Ông Trương Huy Hoàng qua mặt EVN và Bộ Công Thương, thao túng trường Điện Lực?

14/01/2020 06:10
Trần Phương
(GDVN) - Ngoài trù dập người tố cáo, ông Trương Huy Hoàng còn tự ý phê duyệt dự án thuộc nhóm B lên đến cả trăm tỉ đồng

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần phản ánh, trường Đại học Điện lực thời gian qua gặp rất nhiều sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ ra.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo kết luận thanh tra công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ trình độ đại học của Trường đại học Điện lực với hàng loạt sai phạm, thiếu sót.

Trước đó, năm 2016, Bộ Công thương cũng chỉ ra nhiều sai phạm ở trường này.

Đây không phải là lần đầu tiên những sai phạm, thiếu sót của cơ sở đào tạo này được chỉ ra, thậm chí việc sai phạm đã xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư hàng trăm tỉ đồng

Theo tài liệu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được, trường Đại học Điện lực có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng trong đó có những dự án có mức vốn đầu tư lên tới 200 - 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, trường Đại học Điện lực cũng có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí … cần được xác minh, điều tra và xử lý.

Cụ thể, ông Trương Huy Hoàng với tư cách là Hiệu trưởng trường Đại học Điện Lực nhưng đã tự ý ra Quyết định đầu tư xây dựng công trình có mức vốn đầu tư lên tới vài trăm tỷ đồng trái thẩm quyền và chưa có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Trương Huy Hoàng với tư cách là Hiệu trưởng nhưng đã ký những dự án đầu tư xây dựng thuộc nhóm B, qua mặt cả Bộ chủ quản. Ảnh: LC
Ông Trương Huy Hoàng với tư cách là Hiệu trưởng nhưng đã ký những dự án đầu tư xây dựng thuộc nhóm B, qua mặt cả Bộ chủ quản. Ảnh: LC

Theo đó, tại công trình Nhà thí nghiệm kết hợp Nhà học - Trường Đại học Điện lực. Công trình này sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là vốn đầu tư công và dự án này là dự án đầu tư công. Loại, cấp công trình này  thuộc nhóm B.

Theo Khoản 2, điều 10 của nghị định số 59/2015/NĐ-CP, Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án này phải thuộc Bộ trưởng Bộ Công thương.

Hiệu trưởng Đại học Điện Lực liệu có bị “xử lý nghiêm”?
Hiệu trưởng Đại học Điện Lực liệu có bị “xử lý nghiêm”?

Tuy nhiên, tại Quyết định số 864/QĐ-ĐHĐL ngày 14/7/2017 thì Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án này với mức vốn đầu tư lên tới 269.338.393.000 đồng (Hai trăm sáu mươi chín tỷ ba trăm ba mươi tám triệu ba trăm chín mươi ba nghìn đồng);

Tương tự công trình xây dựng Trung tâm thí nghiệm cũng sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và thuộc dự án nhóm B.

Về thẩm quyền phải do Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhưng tại Quyết định số 242/QĐ-ĐHĐL ngày 22/3/2016 ông Hoàng đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Đồng thời ông Hoàng cũng tự ý ra Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình Trung tâm thí nghiệm này trái thẩm quyền tại Quyết định số 865/QĐ-ĐHĐL ngày 14/7/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thí nghiệm với mức vốn đầu tư điều chỉnh là 87.973.401.000 đồng (Tám mươi bảy tỷ chín trăm bảy mươi ba triệu bốn trăm linh một nghìn đồng).

Việc đầu tư xây dựng những dự án đầu tư công đã nêu tại Trường đại học Điện lực chưa được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt chủ trương đầu tư và cũng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Công thương.

Việc ông Trương Huy Hoàng với tư cách là Hiệu trưởng trường Đại học Điện Lực nhưng đã đã tự ý phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án này liệu có đúng thẩm quyền?

Hành vi của ông Hoàng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công theo các quy định của pháp luật?

Mua trường Trung cấp Hồng Lam

Năm 2011 Trường Đại học Điện lực đã thực hiện việc đầu tư mua trường Trung cấp kỹ thuật Hồng Lam (Gọi tắt là Trường Hồng Lam - địa chỉ tại đường Lê Viết Thuật, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)

Việc đầu tư mua trường Hồng Lam của Trường Đại học Điện lực có rất nhiều sai phạm đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi đó đang là đơn vị quản lý trực tiếp Trường Đại học Điện lực chỉ ra.

Theo Báo cáo kết quả kiểm soát tại Trường Đại học Điện lực số 357/BC-HĐTV-EVN ngày 03/6/2014 như: Chưa được sự phê duyệt chấp thuận của EVN; Tiến hành thẩm định giá sau khi đã ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 8 tháng.

Sai phạm liên tiếp sai phạm, chuyện gì đang xảy ra ở trường Đại học Điện Lực?
Sai phạm liên tiếp sai phạm, chuyện gì đang xảy ra ở trường Đại học Điện Lực?

Bên cạnh đó, EVN cũng chỉ ra việc đầu tư của Trường Đại học Điện lực vào Trường Hồng Lam là không có hiệu quả (kết quả kinh doanh của Trường Hồng Lam lỗ lũy kế hơn 4 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính của Trường Đại học Điện lực chưa hạch toán các khoản đầu tư vào Trường Hồng Lam theo chế độ kế toán và cũng chưa thực hiện hợp nhất Báo cáo tài chính của Trường Hồng Lam vào Trường Đại học Điện lực (Trường Đại học Điện lực chỉ theo dõi như một khoản thanh toán công nợ)

Điều đáng nói là Trường Hồng Lam chưa đăng ký chuyển đổi trở thành một cơ sở đào tạo của Trường Đại học Điện lực do chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên theo quy định nên chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập mà vẫn chỉ đăng ký với tỉnh Nghệ An dưới mô hình là một Trường trung cấp nghề tư thục độc lập.

Tuy nhiên, tại thời điểm chuyển trường Đại học Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công thương quản lý theo Quyết định số 10268/QĐ-BCT ngày 24/9/2015 của Bộ Trưởng Bộ Công thương, Trường Đại học Điện lực không báo cáo Bộ Công Thương về sự tồn tại của Trường Trung cấp kỹ thuật Hồng Lam.

Trong danh sách bàn giao trường Đại học Điện lực về Bộ Công thương không có tên Trường Hồng Lam.

Vì sao ông Trương Huy Hoàng có thể qua mặt cả Bộ Công thương, EVN? Ảnh: VNE
Vì sao ông Trương Huy Hoàng có thể qua mặt cả Bộ Công thương, EVN? Ảnh: VNE

Mặc dù Trường Hồng Lam vẫn đang thuộc về Trường Đại học Điện lực và Trường Đại học Điện lực vẫn chưa thực hiện việc thoái vốn tại Trường Hồng Lam.

Thậm chí, ngày 01/8/2018 khi Trường Đại học Điện lực mới tổ chức cuộc họp và lập Biên bản họp số 1267/BB-ĐHĐL của Hội nghị Ban lãnh đạo trường về việc thoái vốn tại Trường Hồng Lam.

Với những báo cáo có dấu hiệu gian dối như vậy, ông Trương Huy Hoàng liệu có giấu diếm vi phạm, không báo cáo trung thực với cấp có thẩm quyền những sai phạm của mình?

Nếu những hành vi của Trương Huy Hoàng là có, với tư cách là Đảng viên, Bí thư đảng ủy của trường Đại học Điện lực, ông Hoàng đã vi phạm khoản 9 mục I, Quy định số 47-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm.

Cụ thể là “Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án;…”

Sau rất nhiều sai phạm ở Trường đại học Điện lực, ngày 16/10/2019, Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý sử dụng vốn ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác mua sắm trang thiết bị, xử lý giải quyết đơn thư tố cáo tại trường Đại học Điện lực.

Trong buổi thanh tra, đại diện đoàn thanh tra của Bộ Công thương đã nhấn mạnh: "Đoàn thanh tra sẽ làm hết sức khách quan vì có cả giám sát của báo chí. Ví dụ như về công tác đầu tư trường Đại học Điện lực thực hiện đã đúng chưa? Có bao nhiêu dự án xây dựng, cải tạo? Các cấp có thẩm quyền phê duyệt có đúng hay không?

Việc triển khai đầu tư có đúng không rồi tổ chức đấu thầu như thế nào, có điều chỉnh hay không? Dự án có mang lại lợi ích hay không hay chỉ là hình thức để giải ngân tiền? Tất cả những vấn đề này sẽ được làm rõ. Chúng tôi không làm hình thức mà sẽ làm triệt để",

Thời hạn thanh tra 45 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Tuy nhiên, đến đầu tháng 1/2020 vẫn chưa có  công bố Kết luật thanh tra từ phía Bộ Công thương.

Lãnh đạo trường liên tiếp trù dập người góp ý

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ông Trương Nam Hưng, Phó Hiệu trưởng Đại học Điện lực đã phải viết đơn kêu cứu vì bị trù dập.

Theo đó, sau khi ông Hưng có ý kiến về những dấu hiệu sai phạm trong đánh giá, quy hoạch, quy trình bổ nhiệm cán bộ không được nhà trường tiếp thu, ông đã có đơn gửi Bộ Công thương.

Khi Bộ Công thương đang thụ lý, giải quyết thì Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng ký quyết định lập tổ rà soát công tác phân công và thực hiện giảng dạy tại Khoa Công nghệ năng lượng từ năm 2013 đến 2018 (thời điểm ông Hưng là Trưởng khoa). Tiếp đó, Đảng ủy Trường Đại học Điện lực  có công văn yêu cầu và ngày 9/7/2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Đặng Hồng Sơn đã ký quyết định kiểm tra thực hiện kê khai khối lượng giảng dạy đối với ông Trương Nam Hưng.

Đáng lưu ý, nhiều nội dung qua “rà soát kết quả từ sinh viên” để ra kết luận cũng rất khó hiểu và có dấu hiệu sắp đặt như đã phản ánh.

Ngày 18/12/2019, ông Trương Huy Hoàng tiếp tục có hành vi có hành vi trù dập ông Trương Nam hưng khi ra thông báo số 1949/TB-ĐHĐL, đánh giá cán bộ công chức cuối năm với ông Hưng là Không hoàn thành nhiệm vụ (lí do do ông Hoàng quy chụp là ông Hưng nghỉ 5 ngày liền không lí do chính đáng).

Trần Phương