Ở Mèo Vạc, gạo ăn cho học sinh mập mờ suốt một thời gian dài

03/12/2019 06:16
Trần Phương
(GDVN) - Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ngành giáo dục Hà Giang đã phát hiện ra rất nhiều mập mờ trong việc cung cấp gạo ăn cho học sinh hưởng chính sách

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang vừa tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc).

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn đã có nhiều khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách cho học sinh vùng miền núi khó khăn.

Trường Giàng Chu Phìn cách Trung tâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang 6 km, với 800 hộ phần lớn là người dân tộc Mông.

Từ nhiều năm nay, học sinh đi học người dân tộc Mông đi học có chế độ chính sách của nhà nước, trong đó có việc cấp phát gạo ăn.

Thế nhưng, thời gian gần đây tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn có nhiều sai phạm liên quan đến chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn có nhiều khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách cho học sinh. Ảnh: minh họa (khai giảng năm học 2015 - 2016)
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn có nhiều khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách cho học sinh. Ảnh: minh họa (khai giảng năm học 2015 - 2016)

Cụ thể, theo văn bản Số: 1220 /KL-SGDĐT, đã chỉ ra hàng loạt các vấn đề tại trường, trong đó có việc nhà trường đã chưa thực hiện đúng hướng dẫn việc sử dụng gạo ăn cuối năm học cũ sang đầu năm học mới.

Theo đó, số gạo tồn kho trong kho của trường Giàng Chu Phìn không đúng với thực tế báo cáo, trong đó, tại sổ theo dõi gạo ăn hàng ngày năm học 2018-2019 tính đến ngày 28/5/2019 số gạo tồn 1.639 kg.

Tuy nhiên, số gạo này đã được thủ kho báo đã trả hết cho học sinh vào cuối năm học 2018 – 2019 nhưng bảng phát không ghi ngày tháng năm phát và số gạo phát được cho là 1.489kg.

Đến năm học 2019-2020 nhà trường đi vay 1.400 kg (tại nhà Chế Lạc – huyện Mèo Vạc) để cho học sinh ăn từ 19/8 đến 2/9.

Cũng theo số liệu từ văn bản của Thanh tra, từ 3/9 nhà trường đã nhập 8.250 kg.

Hồ sơ theo dõi gạo của trường đã không thể hiện số gạo còn lại của cuối năm học 2018 – 2019 để chuyền sang đầu năm học 2019 – 2020.

Không chỉ vậy, đoàn thanh tra cũng đã phát hiện số gạo tồn kho tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn không đúng so với thực tế báo cáo.

Cụ thể, đoàn thanh tra đã chỉ rõ số gạo nấu ăn  từ ngày 19/8 đến 22/10 là 5.222 kg.

Đã phát trả cho học sinh số gạo là 3.080 kg.

Thủ kho báo đã trả gạo cho nhà Chế Lạc (nhà cung cấp gạo tại Mèo Vạc – pv) 1.400 kg trong khi đó Hiệu trưởng lại báo cáo là chưa trả.

Theo số liệu báo cáo của trường Giàng Chu Phìn là số gạo trong kho là - 1.532 kg (Trong đó thực tế gạo trong kho hiện còn 1.480 kg).

Nếu không có thanh tra, kiểm ra thì số gạo này sẽ đi đâu. Phải chăng có hiện tượng bán gạo chính sách ra ngoài?

Tuy đã chỉ ra những sai phạm tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, tuy nhiên, trong phần yêu cầu và kiến nghị giải của Đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang không hề nhắc tới trách nhiệm của cá nhân nào.

Miếng ăn là miếng nhục, 6 tấn gạo và nhân cách của 2 ông thầy!
Miếng ăn là miếng nhục, 6 tấn gạo và nhân cách của 2 ông thầy!

Trong phần yêu cầu và kiến nghị của thanh tra có đến 13 nội dung nhưng không có bất kỳ một phần nào nhắc đến việc khắc phục và chấn chỉnh việc thực hiện chế độ chính sách tại trường.

Đặc biệt, đối với cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn cũng được “bỏ qua” trong kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động chuyên môn của trường Giàng Chu Phìn cũng được đoàn thanh tra chỉ ra rất nhiều sai phạm như Biên bản sinh hoạt tổ chuyên môn không đảm bảo theo quy định 2 lần/tháng.

Nội dung biên bản họp sơ sài; Việc xây dựng Kế hoạch của tổ chưa rõ các nội dung về công tác chuyên môn theo đặc thù; Biên bản tổ, không có nội dung sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và chưa có nội dung điều chỉnh trong dạy học. Tổ chức chuyên đề chưa có nội dung và không xác nhận, kiểm tra của Ban giám hiệu….

Chất lượng dạy và học tại trường Giàng Chu Phìn cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi khi tỷ lệ học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức các môn Toán, Tiếng Việt theo các bài khảo sát của đoàn thanh tra còn cao (chưa thực hiện được kỹ năng làm toán), các bài kiểm tra không có khối lượng kiến thức về lịch sử địa phương…

Trần Phương