Chuyện trải nghiệm của học trò xưa

21/01/2020 06:36
LÊ LAM HỒNG
(GDVN) - Tuổi thơ chúng tôi được trải nghiệm hàng ngày, nên khi lớn lên hầu như chẳng còn bỡ ngỡ mấy trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống…

Tôi vào học lớp hai năm 1964 (hệ 10 năm ở miền Bắc), học đến năm lớp 10 là năm 1974…Có nghĩa là thế hệ chúng tôi “lọt khung” vào khoảng thời gian đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc (tháng 12/1972 mới hết).

Có thể nói các thế hệ học sinh hồi đó chừng như “khôn trước tuổi” bởi được “trải nghiệm” thực tế hàng ngày.

Lớp học thời chiến được tổ chức ở sân kho, sân đình và cả hầm trú ẩn. (Ảnh minh họa: TTXVN).
Lớp học thời chiến được tổ chức ở sân kho, sân đình và cả hầm trú ẩn. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Bài học đầu tiên mỗi khi bước vào năm học mới là bài học về phòng tránh bom đạn.

Hồi đó chưa có chuyện “đồng phục” như bây giờ mà ai có gì mặc nấy, tất cả áo đều phải nhuộm màu xanh, màu nâu miễn là luôn sạch sẽ, gọn gàng.

Khi đi trên đường, nếu có máy bay Mỹ tới đánh phá một địa điểm gần đó, trước mọi người hết quan sát xung quanh, xem hầm hào chỗ nào thì nhảy xuống.

Trước khi xuống, nhìn kỹ xem có rắn, chuột bọ gì không vì những “vị khách không mời” này thường bị lọt xuống hầm khi đi tìm mồi buổi tối.

Xuống hầm thì ngồi xổm, đưa hay tay khép hai tai và đưa lên đầu, đề phòng hầm bị sập, hai tay có thể chòi lên hoặc bị lấp sâu, khi người ta dùng cuốc bới đất thì thấy hai tay trước…

Nếu gặp địa hình trống trải, phải nằm ngửa nhìn lên phía trên, không được nằm sấp. Vì sao? Vì nằm ngửa sẽ quan sát được hướng bom rơi: khi quả bom dài như cái bút chì thì nó rơi xa, còn nếu thấy trái bom tròn như quả cam rồi to dần là bom rơi cách mình không xa.

Lúc này, bom nổ thì sức nổ sẽ quăng người lên rồi dập xuống. Nếu nằm sấp, khi rơi xuống có thể bị vỡ tim, nguy hiểm tính mạng. Còn nằm ngửa thì nếu bị bom hất lên rồi rơi xuống vẫn an toàn…

Vào vụ mùa, toàn trường được nghỉ mùa một tuần lễ để học sinh về tiếp giúp gia đình trong công việc đồng áng. Chúng tôi đi gặt lúa, bẻ ngô, nhổ lạc, chặt vừng đem về sân kho của hợp tác xã.

Cô giáo Huyền cho học sinh đi trải nghiệm thực tế để học tốt môn Lịch sử
Cô giáo Huyền cho học sinh đi trải nghiệm thực tế để học tốt môn Lịch sử

Công việc nhà nông khiến chúng tôi cứng cỏi hơn, sức bền hơn vì chân tay hoạt động nhiều và tinh thần luôn thoải mái.

Sau buổi học, chúng tôi vào rừng chặt củi giúp cha mẹ. Những nhánh củi khô được chặt gọn gàng, buộc thành bó và chúng tôi gánh về nhà trong niềm vui tuổi nhỏ.

Đi rừng cũng phải biết cách phòng ngừa những bất trắc xảy ra như bị đứt tay chẳng hạn. Khi đó, cứ lấy lá cây nào có chất chát (lá chuối non, lá ổi, lá sim…) nhai nhỏ và đắp vào vết thương để cầm máu. Với bọn muỗi rừng, sên vắt chỉ cần xát lá sả lên chân, tay là chúng lánh xa…

Mùa nghỉ hè đúng là “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ - Xuân Tâm) của lứa tuổi học trò. Lúc này, bờ sông, bãi sa bồi… gắn liền với một thời cổ tích tuổi thơ.

Chúng tôi đi chăn trâu (thả trâu trên đồng, vào mùa thả bãi lúc nông sản đã thu hoạch xong) và đi mót lạc, mót khoai theo từng nhóm.

Cách tránh nắng, cách tắm sông thế nào khỏi bị cảm hàn, cho an toàn là những kỹ năng phải có. Đang chơi, mồ hôi ra nhiều không xuống sông tắm ngay mà để ráo mồ hôi mới tắm. Chọn bãi bồi rộng, nhiều đá sỏi, nơi này sông cạn, tắm an toàn.

“Trải nghiệm” là trải qua thực tế cuộc sống để bản thân có được kinh nghiệm sống, kỹ năng sống… Tuổi thơ chúng tôi được trải nghiệm hàng ngày, nên khi lớn lên hầu như chẳng còn bỡ ngỡ mấy trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống…

LÊ LAM HỒNG