Môi trường giáo dục tốt sẽ tạo ra những hành động đẹp

01/12/2019 07:49
LÃ TIẾN
(GDVN) - Hành động nhặt được 67 triệu đồng của nữ sinh Diễm Quỳnh (Hải Phòng) sau đó tìm và trả lại thầy giáo thể hiện việc em này được giáo dục trong môi trường tốt.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, em Dương Thị Diễm Quỳnh, lớp trưởng lớp 11B2, Trường Trung học phổ thông Hàng Hải (Hải Phòng) đã có hành động đẹp, để lại ấn tượng tốt với học sinh và giáo viên nhà trường khi nhặt được số tiền lớn và trả lại thầy giáo bỏ quên.

Theo đó, vào sáng 23/11/2019, như mọi ngày, em Diễm Quỳnh đến sớm nhất lớp để kiểm tra bàn ghế và dọn dẹp phòng học.

Nữ sinh Hải Phòng nhặt được 67 triệu đồng, trả lại thầy giáo để quên
Nữ sinh Hải Phòng nhặt được 67 triệu đồng, trả lại thầy giáo để quên

Trong khi dọn phòng, em phát hiện một túi bọc trong ngăn bàn giáo viên. Khi mở túi ra, Diễm Quỳnh thấy bên trong có rất nhiều tiền và danh sách thu tiền học.

Ngay lập tức, lớp trưởng lớp 11B2 chạy xuống phòng quản sinh và đưa cho thầy Vũ Trọng Phóng (cán bộ quản sinh).

Sau khi kiểm tra danh sách thu tiền, thầy Phóng xác nhận đó là danh sách của lớp 11B5 do thầy Nguyễn Thế Mạnh làm chủ nhiệm.

Thầy Phóng đã gọi điện ngay cho thầy Mạnh để xác nhận và lên trường để nhận lại số tiền trên.

Thầy giáo Phạm Anh Phong, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàng Hải cho rằng, hành động của em Diễm Quỳnh là hành động đẹp, thể hiện phẩm chất trung thực của học sinh.

Đây cũng là kết quả thể hiện sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và nề nếp cho các em học sinh; là minh chứng thể hiện các em được giáo dục trong môi trường tốt.

Trường Trung học phổ thông Hàng Hải (Hải Phòng) luôn chú trọng rèn luyện đạo đức, nề nếp cho học sinh (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Trường Trung học phổ thông Hàng Hải (Hải Phòng) luôn chú trọng rèn luyện đạo đức, nề nếp cho học sinh (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Theo thầy Phong, đây không phải lần đầu tiên học sinh của Trường Trung học phổ thông Hàng Hải nhặt được của rơi và trả lại người đánh mất.

Trước đó, có nhiều trường hợp, học sinh của trường nhặt được điện thoại đắt tiền ai đó đánh rơi, để quên và tìm lại trả cho người mất.

Để có được những hành động đáng khen ngợi như em Diễm Quỳnh, theo thầy Phong, từ nhiều năm qua, nhà trường đã làm tốt công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho học sinh.

Trước hết, nhà trường lựa chọn giáo viên chủ nhiệm lớp và gắn việc giáo dục đạo đức, tác phong, nề nế cho học sinh làm tiêu chí thi đua cho từng giáo viên.

Bên cạnh đó, nhà trường có đội ngũ quản sinh tâm huyết, trách nhiệm với công việc gồm 6 thầy cô giáo.

Các thầy cô giáo làm nhiệm vụ quản sinh tới trường từ 6 giờ 30 phút và kết thúc công việc vào 17 giờ 30 phút hàng ngày, làm nhiệm vụ quan sát, nhắc nhở nề nếp, tác phong và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để quản lý học sinh thực hiện các hoạt động trong trường.

Nhà trường xây dựng khung đánh giá rèn luyện cho học sinh (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Nhà trường xây dựng khung đánh giá rèn luyện cho học sinh (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Điều đặc biệt là, Trường Trung học phổ thông Hàng Hải đã xây dựng khung đánh giá rèn luyện học sinh, trong đó quy định chi tiết về khung điểm thưởng và khung điểm phạt.

“Điểm rèn luyện là căn cứ quan trọng để giáo viên chủ nhiệm đánh giá hạnh kiểm của học sinh ở cuối kỳ học, đồng thời là một trong những tiêu chuẩn đánh giá thi đua của các lớp hàng tháng.

Học sinh có tổng điểm thưởng cao sẽ được biểu dương và khen thưởng trong buổi chào cờ hàng tháng.

Những học sinh bị phạt đến 20 điểm, giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp phụ huynh lần 1.

Phải làm gì để có “Trường học hạnh phúc”?
Phải làm gì để có “Trường học hạnh phúc”?

Học sinh tiếp tục bị phạt đến 40 điểm, giáo viên chủ nhiệm tiếp phụ huynh lần 2, Ban giám hiệu cùng dự và yêu cầu phụ huynh, học sinh phải viết cam kết với nhà trường.

Nếu học sinh tiếp tục bị phạt từ 60 điểm trở lên, nhà trường sẽ từ chối đào tạo”, thầy giáo Phạm Anh Phong nói.

Cũng theo thầy Phong, hiện nay, toàn trường có 1.170 học sinh. Nhà trường cũng dành nhiều sự quan tâm đến những học sinh chưa ngoan, “cá biệt”.

Hàng tháng giáo viên chủ nhiệm sẽ báo cáo tình hình những em học sinh “cá biệt”, báo cáo những biện pháp đã làm để giáo dục các em đó.

Tiếp đến, nhà trường thành lập Tổ tư vấn học đường, tổ sẽ giao các giáo viên thường xuyên quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ các em học sinh “cá biệt” đó.

Đồng thời có quy trình xử lý khi các em vi phạm bảo đảm vừa nhân đạo, chặt chẽ vừa nghiêm khắc để học sinh tuân thủ.

“Với nhiều biện pháp giáo dục đạo đức, nề nếp cho học sinh như trên, học sinh Trường Trung học phổ thông Hàng Hải cơ bản là ngoan; các em hình thành được tính kỷ luật, ý thức về nề nếp và hình thành nhiều kỹ năng sống.

Điều đáng mừng là, các bậc phụ huynh ngày càng tin tưởng môi trường giáo dục nơi đây và tích cực phối hợp, chia sẻ với nhà trường trong việc giáo dục học sinh”, thầy giáo Phạm Anh Phong phấn khởi nói.

LÃ TIẾN