Làm thầy giáo dạy học trò bán trú chả khác gì làm cha, mẹ!

07/12/2019 06:43
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Bình tâm sự, ngoài dạy học thầy còn phải chăm sóc các em ăn, ngủ sinh hoạt như những đứa con của mình.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1976) vinh dự được thay mặt cho các thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chí Cà về Thủ đô Hà Nội tham gia chương trình Chia sẻ cùng các thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2019.

Theo thầy Bình kể, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chí Cà - huyện Xín Mần - tỉnh Hà Giang là một trong những ngôi trường thuộc huyện nghèo, xã biên giới vùng đăc biệt khó khăn thuộc vùng 30a và 135 của Chính phủ.

Trường nằm cách trung tâm thị trấn huyện gần 40 km, trước đây vào mùa mưa, con đường này là nỗi ám ảnh đối với các thầy cô giáo nơi đây bởi khi mưa xuống đất trở nên lầy lội trơn trượt đi lại vô cùng khó khăn. Mùa đông thì trời rét căm căm, mây mù bao phủ cả tuần.

Thầy Nguyễn Thanh Bình đã có hơn 20 năm dạy học ở vùng núi Hà Giang (ảnh do nhân vật cung cấp).
Thầy Nguyễn Thanh Bình đã có hơn 20 năm dạy học ở vùng núi Hà Giang (ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm 1998, từ những ngày đầu mới ra trường thầy Bình gắn bó với vùng núi cao hiểm trở này cho đến ngày hôm nay.

Mảnh đất thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai này cũng là nơi se duyên cho thầy Bình và một nữ cán bộ nông nghiệp công tác tại Ủy ban nhân dân xã. Đến nay, thầy Bình đã kết hôn được 18 năm.

Thầy giáo này tâm sự: “Do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện khó khăn, đường xá đị lại vất vả vì vậy hai vợ chồng phải gửi con cho ông bà nội ở Tuyên Quang chăm sóc. Hai, ba tháng vợ chồng mới về chơi với con”.

Leo dốc phải bám vào gốc cây để đến nhà vận động học sinh đi học
Leo dốc phải bám vào gốc cây để đến nhà vận động học sinh đi học

Thầy Bình chia sẻ: Mặc dù công tác giáo dục của nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo và sự đồng tình ủng hộ, quan tâm phụ huynh học sinh tuy nhiên về đồ dùng dạy học để phục vụ công tác dạy và học còn thiếu, đa số đã được cấp từ khi mới đổi sách giáo khoa, đến nay đã hư hỏng nhiều, không đủ tiêu chuẩn phục vụ dạy và học.

Hơn nữa, hầu hết các em học sinh là con em các dân tộc thiểu số như người  H’Mông, La Chí, Nùng, Tày…Vốn dĩ nhiều em chỉ thích lên nương, chăn trâu, thả bò hơn là đi học. Phụ huynh cũng ít quan tâm động viên các em đến trường.

Do đó, việc duy trì sĩ số học sinh như hiện nay là một cố gắng không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo trong nhà trường.

Một em nghỉ học, thầy cô giáo phải vào tận thôn bản để vận động, thuyết phục các em trở lại trường. Không chỉ đi vận động một lần mà vài lần mới thành công.

Làm thầy giáo dạy học trò bán trú chả khác gì làm cha, mẹ! ảnh 3
Hàng ngày, ngoài dạy học thầy Bình còn hướng dẫn, quan tâm tới học sinh của mình như người cha với các con (ảnh do nhân vật cung cấp).

Hiện thầy Bình đang chủ nhiệm lớp 4A, trong đó có 20 em là học sinh ở bán trú. Vì vậy, ngoài những kiến thức truyền giảng hàng ngày trên lớp, thầy còn phải chăm sóc các em ăn, ngủ sinh hoạt như những đứa con của mình.

Tuy khó khăn vất vả nhưng với thầy Bình chỉ cần có được sự động viên rất lớn từ gia đình, người thân, đồng nghiệp thầy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bằng sự nỗ lực ấy, thầy Bình đã đạt nhiều thành tích và được khen thưởng như Giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện; Lao động tiên tiến; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Được Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen; Được Phòng giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen.

Mặc dù còn nhiều vất vả khó khăn, thiếu thốn cực khổ nhưng cũng không làm cho những giáo viên vùng cao như thầy Bình chùn bước, với tình yêu nghề, yêu học sinh các thầy cô giáo vẫn âm thầm bám trường, bám lớp dạy chữ cho học sinh đồng bào nơi đây.

Trinh Phúc