Hãy để yên cho thầy cô lựa chọn sách, đừng tung hỏa mù!

16/01/2020 06:29
Trinh Phúc
(GDVN) - Thiết nghĩ, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thường tung đòn hỏa mù “nhằm đục nước thả câu” nhưng với lĩnh vực giáo dục thì không nên.

Hiện nay, các cở sở giáo dục đang trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu sách giáo khoa lớp 1 để đi đến quyết định lựa chọn một bộ sách tối ưu phục vụ cho năm học 2020  - 2021.

Trong bối cảnh đó, các bên tìm cách quảng bá sách, thậm chí dùng nhiều thông tin gây nhiễu.

Nếu như, các nhà xuất bản có sách sử dụng phương pháp truyền thông trung thực, đến với các thầy cô và phụ huynh thì đó là điều nên làm. Tuy nhiên, cũng nhiều vấn đề khiến người viết băn khoăn như việc ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam – đơn vị sở hữu bộ sách Cánh Diều nói với báo chí cho rằng, những người chỉ đạo chọn sách giáo khoa mà nhận thù lao thì không thể đảm bảo sự công khai minh bạch” [1].

Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải (ảnh nguồn báo daibieunhandan.vn)
Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải (ảnh nguồn báo daibieunhandan.vn)

Việc ông Ái lên tiếng như vậy khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi khi ông còn là Giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vào ngày 31/3/2015 đã ký văn bản số 456A/NXBGDVN gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc “Nhà xuất bản giáo dục hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn thêm một Bộ Sách giáo khoa để phục vụ học sinh, giáo viên Hồ Chí Minh nếu được Hội đồng thẩm định quốc gia xét duyệt, cho phép lưu hành”. 

Văn bản trên cho thấy rất rõ vai trò, trách nhiệm của ông Ngô Trần Ái trong việc hợp tác giữa Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam với và Sở Giáo dục và đào tạo Hồ Chí Minh.

Ông Ngô Trần Ái là người ký văn bản gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận để đề xuất hợp tác giữa nhà xuất bản giáo dục với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).
Ông Ngô Trần Ái là người ký văn bản gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận để đề xuất hợp tác giữa nhà xuất bản giáo dục với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu).

Nhưng khi ông Ngô Trần Ái nghỉ hưu, không làm việc ở nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nữa, với vai trò là Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam – chủ của bộ sách Cánh Diều thì ông lại lên tiếng phản đối.

Với những phát ngôn như vậy đang khiến cho dư luận đặt vấn đề liệu ông Ái có khách quan hay chỉ là chiêu trò bán sách.

Các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thường tung đòn hỏa mù “nhằm đục nước thả câu” nhưng thiết nghĩ đối với lĩnh vực giáo dục các bên không nên công kích lẫn nhau như vậy.

Mà thay vì công kích nhau, các bên nên đi giới thiệu sách của mình để các thầy cô và phụ huynh hiểu được nội dung và ý tưởng các bộ sách.

Mục tiêu mà chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đang hướng tới là đòn bẩy cho nền giáo dục nhưng sợ rằng những ai đó ôm cái tư duy “con buôn”, chỉ mong có lợi về mình mà không nghĩ đến toàn cục sẽ khiến cho tình hình càng phức tạp.

Nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?
Nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?

Hiện nay, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chọn sách giáo khoa đã trao quyền cho giáo viên và phụ huynh học sinh.

Trong dự thảo cũng đề ra các quy trình cho thấy nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch được quy định chặt chẽ.

Với dự thảo Thông tư này, có thể thấy được  hiện nay trách nhiệm rất lớn đặt lên vai các thầy cô giáo, những người sẽ trực tiếp giảng dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021.

Do đó các bên liên quan có sách giáo khoa nên truyền thông để giúp cô thầy hiểu hơn về ý tưởng của từng bộ sách hơn là tìm cách “công kích” đối thủ cạnh tranh.

Vì các bên làm như vậy, thầy cô sẽ bị nhiễu thông tin mà điều này không tốt cho việc chọn lựa sách giáo khoa phục vụ giảng dạy.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng bài viết, “phản biện hay tiếp thị sách” liên quan đến việc Giáo sư Đỗ Đức Thái chỉ trích sách toán hiện hành trong buổi giới thiệu về bộ sách giáo khoa “Cánh Diều”.

Tác giả cho rằng, đây là kiểu “Văn ta, vợ người” - vốn là cái tật tồn tại dai dẳng trong tầng lớp nho sĩ Việt Nam từ lâu vì thế việc khen chê nhiều khi mang tính khiên cưỡng, chưa thực sự khách quan, công tâm và phù hợp bối cảnh.

Nếu những nhận định của Giáo sư Đỗ Đức Thái được thực hiện trong một cuộc hội thảo khoa học, có đầy đủ của những người có chuyên môn và tác giả của các cuốn sách toán trong chương trình 2000 thì rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đang có tranh luận việc ai được chọn sách giáo khoa, nên chọn sách giáo khoa nào thì những phát biểu của Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng rất khó để đong đếm độ tin cậy.

Giả sử như sách Toán 1 của “Cánh Diều” khắc phục được những hạn chế của sách Toán chương trình 2000 vậy có cần thiết phải nhấn mạnh đến những hạn chế của chương trình toán năm 2000 đến như vậy không?

Liệu sách Toán “Cánh Diều” có kế thừa những giá trị mà chương trình sách giáo khoa năm 2000 đã làm được không?

Phản biện hay tiếp thị sách!
Phản biện hay tiếp thị sách!

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cải cách giáo dục không phải đập đi làm lại mà kế thừa được những mặt tích cực và khắc phục được những hạn chế của chương trình trước đó.

Chính vì thế, ngoài vấn đề bán sách thì các nhà soạn sách giáo khoa cũng cần có những đánh giá khách quan để phụ huynh và giáo viên tránh hoang mang, mất phương hướng khi tham gia ý kiến chọn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới.

Hiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trao quyền lớn cho giáo viên

Điều 4 dự thảo Thông tư quy định: “Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Hội đồng) do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng.

Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia Hội đồng”.

Tài liệu tham khảo

1. https://viettimes.vn/nhung-nguoi-chi-dao-nhan-thu-lao-thi-khong-the-dam-bao-su-minh-bach-khi-chon-sgk-376068.html

Trinh Phúc