Đề cương ôn tập, kiểm tra học kỳ có gì đâu mà quan trọng hóa

09/12/2019 10:09
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Có lẽ, các nhà trường, nhiều thầy cô giáo chưa hiểu hết mục đích của các bài kiểm tra học kỳ nên thường quan trọng hóa quá mức việc ra đề cương ôn tập.

LTS: Thẳng thắn cho rằng, đề cương ôn tập, kiểm tra học kỳ có gì đâu mà quan trọng hóa, tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước kiểm tra học kỳ 1 vài tuần, các thầy cô giáo thường giao đề cương ôn tập các môn văn hóa cho học trò với mục đích định hướng, để việc ôn tập và kiểm tra kết thúc học kỳ của các em được thuận lợi và đạt kết quả cao hơn.

Học là cả một quá trình nhằm hình thành các kiến thức, kỹ năng. Ôn tập, kiểm tra học kỳ để nhà trường, thầy cô giáo đánh giá được mức độ nhận biết, thông hiểu…ở học sinh.

Tất nhiên, kết quả làm bài kiểm tra học kỳ không phản ánh đầy đủ, toàn diện về tất cả kiến thức, kỹ năng của từng môn học.  

Bởi vì, trong suốt dọc đường của học kỳ, các giáo viên đã kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh qua các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ.

Có lẽ, các nhà trường, nhiều thầy cô giáo chưa hiểu hết mục đích nêu trên của các bài kiểm tra học kỳ nên thường quan trọng hóa quá mức việc ra đề cương ôn tập, đề kiểm tra học kỳ.

Các em học sinh làm bài kiể tra học kỳ (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Các em học sinh làm bài kiể tra học kỳ (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Ra đề cương ôn tập gần như bao trùm hết chương trình, các bài học của cả học kỳ cùng với mức độ đề, câu hỏi khó hơn nhiều so với yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến học sinh rất vất vả, khổ sở, áp lực khi tới mùa ôn tập, kiểm tra học kỳ.

Lâu nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo gọi là kiểm tra học kỳ rất bình thường, nhẹ nhàng, nhưng đến các trường, nhiều giáo viên cứ “nâng cấp” lên thành thi học kỳ, xem ra nặng nề, nghiêm trọng, không đúng với tính chất của việc kiểm tra học kỳ.

Các thầy cô giáo nên ra đề cương ôn tập ở mức độ vừa sức với học trò của mình. Trong nói và viết, hãy thống nhất dùng là kiểm tra học kỳ, tuyệt đối không dùng thi học kỳ nữa.  

Về đề kiểm tra học kỳ, bên cạnh các giáo viên ra đề kiểm tra có trách nhiệm cao, đảm bảo chất lượng, sát đúng chuẩn kiến thức - kỹ năng, phân hóa được năng lực của học sinh thì hiện nay vẫn còn một bộ phận giáo viên ra đề kiểm tra học kỳ chưa tốt, thậm chí có đề kiểm tra để xảy ra những nhầm lẫn, sai sót về kỹ thuật, chính tả lẫn nội dung, kiến thức đáng tiếc khiến học sinh và phụ huynh hoài nghi, lo ngại.

Do giáo viên chưa thấy hết tầm quan trọng của việc ra đề kiểm tra học kỳ, dẫn đến cách làm thiếu đầu tư, sơ sài, hời hợt…Do một số giáo viên còn non yếu, hạn chế về năng lực chuyên môn.

Để có được những đề kiểm tra - ma trận - đáp án đạt chuẩn, phù hợp với từng trình độ học sinh, nó đòi hỏi không ngừng nghỉ ở mức độ tâm huyết và năng lực chuyên môn của người thầy giáo.

Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ?

Có đề kiểm tra tốt mới đánh giá, phân loại chuẩn xác được năng lực, trình độ người học.

Về chấm bài kiểm tra học kỳ của giáo viên cũng cần đảm bảo tính nghiêm túc, chặt chẽ.

Khi trả bài cho học sinh, có trường hợp nhầm lẫn, chấm thiếu, cộng điểm thiếu, học sinh phản ánh, thầy cô giáo thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng kiểm tra, chấm lại cho các em và công khai điểm mới trước các lớp.

Tránh tình trạng, có thầy cô vì sĩ diện, hay lý do nào khác, cứ khăng khăng bảo thầy, cô đã chấm đúng, không chịu sửa sai.

Tránh việc làm sai từng nảy ra một số nhà trường, học sinh nào muốn phúc khảo bài kiểm tra học kỳ thì phải nộp tiền bồi dưỡng cho giáo viên chấm (mấy chục ngàn/ 1 bài).

Vì phúc khảo bài là quyền lợi chính đáng của người học, thầy cô giáo phải có trách nhiệm xem lại bài cho các em (đây không phải tham gia chấm phúc khảo các kỳ thi do cấp trên tổ chức, giáo viên được nhận chế độ bồi dưỡng).      

SÔNG TRÀ