Sự việc phụ huynh ở An Giang xin cho con không học thêm- hiểu thế nào cho đúng?

14/01/2020 06:29
NGỌC GIANG
(GDVN) - Giá như, phụ huynh không đồng tình thì chỉ cần đi vài bước chân sang trao đổi với nhà trường hay một cuộc điện thoại...có lẽ sự việc đã không đi quá xa.

Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có một số bài viết phản ánh về việc một phụ huynh lớp 5 ở trường Tiểu học Lê Văn Nhung (Long Xuyên- An Giang) viết đơn gửi nhà trường xin không cho con mình học thêm vào buổi chiều.

Tuy nhiên, nhiều bài viết phản ánh trên các báo chỉ căn cứ vào lá đơn mà phụ huynh Thái Thị Diễm Trúc chia sẻ trên mạng chứ chưa nắm được kế hoạch dạy buổi 2 của nhà trường.

Chính vì thế, nhiều độc giả cứ ngỡ việc dạy buổi 2 của nhà trường là dạy thêm và thu tiền của học sinh nên đã có sự hiểu lầm đáng tiếc.

Trường Tiểu học Lê Văn Nhung- nơi xảy ra sự việc (Ảnh tác giả)
Trường Tiểu học Lê Văn Nhung- nơi xảy ra sự việc (Ảnh tác giả)

Là phụ huynh hiện đang có con theo học tại trường Tiểu học Lê Văn Nhung, chúng tôi thấy rằng sự việc nhà trường tổ chức dạy buổi 2 cho học sinh là một việc làm phù hợp, rất cần thiết bởi đã giảm áp lực học tập cho học trò lớp 5.

Và, chúng tôi cũng khẳng định luôn là trường Tiểu học Lê Văn Nhung tổ chức dạy buổi 2 cho học sinh trong nhà trường không hề có chuyện thu tiền của học sinh.

Trước khi tổ chức dạy buổi 2 cho học sinh lớp 5 thì Ban giám hiệu nhà trường đã có bàn bạc cụ thể với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường và thông báo cho toàn trường biết.

Bởi, theo thời khóa biểu hiện hành thì học sinh lớp 5 chủ yếu là học 6 tiết/ buổi nên các em thường tan học rất muộn. Hiệu quả của các tiết học cuối thường không cao mà học sinh rất mệt mỏi.

Trong khi, trường Tiểu học Lê Văn Nhung năm nay vừa khánh thành thêm 6 phòng học mới nên nhà trường đã chủ động giãn số tiết học buổi sáng của học sinh lớp 5 sang một số buổi chiều đối với các môn chuyên: Tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật...

Lịch học buổi chiều bắt đầu vào lúc 14h20 nên đa phần các phụ huynh khối 5 của trường đều tán thành chủ trương này bởi buổi sáng các em được về sớm, buổi chiều thì học muộn nên học sinh vẫn được nghỉ trưa và hiệu quả các giờ học được nâng lên.

Điều cốt lõi nhất là các em học sinh không quá tải và đương nhiên là các em không mệt mỏi như việc sáng nào cũng phải ngồi học 6 tiết.

Lá đơn xin không “học thêm” của phụ huynh đã thực sự khách quan?

Sự việc phụ huynh ở An Giang xin cho con không học thêm- hiểu thế nào cho đúng? ảnh 2
Một phụ huynh An Giang dũng cảm viết đơn xin cho con không học buổi chiều

Như phần trên bài viết, chúng tôi đã đề cập, chuyện tổ chức dạy buổi 2 với thời lượng 3 buổi/ tuần không phải là học thêm mà đây là học chính khóa nên không có chuyện thu tiền của học sinh.

Thế nhưng, phụ huynh Thái Thị Diễm Trúc lại viết đơn gửi ở nhiều nơi gây hiểu lầm cho dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như ngành giáo dục của địa phương.

Trong khi đó, buổi họp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc triển khai dạy buổi 2 của nhà trường thì chồng phụ huynh Thái Thị Diễm Trúc cũng có mặt và là người viết biên bản cuộc họp.

Hơn nữa, từ nhà phụ huynh Thái Thị Diễm Trúc đến trường có quãng đường chỉ khoảng 100 m mà thôi. Nó không phải là quá xa và đương nhiên phụ huynh cũng chẳng cần phải đưa đón. Học sinh lớp 5 đi bộ 100m đường từ nhà đến trường thì nào có xa xôi gì cho cam?

Thực tế, học sinh của trường Tiểu học Lê Văn Nhung đều rất gần trường. Bởi, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên hiện có 3 trường Tiểu học: đó là Trường Tiểu học Nguyễn Du, Lê Lợi và Lê Văn Nhung nên các trường tuyển sinh theo từng địa bàn.

Vậy nhưng, không hiểu vì sao chồng đi họp cho con mà vợ làm làm đơn phản đối? Và, lá đơn này được phụ huynh gửi đi một số địa chỉ dẫn đến việc bạn đọc cả nước lên án nhà trường mở lớp dạy thêm thu tiền.

Trong khi, Bộ đã cấm các trường Tiểu học dạy thêm tại trường nên chuyện dạy thêm tại trường đối với cấp Tiểu học gần như rất hiếm xảy ra. Nếu có dạy thêm ở Tiểu học thì thường giáo viên cũng chỉ dạy ở nhà mà thôi.

Hơn nữa, nhà trường đâu có áp lực gì đâu mà phải tổ chức dạy thêm tại trường bởi học sinh chuyển cấp từ Tiểu học lên Trung học cơ sở ở An Giang không có trường nào thi tuyển vào lớp 6.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Nhung nếu đúng tuyến thì sau khi hoàn thành chương trình Tiểu học là đương nhiên được tuyển vào trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt- đây là 1 trong 2 ngôi trường lớn và có uy nhất ở thành phố Long Xuyên.

Giáo viên vất vả hơn rất nhiều khi dạy thêm buổi

Sự việc phụ huynh ở An Giang xin cho con không học thêm- hiểu thế nào cho đúng? ảnh 3

Dạy học 2 buổi/ngày thế nào để phụ huynh đồng tình?

Thực tế, việc trường Tiểu học Lê Văn Nhung tổ chức dạy buổi 2 cho học sinh thì người vất vả nhất là giáo viên phải đi thêm buổi. Nhưng, Ban giám hiệu nhà trường đã làm công tác tư tưởng cho giáo viên trong đơn vị.

Bởi, năm học 2020-2021 tới đây thì cấp Tiểu học sẽ thực hiện học 2 buổi đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chính vì vậy, không chỉ trường Tiểu học Lê Văn Nhung mà ngành Giáo dục tỉnh An Giang đã và đang chủ động để tạo tiền đề cho việc dạy 2 buổi ở những năm tới. Vì vậy, phụ huynh cũng cần nắm kĩ để không để xảy ra sự việc đáng tiếc như thế này.

Rõ ràng, đây chỉ là một câu chuyện rất nhỏ nằm trong kế hoạch dạy và học chính khóa của nhà trường và phụ huynh cũng đã được thông báo cụ thể nhưng cách hiểu của mỗi phụ huynh lại rất khác nhau.

Giá như, phụ huynh không đồng tình, hoặc chưa rõ kế hoạch của nhà trường thì chỉ cần đi vài bước chân sang trao đổi với nhà trường hay một cuộc điện thoại cho nhà trường thì có lẽ sự việc đã không đi quá xa như bây giờ.

Hy vọng, từ sự việc này, mỗi phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất, tránh tình trạng hiểu lầm và dẫn đến những sự cố đáng tiếc, đẩy dư luận theo một chiều hướng không có lợi cho nhà trường và ngành Giáo dục.

NGỌC GIANG