Những sự kiện nổi bật của ngành Giáo dục năm 2019

25/01/2020 01:41
Thùy Linh
(GDVN) - Quốc hội thông qua Luật Giáo dục 2019, Việt Nam có trường đại học lọt tốp 1.000 đại học uy tín thế giới... là những điểm nổi bật của ngành giáo dục trong 2019.

Quốc hội thông qua Luật Giáo dục mới  

Ngày 14/6/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Giáo dục mới, gồm 9 chương, 115 điều, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.

So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) có 7 điểm mới cơ bản:

Thứ nhất, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục: Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và giao Chính phủ quy định cụ thể (Điều 9, Điều 10).

Thứ hai, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/ TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13: Luật Giáo dục quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông; ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi hội đồng quốc gia thẩm định... (Điều 31).

Các nhà xuất bản phải công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước 15/2/2020

Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (Điều 32).

Thứ ba, bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường: Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Thứ tư, quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học: Luật Giáo dục quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Nhà giáo giảng dạy trình độ đại học từ đại học lên thạc sĩ.

Để bảo đảm tính khả thi, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, Luật Giáo dục đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (Điều 72).

Thứ năm, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm: Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Thành phố Hồ Chí Minh giảm học phí cho học sinh trung học cơ sở

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. 

Thứ sáu, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập: Luật Giáo dục quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Thứ bảy, quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục: Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 96).

Ngoài ra, Luật Giáo dục đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (Điều 95, Điều 101…).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển như:

Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam nhưng không gây xáo trộn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện hành;

Tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục;

Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học;

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ;

Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục đại học cần có mục tiêu đẩy mạnh tự chủ

Đổi mới quản trị đại học, xác định mô hình cơ cấu tổ chức và cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục để quản trị đại học được hiệu quả;

Trao thực quyền cho Hội đồng trường để trở thành cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế...

Lần đầu tiên Việt Nam có trường lọt tốp 1.000 đại học uy tín thế giới, 3 đại học vào bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu, 8 trường nằm trong top 500 Châu Á.

Năm 2019, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp tốp 901- 1.000 của Academic Ranking of World Universities (ARWU). Với kết quả này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học của Việt Nam đầu tiên được xếp trong bảng này.

Còn ở bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu đại học tốt nhất toàn cầu thì lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Cũng trong năm 2019, hiện toàn Châu Á hiện có 13.578 trường đại học và học viện thì Việt Nam có 08 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 của bảng xếp hạng các trường đại học Châu Á của QS năm 2020 gồm: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân. 

Công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1  

Năm học 2018-2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng của giáo dục nước nhà khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành vào tháng 12/2018.

Chương trình được xây dựng theo hướng chú trọng nâng cao năng lực và phẩm chất người học, khắc phục lối truyền thụ kiến thức truyền thống, được thiết kế theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu về nghề nghiệp trong tương lai.

Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thùy Linh
 Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thùy Linh

Sau các bước thẩm định nghiêm ngặt, tháng 11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 32 bản sách được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá tích cực về nội dung, tiệm cận với xu hướng quốc tế.

Bộ cũng đã công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và linh hoạt.

Theo đó từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa lớp 1 mới bắt đầu được sử dụng, thay thế bộ sách hiện nay, áp dụng theo lộ trình: Năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực 

Năm 2019 là một năm giàu thành tích của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực với 100% học sinh tham dự đoạt giải, trong đó chủ yếu là huy chương vàng và huy chương bạc.

Trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019, đoàn Việt Nam cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, gồm: 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng (Ngồn ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019, đoàn Việt Nam cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, gồm: 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng (Ngồn ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành điểm tuyệt đối trong phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế; lần đầu tiên Việt Nam có thí sinh vừa đoạt Huy chương Vàng, vừa đoạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic Vật lý quốc tế.

Ngoài ra, kết quả PISA 2018 được OECD công bố ngày 3/12/2019 cho thấy, học sinh Việt Nam có điểm số vượt trội ở cả 3 lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán học và Khoa học.

Lần đầu tiên công bố Hệ thống dữ liệu toàn ngành  

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục. Đây là lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên được công bố.

Nguồn dữ liệu này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý ra các quyết định tuyển dụng, sử dụng hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập trong quản lý, sử dụng đội ngũ giáo viên hiện nay.

Thùy Linh