Vì sao giáo viên không dám sáng tạo trong khi dạy?

01/12/2019 07:36
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc đánh giá tiết dạy ở nhiều trường học hiện nay lại không mấy căn cứ vào kết quả đạt được, phần nhiều phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người dự.

Câu nói “sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, giáo viên có quyền sáng tạo trong khi dạy”, chúng tôi vẫn thường được nghe trong các cuộc họp chuyên môn của ngành, trong các lời phát biểu của nhiều lãnh đạo phụ trách chuyên môn.

Dù biết thực hiện những dạng toán này bằng que tính là hình thức, mất thời gian và không hiệu quả nhưng giáo viên vẫn buộc phải làm (Ảnh Phan Tuyết).
Dù biết thực hiện những dạng toán này bằng que tính là hình thức, mất thời gian và không hiệu quả nhưng giáo viên vẫn buộc phải làm (Ảnh Phan Tuyết).

Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Việc nói cứ nói, hô hào cứ hô hào còn vào thực tế giảng dạy vẫn áp dụng kiểu dạy rập khuôn, máy móc, và gần như sách viết gì dạy đó, sách hướng dẫn sao làm vậy nhiều giáo viên không dám làm khác.

Sách viết gì trung thành dạy như thế

Đơn cử, một số bài học ở môn Toán lớp 2 như 6 cộng với một số: 6+5; 7 cộng với một số: 7+5; 8 cộng với một số: 8+5; 9 cộng với một số: 9+5 hay 11 trừ đi một số: 11-5; 12 trừ đi một số: 12-8

Để hình thành nên bảng trừ, sách giáo khoa thiết kế yêu cầu giáo viên cho học sinh lấy que tính để thao tác tìm kết quả. Sau đó giáo viên cũng sẽ tái hiện lại cách thực hiện tính bằng que tính lên bảng.

Sau khi bảng trừ được hình thành, học sinh có nhiệm vụ học thuộc và vận dụng làm một số bài tập tương ứng.

Ví dụ bài: 6 cộng với một số: 6+5

Sách hướng dẫn: Em lấy ra 6 que tính.

Em thêm 5 que tính.Em gộp 10 que tính thành một bó.Em được một bó và 1 que tính.

Vì sao giáo viên không dám sáng tạo trong khi dạy? ảnh 2
Không thừa nhận cái mới giáo viên đâu dám sáng tạo

Tất cả có 11 que tính.Vậy 6+5=11.Em đọc: 6+5=11; 5+6=11.

Bài: 11-5. Sách hướng dẫn: Em lấy ra một bó và 1 que tính (tức 11 que tính).

Em tháo bó thành 10 que tính. Em bớt đi 5 que tính. Còn 6 que tính. Em đọc 11-5=6.

Khi dạy tới những dạng toán này, chỉ mình học trò với giáo viên thì không ai sử dụng que tính cho học sinh làm vì đơn giản các em không cần dùng đến que tính và các thao tác như sách giáo khoa hướng dẫn cũng nhẩm ngay ra kết quả khá nhanh.

Thế nhưng khi có người dự giờ, khi dạy thao giảng, khi thi giáo viên dạy giỏi không thầy cô giáo nào dám dạy như thế.

Giáo viên nào cũng phải tuân thủ y chang tiến trình mà sách giáo khoa đã hướng dẫn. Có lần, thầy cô vừa giới thiệu bài và ghi phép tính 6+5=? Yêu cầu học sinh lấy que tính thao tác tìm kết quả.

Không ít em đã giơ tay xin nêu kết quả hoặc nói vọng từ lớp lên: "Cô ơi kết quả bằng 11, con đâu cần que tính mà nhẩm cái ra liền".

Do đang có người dự, cô giáo vẫn buộc phải gạt đi và yêu cầu cả lớp lấy que tính để làm theo sách hướng dẫn.

Việc dùng que tính trong khi dạy những dạng toán này rất hình thức và không mấy tác dụng. Nếu không muốn nói còn làm cho tiết học tốn khá nhiều thời gian lãng phí vì cái thao tác lấy que tính, gộp lại, tách ra.

Giáo viên nào dạy cũng than phiền nhưng dù vậy cũng chẳng ai đủ bản lĩnh để bỏ đi cái phần thao tác que tính khiên cưỡng như thế.

Vì sao lại như vậy?

Vì sao giáo viên không dám sáng tạo trong khi dạy? ảnh 3
Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận?

Đơn giản chỉ vì thầy cô sợ góp ý và đánh giá tiết dạy không đạt khi giáo viên đã không thực hiện theo đúng những gì sách giáo khoa hướng dẫn.

Trở lại tiết dạy 6 cộng với một số: 6+5. Mục tiêu cần đạt là Em biết thực hiện phép cộng 6+5; 6+6;…6+9. Em lập và thuộc bảng “6 cộng với một số”.

Thay vì, giáo viên muốn dạy cách nào thì tùy (cho học sinh thao tác que tính, đếm tay, hướng dẫn các em nhẩm bằng cách tách và gộp số…) miễn sao cuối tiết học, các em làm bài tốt là đã thực hiện đúng mục tiêu cần đạt.

Nhưng, việc đánh giá tiết dạy ở nhiều trường học hiện nay lại không mấy căn cứ vào kết quả đạt được, phần nhiều phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người dự.

Thay vì phải dựa vào mục tiêu để xem học sinh có hiểu và làm bài tốt không thì không ít Ban giám khảo lại lấy suy nghĩ của mình để áp vào tiết dạy của giáo viên.

Thầy cô phải làm thế này, thế kia, sao lại làm như thế…người thì nhẹ nhàng hơn: "theo tôi nên dạy thế này"...Hợp với giám khảo thì tốt, ngược ý họ xem như tiết dạy không đạt.

Bởi vậy, giáo viên thường phải trung thành với những hướng dẫn trong sách giáo khoa cho an toàn mà chẳng ai dám phiêu liêu sáng tạo.

Phan Tuyết