Thuốc Hối hận

16/12/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Ngày nay, cơn khát của những vị quan “ăn mặn, ăn bẩn, ăn tạp” đến ngay khi đang ăn, khi vừa ký xong văn bản, bất kể là tự nguyện hay vì lý do nào đó phải ký.

Sau hàng loạt cán bộ các tỉnh Đồng Nai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,… bị kỷ luật đảng và chính quyền, đến lượt nhiều cán bộ chủ chốt tỉnh Khánh Hòa (Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Nguyễn Chiến Thắng, Trần Sơn Hải) bị Thủ tướng kỷ luật từ cảnh cáo đến cách chức hoặc xóa tư cách lãnh đạo sau khi họ bị kỷ luật đảng.  

Kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ

Những sự việc đã nêu cho phép người dân tin rằng lượng củi tươi cho vào lò ngày càng nhiều và dù có “tươi roi rói” cũng phải thành tro khi lò đang rực lửa. 

Có lẽ nhiệm vụ khó khăn hiện nay là phát hiện ngay khi “củi” còn tươi chứ không phải khi đã khô hoặc sắp biến thành củi mục.

Chuyện “trên có chính sách, dưới có đối sách” được vị lãnh đạo cao nhất đề cập không phải quá khó nhận diện.

Điều này nghĩa là không ít người vẫn tỉnh bơ trước bức xạ nhiệt từ lò nóng phát ra hay người ta đang tìm đủ mọi cách be bờ, tát nước?

Muốn chữa bệnh Hối hận phải có thuốc Hối hận. Ảnh minh hoạ: Theguardian.com
Muốn chữa bệnh Hối hận phải có thuốc Hối hận. Ảnh minh hoạ: Theguardian.com

Người xưa có câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, ngày nay chuyện “khát nước” chẳng cần chờ đến đời con, cũng chẳng cần chờ sau hoàng hôn nhiệm kỳ như các ông Vũ Văn Ninh, Nguyễn Bắc Son, Vũ Huy Hoàng,…

Ngày nay, cơn khát của những vị quan “ăn mặn, ăn bẩn, ăn tạp” đến ngay khi đang ăn, khi vừa ký xong văn bản, bất kể là tự nguyện hay vì lý do nào đó phải ký.

Câu nói “Bệnh từ mồm mà vào” quả là ứng nghiệm với những người “ăn mặn, ăn bẩn, ăn tạp”.

Căn bệnh sinh ra từ việc “ăn” không chừa thứ gì này là “Bệnh Hối hận”.

Điều chưa từng có trong lịch sử là “Bệnh Hối hận” lại không do các giáo sư, tiến sĩ ngành Y phát hiện mà là Ủy ban Kiểm tra Trung ương với sự góp sức của người dân và các cơ quan báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật.

Muốn chữa bệnh Hối hận phải có thuốc Hối hận.

Con người với chiếc bè trên lưng (1)
Con người với chiếc bè trên lưng (1)

Sử dụng cụm từ “Thuốc Hối hận” là do thói quen nói tắt của người Việt, chẳng hạn thay vì nói “xay bột gạo cho trẻ em” người ta nói “xay bột trẻ em” hoặc nói “Thuốc cảm cúm” dùng để chữa bệnh cảm cúm trong khi đáng lẽ phải nói “Thuốc chữa cảm cúm”. 

Bệnh Hối hận chẳng ai không mắc, từ dân thường đến quan chức. Có điều dạo này thấy nhiều vị từng ngự trên những chiếc ghế rất cao “hối hận” khiến dân chúng không khỏi lo âu, nếu căn bệnh này trở thành dịch thì tìm đâu ra thuốc chữa? 

Nếu quả trên đời này có “Thuốc Hối hận” thì chắc chắn sẽ có người cam tâm đánh đổi toàn bộ gia tài lấy loại thuốc này. Không biết trong số những người ấy có bao gồm những cái tên một thời đình đám như như Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Phan Văn Vĩnh,…?

Muốn tìm thuốc chữa thì phải tìm được căn nguyên bệnh, một trong những căn nguyên của bệnh Hối hận là “chữ ký”.

Trước tòa, ông Đinh La Thăng hối hận, xin lỗi vì đã để xảy ra sai phạm khi làm Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thời kỳ 2009 - 2011. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng: 

“Việc HĐTV quyết định PVC (Tổng công ty CP xây lắp dầu khí) làm tổng thầu là căn cứ vào sự đồng ý của HĐTV, bị cáo thay mặt HĐTV ký báo cáo, rất mong Hội đồng xét xử thấy rằng, lãnh đạo của tập đoàn không thể chỉ mình bị cáo”. [1]

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn bị bắt tạm giam vì đã ký quyết định 236/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án để Mobifone mua 95% cổ phần của AVG

Ông Tuấn cho rằng: “Việc ký Quyết định 236 là không đúng nhiệm vụ được phân công. Bị can nói rằng từng không đồng ý ký và đã báo cáo với bị can Nguyễn Bắc Son, nhưng ông Son vẫn chỉ đạo phải ký vì cho rằng ông Tuấn phụ trách lĩnh vực phát thanh - truyền hình”. [2]

Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế
Quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng thể chế

Cùng chung căn bệnh “Hối hận” còn có:

“Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh thực sự day dứt và hết sức hối hận”. [3]

“Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa hối hận, xin lỗi Bộ Công an”.... [4]

Cả hai ông Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đều khẳng định phải ký văn bản vì đây là quyết định của tập thể hoặc cấp trên chứ bản thân đều không muốn?

Vậy còn trường hợp ông Hoàng Trung Hải (khi còn là Phó Thủ tướng) ký các văn bản liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco II) thì có phải cũng bị áp lực như ông Thăng, ông Tuấn? 

Về vụ Tisco II, thông tin trên báo Thanhnien.vn cho biết: 

“Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 7650 ngày 28.12.2012 gửi các bộ: Tài chính, Xây dựng, KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho ý kiến “để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, nhưng hầu hết các bộ, ngành không đồng ý. Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng: “việc điều chỉnh nhiều hạng mục do nhà thầu đưa ra không hợp lý và không có căn cứ pháp lý”. [5]

Tuy nhiên ông Hoàng Trung Hải vẫn ký văn bản số 3136 “gửi Bộ Công Thương và VNS (Tổng công ty thép Việt Nam – NV) đồng ý cho Hội đồng Quản trị VNS quyết định, chịu trách nhiệm việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án” và Văn bản số 2339 thể hiện nội dung "tiếp tục thực hiện dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh 8.104 tỷ đồng"… [5]

“Hầu hết các bộ, ngành không đồng ý” nhưng ông Hải vẫn ký, vậy áp lực nào khiến một vị Phó Thủ tướng bỏ qua mọi ý kiến tham mưu?

Những chữ ký của ông Trương Minh Tuấn, Hoàng Trung Hải trong vụ AVG và vụ Tisco II đều liên quan đến những hợp đồng có giá trị khoảng 8.000 tỷ. 

Sự khác biệt là các bên trong vụ AVG đều là người Việt nên ngân sách thu hồi được toàn bộ còn với vụ Tisco II ngược lại.

Đối tác Trung Quốc thực hiện gói thầu EPC trong dự án Tisco II (EPC - thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) là nhà thầu MCC (Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc). 

Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân
Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân

Năm 2013, MCC dừng thi công nhưng đã kịp ôm 92% giá trị hợp đồng mà Tisco ưu ái trả trước trong khi các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.

Ông Hoàng Trung Hải giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007 đến tháng 2/2016 nghĩa là trùng với thời điểm MCC ôm tiền rời khỏi dự án!

Rời cương vị Phó Thủ tướng với đống sắt hoen gỉ trị giá hàng ngàn tỷ đồng tại Tisco, ông Hoàng Trung Hải trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Với ban lãnh đạo mới, người dân thủ đô và cả nước mong mỏi và hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Vậy điều gì đang xảy ra?

Từ năm 2016 đến nay, dư âm của thời kỳ “Hà Nội không vội được đâu”, “Quy hoạch băm nát thủ đô” vẫn hiện diện tại tòa nhà 8B Lê Trực, đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nước sông Tô Lịch hôi thối, kẹt xe và ngập úng diễn ra thường xuyên ngay tại trung tâm Hà Nội, không khí bị ô nhiễm nặng nề … 

Hà Nội vẫn là một đô thị chằng chịt “mạng nhện” (các loại dây dẫn) tại các khu dân cư và trên đường phố, thực phẩm bẩn vẫn tràn lan khắp vỉa hè và bụi mịn trong không khí đã đến nguy cơ báo động đỏ,…

Còn những nét mới “tô điểm” thêm cho Hà Nội trong mấy năm qua là gì? Xin điểm danh vài nét chính:

Cơ sở bóng đèn phích nước Rạng Đông cháy ngùn ngụt với hàng chục kg thủy ngân độc hại phát tán ra môi trường;

Nước ăn của hàng vạn dân nhiễm dầu độc hại từ Nhà máy nước Sông Đà;

Vụ buôn lậu, rửa tiền tại hai công ty mang tên Nhật Cường trở thành vụ án trọng điểm do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi;

Mấy chục cán bộ vụ xẻ thịt rừng phòng hộ Sóc Sơn thoát kỷ luật vì …ốm.

Những “nét mới” nêu trên chỉ đơn thuần là yếu kém quản lý hay cũng còn những yếu tố khác, chẳng hạn về kinh tế liên quan đến đối tác nước ngoài?

Vụ Tisco xảy ra đã gần chục năm nay mới dần sáng tỏ, người dân cả nước mong rằng sau xử lý vụ Tisco, Trung ương sẽ sớm xem xét vụ Thủ Thiêm?

Đồng thời người dân cũng mong mỏi Chính phủ mạnh tay truy nã những kẻ phạm tội đã lẩn trốn ra nước ngoài, không thể để chúng vơ vét tiền của, phá hoại an ninh quốc gia rồi nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Vẫn biết với thể chế hiện nay, không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho một cá nhân nhưng nếu không nói đến vai trò của người đứng đầu thì cần người đứng đầu để làm gì?

Liệu đất nước có thể cứ mãi chấp nhận những vụ “hối hận” sau khi hàng nghìn tỷ đồng trở thành sắt vụn hoặc bị doanh nghiệp nước ngoài vơ vét?

Trên đời này chẳng ai có thể bào chế ra “thuốc Hối hận”, không muốn bản thân, đời con, đời cháu phải “lầm lũi bước đi” thì cần tấm bản đồ cuộc đời chính mình chứ đừng nhìn vào nét chì đỏ ngoằn ngoèo trên bản đồ của người khác.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/xet-xu-vu-an-dinh-la-thang-noi-an-han-loi-xin-loi-va-loi-hua-cua-ong-thang-423472.html

[2]https://thoidai.com.vn/vi-sao-ong-truong-minh-tuan-dat-but-ky-vu-avg-90497.html

[3]https://laodong.vn/phap-luat/cuu-trung-tuong-phan-van-vinh-thuc-su-day-dut-va-het-suc-hoi-han-642178.ldo

[4]https://www.sggp.org.vn/bi-cao-nguyen-thanh-hoa-hoi-han-xin-loi-bo-cong-an-560764.html

[5]https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-hoang-trung-hai-lien-quan-gi-den-dai-du-an-doi-von-thua-lo-1157646.html

Xuân Dương