóm" trong lớp và cách hòa giải

25/11/2019 06:14
HOÀNG SA VIỆT
(GDVN) - “Phe, nhóm” ở đây lại biến tướng, trở thành những nguyên nhân gây mất đoàn kết; đố kỵ, khích bác nhau và có thể dẫn tới những xô xát, xảy ra bạo lực học đường.

Nếu có “phe, nhóm” trong một lớp học thì đó cũng là điều bình thường vì đó là những nhóm bạn cùng chung sở thích; thân thiện với nhau từ cấp học dưới, giúp nhau trong học tập và các hoạt động khác của lớp, của trường.

Nhưng “phe, nhóm” ở đây lại biến tướng, trở thành những nguyên nhân gây mất đoàn kết; đố kỵ nhau, khích bác nhau và có thể dẫn tới những xô xát, xảy ra bạo lực học đường

"Phe, nhóm" trong lớp (Ảnh minh họa: LAP).
"Phe, nhóm" trong lớp (Ảnh minh họa: LAP).

Các “phe, nhóm” trong lớp học gây ra nhiều khó khăn, bức xúc cho giáo viên bộ môn cũng như giáo viên chủ nhiệm trong việc giảng dạy và ổn định lớp.

Có những lần lên lớp giảng bài, khi ra câu hỏi thì chẳng em nào chịu phát biểu cả (mặc dù có những câu hỏi dễ).

Sau vài ba lần như thế, tôi dò hỏi những học sinh tích cực thì các em cho biết: nếu bạn nào đứng lên xung phong phát biểu thì các nhóm khác sẽ dè bỉu, chọc quê nếu nói chưa đúng. Nếu trả lời đúng thì bị các bạn kia nói là “làm màu” hoặc “học kém mà còn làm phách”…

Chưa hết, các phong trào thi đua cũng bị kéo xuống vì xảy ra tình trạng phá đám, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Mỗi khi xảy ra chuyện các “phe, nhóm” xích mích nhau có những giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân nhưng lại không đưa ra phương hướng giải quyết đến nơi đến chốn nên tình trạng đâu lại vào đấy.

Cũng có những giáo viên chủ nhiệm, do tinh thần trách nhiệm chưa cao, cứ để tình trạng “phe nhóm” phát triển thì lớp trở thành nỗi ám ảnh cho học sinh ngoan, chăm học và nỗi ám ảnh cho giáo viên đứng lớp…

Trước tình trạng “phe, nhóm” này trước hết chúng ta phải phát hiện và có biện pháp “hóa giải” ngay từ khi còn “trứng nước”.

Muốn xóa bạo lực học đường chớ đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo phổ thông

Giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm và cần có những biện pháp kịp thời, cách làm linh hoạt để xây dựng tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau trong lớp.

Đó là những buổi sinh hoạt văn nghệ trong giờ chủ nhiệm hàng tuần. Sau khi làm xong các công việc, cần dành thời gian thích hợp cho các tổ thi đua văn nghệ thật sôi nổi, hào hứng. 

Đó là những buổi ngoại khóa, dã ngoại khi có điều kiện, có dịp thuận tiện (vừa kết thúc học kỳ, nhân các ngày nghỉ lễ, cắm trại trong trường…). Có sự phân công, có quy định giờ giấc, quy định trong sinh hoạt dã ngoại… Đây cũng là dịp cho các em xả stress, vui đùa, chạy nhảy với nhau trong khung cảnh thiên nhiên, ngoài trời.

Đó là những dịp tham quan di tích văn hóa, lịch sử vừa nâng cao hiểu biết nhưng đồng thời cũng nâng cao kỹ năng sống, cách ứng xử của các em với nhau… giáo viên chủ nhiệm sẽ quan sát, nắm được tâm tánh, ý thích của từng học sinh…

Từ đó, giáo viên chủ nhiệm có các ứng xử phù hợp để động viên, khích lệ cũng như uốn nắn các em…

Thông qua những hoạt động này, các em trở nên gần gũi, hiểu nhau hơn và chia sẻ, cảm thông cho nhau hơn…

Cũng thông qua các hoạt động đa dạng này, các em sẽ biết dựa vào nhau, giúp đỡ nhau trong mọi công việc để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao…

HOÀNG SA VIỆT