"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"

15/01/2020 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Ngày nắng đường bụi mù đất đỏ, trời mưa lầy lội, trơn trợt. Nhiều lần bùn đất ngập bánh xe, phải vất vả lắm mới phi được “con ngựa sắt” tới trường.

Hỏi về cô Đinh Thị Giang Tâm giáo viên trường Tiểu học Trần Quốc Toản huyện Cư Rút tỉnh Đắc Nông thì bất kể phụ huynh nào có con học trường này đều dành cho cô Tâm một tình cảm vô cùng quý mến thân thương.

Cô Tâm và học sinh chủ nhiệm (Ảnh tác giả)
Cô Tâm và học sinh chủ nhiệm (Ảnh tác giả)

Chuyện về cô giáo người dân tộc Mường luôn giảng dạy nhiệt tình, hết lòng vì sự tiến bộ của các em, cô còn có lòng vị tha, nhân ái, xem trò như con, xem trường như gia đình mình.

Điều này, đã làm cho hình ảnh một cô giáo có tâm và đầy nhiệt huyết sống mãi trong lòng những người dân nơi đây.

Gia đình cô ở cách trường hơn 100 cây số. Cô nói hôm nào cũng dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị nấu ăn cho gia đình rồi rời nhà để đến trường chăm lo cho con mọi người còn con cái mình thì phải tự lo.

Ngay cả khi còn học lớp 1, các con của cô Tâm cũng đã tự đi học rồi tự về phụ mẹ nấu ăn, quét dọn nhà cửa.

Dù chỉ dạy 1 buổi nhưng hôm nào dạy xong, cô cũng phải về căn nhà tập thể trong trường nghỉ ngơi mới có đủ sức để vượt tiếp hàng trăm cây số về nhà vì quá mệt.

Ngày nắng đường bụi mù đất đỏ, trời mưa lầy lội, trơn trợt. Nhiều lần bùn đất ngập bánh xe, phải vất vả lắm mới phi được “con ngựa sắt” tới trường để kịp cho tiết dạy. Những hôm ấy, người và đất cứ như quện lấy nhau trơn lầy và đỏ quạnh.

"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" ảnh 2
Cô giáo mầm non rơi nước mắt vì tâm sự để con mình ốm ở nhà, đi chăm con người

Cũng vì mỗi ngày luôn phải “cày” trên 200 cây số mà chiếc xe máy dù mới đập hộp cũng chỉ dăm năm là trở thành đống đồng nát.

Cô Tâm nói vay ngân hàng mua xe, hạn 5 năm trả xong cũng là lúc chuẩn bị hồ sơ để vay cho đợt khác. Thế nên quanh năm suốt tháng lúc nào cũng là con nợ của ngân hàng.

Khó khăn là thế nhưng vẫn không thể làm nhiệt huyết trong cô giảm xuống. Những buổi lên lớp vẫn đam mê, cháy hết năng lượng.

Do dạy học sinh vùng dân tộc, cô Tâm cho biết các em không chỉ yếu về mặt ngôn ngữ còn thiếu trầm trọng kĩ năng sống.

Người thầy phải vừa dạy chữ, vừa dạy các em cách sống, cách giao tiếp hàng ngày, điều này đến ba mẹ các em còn không thể dạy được.

Cô nói: “Giáo viên giỏi sau mỗi hội thi với tôi không quan trọng. Chỉ cần học sinh yêu mến cô, mong gặp cô sau mỗi ngày nghỉ để được nghe cô dạy, cô chỉ bảo…là thấy hạnh phúc rồi”.

Cô Tâm luôn tìm cách giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh tác giả)
Cô Tâm luôn tìm cách giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh tác giả)

Cô nói mình không nặng nề lắm về việc dạy kiến thức khi học sinh còn quá nhỏ.

Với trẻ dân tộc thiểu số, giáo dục cho các em hiểu được vì sao phải đi học? Vì sao phải cố gắng học tốt? Khi nào thì cần phải nói lời cám ơn và xin lỗi là hết sức quan trọng và cần thiết.

Và vì sao phải đoàn kết, yêu thương mọi người? Lời dạy của cô mà được nhiều học sinh ghi nhớ nhất:“Chúng ta chỉ hạnh phúc, khi chúng ta biết trao yêu thương”.

Hôm trước, có một bạn tên Hà trong lớp bị bệnh hiểm nghèo. Những cô cậu học trò bé tí đã biết sẻ chia: “Cô ơi! Con mong bạn Hà khỏe mạnh”; Cô ơi! Con mong bạn Hà không phải đi bệnh viện nữa”;

Cô ơi! Em sẽ ủng hộ cho bạn Hà”…Thế là các cô cậu bé nhịn tiền ăn hàng để ủng hộ tiền giúp bạn.

Những học sinh yếu kém, cô nói mình phải tìm ra nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ trẻ mới có kết quả.

Đó là việc xác định được các em học yếu nhưng mà yếu cái gì? Vì sao lại bị yếu? Tìm hiểu xem em có khả năng gì nổi trội? Có thế mạnh nào? Từ đó, cô mới có kế hoạch phụ đạo và bồi dưỡng.

Rồi cô kể về trường hợp một học sinh của lớp tên Vy. Em không thích học môn Toán, tiếng Việt.

Cô nói mình gần gũi tìm hiểu thấy em rất thích vẽ. Thế là cô trò có cuộc nói chuyện thật thân tình. Cô nói mình khéo léo khơi gợi và hỏi chuyện để em trả lời theo kiểu:“Sau này, con nói mình sẽ thích làm họa sĩ đúng không?

Vậy không biết tính toán, không biết chữ có làm họa sĩ được không? Không biết tính có giúp mẹ được không? Ví như đi chợ giúp mẹ nhưng không biết tính tiền sẽ bị nhầm lẫn.

Không biết chữ làm sao đi thi để làm họa sĩ được?…Có lẽ hiểu ra, kể từ ngày đó, em đã chăm học Toán và tiếng Việt hơn trước. Tuy thế, cô vẫn dành thời gian để em phát triển thêm năng khiếu vẽ.

Cô nói mình không muốn dạy theo quy trình áp đặt bên chuyên môn. Có lẽ vì điều này nên cô đã từng bị rớt khi tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Trong các tiết dạy, cô luôn tạo điều kiện cho các em bộc lộ năng lực của bản thân bằng cách hướng dẫn cho các em tự nói, tự giao tiếp.

Điều này vô cùng khó với trẻ dân tộc vì vốn ngôn ngữ tiếng Việt của các em rất ít ỏi.

Bởi thế, giáo viên thường xuyên phải tăng cường tiếng Việt trong các giờ dạy. Cô nói mình chỉ giảng cái học sinh cần và thiếu.

"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" ảnh 4
Cô giáo 12 năm lặng lẽ dạy học miễn phí cho những đứa trẻ không lành lặn

Cô thường xin thêm phụ huynh đón con trễ hơn so với quy định từ 20-30 phút để tăng cường thêm những kiến thức thực tế mà các em còn thiếu để tạo vốn sống phong phú cho học sinh.

Nhiều hôm học xong mà các em không muốn về. Có em nói cứ muốn học với cô như thế này mãi.

Có lẽ suốt bao năm gắn bó với trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng khó khăn nên cô thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh.

Đứng ra thành lập Câu lạc bộ “vòng tay bè bạn” Đắk Lắk và hiện cô là chủ nhiệm câu lạc bộ này để kết nối với nhiều Mạnh Thường Quân trên mọi miền đất nước giúp đỡ những học sinh khốn khó, bệnh tật hiểm nghèo trong tỉnh.

Ngoài giờ dạy, cô Tâm còn tranh thủ đi khảo sát thực tế những gia đình đang lâm vào tình cảnh khó khăn, ngặt nghèo để thông tin cho mọi người ở xa biết gửi tiền về giúp đỡ, hỗ trợ.

Lo cho mọi người thế nhưng lại quên mất hoàn cảnh hiện tại của mình cũng đang rất khó khăn. Với đồng lương hàng tháng chưa tới 7 triệu đồng cùng với thu nhập của chồng không ổn định nên cuộc sống của cô cũng khá vất vả.

Không quan tâm nhiều đến vật chất, cô nói mình hiện có một gia tài giàu có mà ít ai có được đó là sự quan tâm, tình thương của mọi người dành cho mình:“Thế là em thấy quá đủ rồi chị. Cuộc sống luôn công bằng. Mình cho đi rồi sẽ nhận lại mà thôi”.

Ánh mắt cô rạng ngời khi kể về một kỉ niệm vui mới đây của mình. Lần ấy, đi bệnh viện Sài Gòn tái khám cổ họng (trước bị chẩn đoán viêm thanh quản mãn tính).

Do không đủ tiền nên cô có đi mượn thêm một số người. Đến bệnh viện mở túi xách ra thấy 1 phong bì đựng 1 triệu đồng của ai đó cố tình bỏ vào.

Cùng lúc đó có tin nhắn của một số máy lạ với dòng chữ “hỗ trợ chị đi khám bệnh. Chị cầm số tiền và đừng thắc mắc em là ai. Chị xứng đáng nhận được sự giúp đỡ này”.

Giây phút ấy làm cô thật sự xúc động nói không nên lời. Cô nói mình đã cám ơn và xin cho phép được nhận số tiền này và sử dụng theo ý của mình.

Cô đã nhắn lại “Cám ơn em! Chị xin nhận và chị sẽ chuyển 500 ngàn cho hội “vòng tay bè bạn” giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó hơn chị và 500 ngàn cho cô bé ở trường bị căn bệnh ung thư”.

Nghe chuyện kể về cô, chúng tôi thấy thật vui vì xung quanh ta vẫn còn nhiều thầy cô giáo tốt như thế.

Cô đã góp phần làm cho bức tranh giáo dục vốn u ám đã trở nên khởi sắc hơn vì những việc làm đầy tình thân, đầy lòng nhân hậu đúng như câu hát cô giáo như mẹ hiền.

Phan Tuyết