Lão nông già và hành trình 10 năm mở lớp học tình thương dạy trẻ em nghèo

18/12/2019 06:18
Uông Ngọc - Vũ Ninh
(GDVN) - Hơn 10 năm qua, ông Đoàn Minh Hùng tình nguyện mở lớp học xóa mù chữ cho gần 100 trẻ lang thang, cơ nhỡ mặc dù gia đình ông vẫn còn nhiều khó khăn.

Lão nông nghèo nặng duyên với trẻ em lang thang, cơ nhỡ

Đều đặn 17 giờ 30 mỗi ngày, chị Đặng Thị Tiên (An Giang) lại chở 2 đứa con đến "lớp học tình thương hòa hảo" của ông Đoàn Minh Hùng. 

Cuộc sống khó khăn, gia đình chị Tiên phải dắt díu nhau lên Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. 

Cô giáo Huyền đã 21 năm mở lớp học tình thương xóa mù chữ
Cô giáo Huyền đã 21 năm mở lớp học tình thương xóa mù chữ

Hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập không cao nên tiền phòng, tiền ăn uống đã chiếm gần hết tiền lương một tháng.

Cực chẳng đã chị Tiên phải cho 2 đứa con ở nhà để tiết kiệm chi phí cho gia đình.

May sao, có người mách chị đến lớp học tình thương của ông Đoàn Minh Hùng (166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh). 

Tại lớp học này, hai đứa nhỏ: một 4 tuổi, một 6 tuổi được dạy học miễn phí và còn được ông Hùng mua cho sách vở, tập, viết…Vì thế gia đình chị Tiên biết ơn ông Hùng nhiều lắm!

Chị Tiên chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên tôi cho các con ở nhà, đứa lớn trông đứa nhỏ còn ba má thì đi làm. May sao tôi biết đến lớp học của bác Hùng. 

Tại đây các con được dạy văn hóa Gia đình không mất tiền học phí lại còn được bác Hùng cho sách, vở để các con đi học. Gia đình tôi biết ơn bác Hùng nhiều lắm vì có nơi gửi các con đi học”.

Lớp học tình thương của ông giáo Hùng với những học sinh là trẻ lang thang, cơ nhỡ (Ảnh:Uông Ngọc)
Lớp học tình thương của ông giáo Hùng với những học sinh là trẻ lang thang, cơ nhỡ (Ảnh:Uông Ngọc)

Không chỉ có 2 đứa nhỏ nhà chị Tiên, lớp học của ông giáo Hùng đang là địa chỉ học tập của gần 100 trẻ em. Tất cả học sinh trong lớp học đặc biệt này đều là trẻ em lang thang, cơ nhỡ, khó khăn.

Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp, ông Đoàn Minh Hùng cho biết: Ban đầu sĩ số của lớp chỉ có 2 em theo học. Cả hai em đều là trẻ bán vé số. 

Hiện nay sĩ số của lớp đã lên đến 100 em. Đa phần đều là những em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ không đủ điều kiện cho con đến trường. Ngoài ra lớp học này cũng có một số công nhân chưa biết chữ đến theo học.

Trải qua chặng đường 10 năm mở lớp và duy trì đến nay đều được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của ông Hùng và gia đình. Ít ai biết mặc dù đứng ra mở lớp tình thương nhưng hoàn cảnh gia đình ông Hùng cũng rất khó khăn. 

Ông giáo Hùng vốn xuất thân là một nông dân chính hiệu quê ở Bà rịa Vũng tàu. Hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cũng bấp bênh. 

Để có tiền mở lớp và duy trì lớp học ông đã quyết định bán mảnh đất hương hỏa của cha mẹ ở quê, lấy tiền thuê nhà cho trẻ nhỏ tiếp tục đến lớp. Tấm lòng của lão nông già – ông giáo Hùng thật đáng quý biết bao!

Ông giáo Hùng phải bán cả mảnh đất hương hỏa ở quê để có tiền duy trì lớp học (Ảnh:NVCC)
Ông giáo Hùng phải bán cả mảnh đất hương hỏa ở quê để có tiền duy trì lớp học (Ảnh:NVCC)

Ông Hùng tâm sự: “Tôi vốn xuất thân là nông dân và có một tuổi thơ rất gian nan. Tình cờ 10 năm trước đi thuê nhà trên đây (Thành phố Hồ Chí Minh) để hai vợ chồng đi làm thuê.

Trong xóm trọ có 2 đứa nhỏ bán vé số. Hai đứa thích đi học lắm nhưng gia đình nghèo không có tiền nên tôi đứng ra mở lớp dạy cho các cháu. Sau đó lớp học cứ lớn dần đến nay đã được 10 năm và hơn 100 cháu”.

Cũng kể từ ngày đó, đều đặn cuối chiều, trong gian phòng trọ chật hẹp của gia đình lại ê a tiếng con trẻ học bài. 

Học sinh đến lớp tự động tiến xuống bếp chọn lấy một phần cơm dọn sẵn. Ăn uống xong các em nhanh chóng bước vào lớp, học những môn như Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh…

Ông Hùng cười: “Đời tôi đã vất vả chỉ mong sao các cháu sau này sẽ có một cuộc sống tươi sáng hơn”.

Dạy con chữ, dạy cách làm người

Đến với “lớp học tình thương hòa hảo” của ông Đoàn Minh Hùng các em không chỉ được học con chữ, học con số mà còn được dạy cách làm người, ứng xử lễ phép với mọi người.

Trong những buổi học, ông giáo Hùng luôn dành nhiều thời gian để dạy các em cách sống giữa người với người, sống phải thật thà, không tham lam và biết yêu thương nhau.

Những “thầy giáo quân hàm xanh” đã trở thành hình ảnh đẹp nơi biên giới
Những “thầy giáo quân hàm xanh” đã trở thành hình ảnh đẹp nơi biên giới

Ông Hùng tâm sự: “Việc dạy các cháu con chữ chỉ là một phần.

Tôi muốn dạy cho các cháu cách sống, cách cư xử, dạy cho các cháu lên người. 

Do hoàn cảnh đặc biệt nên hầu hết các cháu ở đây đều là trẻ lang thang, cơ nhỡ, gia đình khó khăn thiếu người uốn nắn.

Từ hoàn cảnh đó nếu như không có người hướng dẫn, chỉ bảo các cháu rất dễ sa đà vào tệ nạn xã hội. Do đó ở đây chúng tôi uốn nắn các cháu, dạy các cháu phải tránh xa những tệ nạn, cám dỗ ở ngoài kia. Cũng may là các cháu theo học ở lớp sau một thời gian rất ngoan và tiến bộ”.

Khi được hỏi: Động lực nào khiến một lão nông già quyết định dồn cả sức lực, kinh tế gia đình để mở lớp học tình thương và duy trì đến nay đã hơn 10 năm?

Ông Hùng cười xuề xòa: “Từ một lão nông già tôi trở thành ông giáo già là điều bản thân tôi cũng bất ngờ. Mình làm điều này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm và tình yêu thương con trẻ

Tôi mong muốn các con, các cháu được biết con chữ, biết cách ăn ở để biết đâu sau này thay đổi cuộc đời, số phận của chúng”.

Trẻ được ăn cơm, học hành miễn phí tại lớp học tình thương (Ảnh: Uông Ngọc)
Trẻ được ăn cơm, học hành miễn phí tại lớp học tình thương (Ảnh: Uông Ngọc)

Trong những tiếng ê a trẻ con đọc bài, vợ chồng ông Hùng vẫn tất bật chạy ngược xuôi. Khi thì chuẩn bị cơm chay cho học sinh, khi thì chuẩn bị cái bút, tập vở. 

Toàn bộ chi phí cho các bữa ăn, sách vở, bút viết, tiền thuê nhà…tính sơ sơ 1 tháng gần 30 triệu đồng đều do một tay gia đình ông trang trải. 

Cũng may, tiếng lành đồn xa, lớp học của ông được nhiều tổ chức xã hội và các nhóm tình nguyện biết đến. 

Họ ủng hộ dụng cụ học tập và một phần kinh phí cho lớp học. Nhiều bạn sinh viên tình nguyện luôn sẵn sàng tham gia giảng dạy, phụ đạo cùng ông.

Trải qua cuộc hành trình tròn 10 năm mở lớp tình thương, đến nay ông Hùng vẫn còn rất hăng hái. 

Không chỉ được dạy con chữ, các em còn được dạy cách sống, cách làm người (Ảnh:Uông Ngọc)
Không chỉ được dạy con chữ, các em còn được dạy cách sống, cách làm người (Ảnh:Uông Ngọc)

Ông khẳng định: “Ngày nào còn sức khỏe và còn khả năng thì tôi vẫn cố gắng dạy cái chữ cho tụi nhỏ. Thấy tụi nhỏ từ em không biết chữ đến biết chữ trở thành con ngoan trò giỏi là niềm vui vô bờ của tôi.

Dù ít hay nhiều tôi hy vọng rằng những năm tháng ngắn ngủi được học con chữ cũng sẽ giúp các em lên người, góp phần thay đổi cuộc sống của các em sau này, hướng các em đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống mưu sinh vất vả”.

Tạm biệt “lớp học tình thương hòa hảo” của ông giáo Hùng, những tiếng í ới, cười đùa của con trẻ vẫn gieo vào trong lòng chúng tôi sự thanh thản và bình yên.

Uông Ngọc - Vũ Ninh