Giáo viên và học sinh hiểu biết hơn ai hết về chất lượng của sách giáo khoa mới

03/12/2019 06:00
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới vào các năm tới đây, vai trò và trách nhiệm của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là rất to lớn.

Báo Người lao động đưa tin, ngày 29/11, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nhằm phổ biến rộng rãi, cụ thể chương trình mới.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh định hướng tất cả các trường học đều phải mua đưa vào tủ sách chung và giáo viên phải đọc hết các bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công bố.

Từ đó giáo viên mới có thể tham mưu được hiệu trưởng nên chọn sách nào để đưa vào giảng dạy cho chương trình lớp 1 năm 2020 - 2021, trong quá trình lựa chọn lưu ý đến độ phù hợp và hình ảnh, tranh vẽ, ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh từng vùng miền.

Theo Luật Giáo dục, việc lựa chọn sách giáo khoa dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành quyết định, lựa chọn, nhưng do điều kiện về thời điểm áp dụng Luật Giáo dục chưa thực hiện được nên theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa, như vậy hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định cùng tập thể đội ngũ giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh học sinh để áp dụng vào trường.

Việc các trường sẽ lựa chọn bộ sách nào cho chương trình mới là điều nhiều người quan tâm.(Ảnh minh hoạ, nguồn: TL/Dangcongsan.vn)
Việc các trường sẽ lựa chọn bộ sách nào cho chương trình mới là điều nhiều người quan tâm.(Ảnh minh hoạ, nguồn: TL/Dangcongsan.vn)

Theo tôi, định hướng như vậy của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chương trình giáo dục mới ở cấp tiểu học là hợp lý.

Mỗi thầy cô giáo đều phải đọc, tham khảo hết các bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công bố để từ đó có thể tham mưu được hiệu trưởng nên chọn sách nào để đưa vào giảng dạy cho chương trình lớp 1 năm 2020 - 2021.

Như vậy, khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới vào các năm tới đây, vai trò và trách nhiệm của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là rất to lớn và nặng nề.

Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa?
Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa?

Các giáo viên, nhất là giáo viên cốt cán cần dành nhiều thời gian và công sức để đọc, đánh giá và chọn lựa về chất lượng, về mức độ phù hợp của các bộ sách giáo khoa (đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công bố) đối với học sinh của mình.

Các trường phải kịp thời mua đủ số sách giáo khoa về cho giáo viên đọc, tham khảo.

Hiệu trưởng các trường phổ thông biết cách quan tâm, động viên tinh thần thầy cô giáo, kể cả phụ huynh và học sinh để họ sáng suốt đề xuất, tham mưu cho mình ra quyết định, lựa chọn được các bộ sách giáo khoa phù hợp, tốt nhất.

Sau một năm học thực hiện bộ sách giáo khoa ấy, thấy có một số chỗ bất cập, không phù hợp, chưa hay, thậm chí sai sót… thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh có quyền kiến nghị và đề xuất với Hiệu trưởng cho sử dụng bộ sách giáo khoa khác trong năm học đến.

Thay đổi, điều chỉnh việc sử dụng sách giáo khoa có thể diễn ra ở từng năm học, tới khi nào học sinh và thầy cô giáo cảm thấy mấy bộ sách giáo khoa này là chuẩn nhất, phát huy được tối đa yêu cầu về năng lực của người học.

Cho dù thời điểm áp dụng Luật Giáo dục được thực hiện, khi mà Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành quyết định, lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn thì vai trò, tiếng nói của giáo viên và học sinh vẫn rất quan trọng, các hội đồng thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa ở các địa phương không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Bởi vì, giáo viên – học sinh, hai chủ thể chính của hoạt động dạy học hiểu biết, trải nghiệm hơn ai hết về chất lượng, về mức độ phù hợp của các bộ sách giáo khoa. 

SÔNG TRÀ