Hiệu trưởng các trường cân nhắc chọn sách giáo khoa

30/11/2019 07:16
Phương Linh
(GDVN) - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Hiệu trưởng các trường nên cân nhắc sử dụng bộ sách giáo khoa cho trường mình.

Ngày 29/11, tại Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho cấp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố - ông Nguyễn Văn Hiếu đã có những chia sẻ với báo giới về việc lựa chọn sách giáo khoa.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, các trường sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ở trường của mình, trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Văn Hiếu (ảnh: P.L)
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông  Nguyễn Văn Hiếu (ảnh: P.L)

Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Hiếu, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phép lựa chọn sách giáo khoa ổn định cho địa phương mình, nhưng phải đến 1/7/2020 thì luật này mới có hiệu lực.

Thế nhưng, việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới phải được thực hiện trước tháng 3, để còn kịp cho công tác tập huấn.

Do đó, thời gian này, thành phố sẽ vẫn thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, quy định rõ các cơ sở giáo dục phổ thông được phép lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng, dựa trên ý kiến của phụ huynh, học sinh, giáo viên và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện có 32 đầu sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, thẩm định, và đều có chất lượng, giá trị để triển khai thực hiện trong các trường.

Dù vậy, việc lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa nào để phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình, thì Hiệu trưởng của đơn vị cần cân nhắc, tham khảo ý kiến của các bên.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, giáo viên cần đọc hết các bộ sách giáo khoa, để tham mưu việc lựa chọn sử dụng bộ sách nào. Trường học cần trang bị tủ sách dùng chung.

Quá trình lựa chọn cũng cần lưu ý đến độ phù hợp, hình ảnh, tranh vẽ, câu chữ và ngôn từ, văn phong phù hợp với học sinh.

Về việc mỗi trường sử dụng một bộ sách giáo khoa, có gây ra bất cập trong việc kiểm tra hay không?, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tiếp: Kiểm tra là đánh giá năng lực của học sinh, chứ không kiểm tra kiến thức, nội dung ở trong sách nào.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng bài khảo sát dành cho học sinh lớp 3, không đặt nội dung câu hỏi kiến thức trong sách giáo khoa, mà học sinh cần học kiến thức đó, đưa ra cách giải quyết vấn đề.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Định hướng phát triển năng lực cho học sinh là như vậy, chứ không phải chỉ học sách giáo khoa này, mà không làm được sách khác.

Dạy học theo sách giáo khoa là điều kiện cụ thể để triển khai năng lực mà chương trình yêu cầu.

“Cho nên dù học theo sách nào, thì giáo viên cũng cần tham khảo nhiều sách giáo khoa trong các bộ sách được thẩm định, tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình” .

Phương Linh