Giáo viên coi thi dễ dãi sẽ không công bằng với những học sinh chăm chỉ

31/12/2019 06:34
Đỗ Quyên
(GDVN) - Thầy cô được yêu thích là những thầy cô dễ dãi trong lúc dạy, lúc kiểm tra và coi thi. Thầy cô bị ghét là do dạy học rất nghiêm túc và luôn nghiêm khắc

Mùa thi, điều mà nhiều học sinh trông ngóng nhất không phải là đề kiểm tra ra khó hay dễ? Đề có trúng tủ ôn tập hay không? Nhiều em quan tâm nhất chính là thầy cô giáo nào vào lớp coi kiểm tra.

Học sinh chỉ thích thầy cô xem thi dễ (Ảnh minh họa VOV)
Học sinh chỉ thích thầy cô xem thi dễ (Ảnh minh họa VOV)

Sở dĩ có chuyện này vì trong thực tế có giáo viên xem thi vô cùng nghiêm khắc như việc sẽ không có ai mở được tài liệu, không có ai có thể quay qua hỏi bài của bạn.

Học sinh nào học bài thì làm được, không học bài chỉ để giấy trắng. Nếu để giáo viên nhắc lần thứ nhất không nghe, lần thứ hai sẽ cương quyết đánh dấu bài nên em nào cũng sợ.

Nhưng lại có những giáo viên xem kiểm tra vô cùng dễ, ai hỏi bài cứ hỏi, ai quay tài liệu cũng mặc.

Nếu làm lộ liễu quá chỉ lên tiếng nhắc nhở đôi câu gọi là nhưng học sinh biết cái “tẩy” cũng chẳng em nào sợ nữa. Thầy cô nhắc cứ nhắc, quay bài, copi cứ tự nhiên.

Nhưng không phải học sinh nào cũng thích thầy cô coi thi dễ. Những học sinh học giỏi chăm ngoan, có ý thức học tập tốt thì rất thích những thầy cô giáo coi thi nghiêm khắc.

Có em nói, làm như thế mới công bằng vì mình đã bỏ công sức ra học không thể bằng những bạn lười học chỉ chờ cơ hội để sao chép.

Giáo viên coi thi dễ dãi sẽ không công bằng với những học sinh chăm chỉ ảnh 2
Cứ yêu nghề, yêu trẻ thì các con sẽ yêu mình

Nhưng những học sinh như thế lại chẳng có nhiều. Vì thế, việc ủng hộ thầy cô xem thi dễ vẫn luôn áp đảo.

Giáo viên xem thi dễ luôn được học sinh thương yêu, quý mến và gọi là thầy cô

Phần đông học sinh yêu quý thầy cô về sự dễ dãi. Học trò luôn xem đó là những thầy cô biết thương học sinh.

Thế nên những giáo viên này luôn được các em chờ đợi, chào đón một cách nồng hậu.

Những tràng pháo tay giòn giã vang lên, những lời mời chào không thể nồng nhiệt hơn, những tiếng reo hò hô vang không ngớt, cả đám học sinh còn nhảy lên, hét lên “Thầy ơi! Cô ơi! Vào lớp em đi!”

Nếu thầy cô bước qua của lớp không vào, những tiếng thở dài, tiếng than bật lên não nề, tiếng xuýt xoa tiếc quá. Có em còn gọi cả Trời ơi! với vẻ đầy tiếc nuối.

Ngược lại, những học sinh học tập nghiêm túc khi gặp thầy cô xem thi dễ sẽ vô cùng thất vọng. Nhiều em cho biết công mình học có khi lại bị điểm thấp hơn bạn quay bài nên không công bằng.

Đã có những học sinh bất mãn, buông xuôi và không thèm học bài nữa.

Giáo viên xem thi khó luôn bị học trò tẩy chay gọi là bà này, ông nọ

Những thầy cô nghiêm khắc bước lại, nhiều học sinh của lớp như nín thở, chờ đợi. Có em nhắm mắt miệng lầm rầm cầu khấn…Giáo viên cũng đi qua, những tiếng cười bật lên, những tiếng kêu vang lên đầy sung sướng…

Nào là: “May quá, bả không vào lớp mình”. Hay “Ông ấy đi rồi”…hú hồn!

Học trò yêu, ghét thầy cô đôi khi chỉ cần thỏa mãn tính lười biếng của chúng

Giáo viên coi thi dễ dãi sẽ không công bằng với những học sinh chăm chỉ ảnh 3
Học sinh chỉ thích những giám thị dễ tính, xuề xòa vào gác kiểm tra

Chuyện thầy cô được học trò yêu, ghét cũng có nhiều điều cần nói.

Thầy cô được học trò yêu thích chưa hẳn là vì thầy cô giáo ấy đã hết lòng chăm lo cho học sinh.

Thầy cô bị học trò ghét chưa hẳn vì thầy cô giáo ấy dạy dỗ không hết lòng…Chuyện yêu, ghét của các em đôi khi chỉ là thỏa mãn tính lười biếng của số đông.

Thầy cô được yêu thích nhiều nhất là những thầy cô dễ dãi trong lúc dạy, lúc kiểm tra và coi thi. Thầy cô bị ghét, phần nhiều là do dạy học rất nghiêm túc và luôn nghiêm khắc với các em.

Những thầy cô giáo này đương nhiên cũng đòi hỏi học sinh phải học hành nghiêm túc, phải luôn chăm chỉ, siêng năng.

Thế nhưng đang đi học nhiều em thấy ghét những thầy cô dạy dỗ nghiêm túc và nghiêm khắc với mình. Nhưng khi ra trường, lăn xả vào cuộc sống không ít học sinh lại quay trở lại để thăm thầy cô.

Có em còn không tiếc lời: “Nhờ sự nghiêm khắc ngày xưa mà chúng em đã nên người”.

Có lẽ lúc đã trưởng thành, hiểu hơn về cuộc sống, những học sinh này mới thấu hiểu được, thầy cô luôn nghiêm khắc là đang muốn tốt cho chính các em. Và cũng nhờ thế, nhiều em cũng đã học tốt và đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Đỗ Quyên